Sự kiện - chuyên đề:

Thanh tra bộ xây dựng vòi vĩnh và mối lo từ lực lượng chống tham nhũng

Vụ ba cán bộ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ bóc trần một trong những thử thách lớn nhất của cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam.

Đỗ Thanh Huyền

Chuyên gia phân tích chính sách

Đỗ Thanh Huyền là chuyên gia phân tích chính sách trong lĩnh vực quản trị và tham nhũng thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam. Bà trực tiếp quản lý chương trình nghiên cứu PAPI – Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh Việt Nam. Bà có bằng Thạc sĩ về nghiên cứu phát triển từ Đại học Auckland, New Zealand.

Đầu năm 2015, sau một cuộc bình chọn toàn quốc, Nepal lần đầu tiên vinh danh ông Gyan Mani Nepal, công tác trong ngành giáo dục, là “Thần tượng Liêm chính” trong số hơn 300 công chức.

Ý nghĩa của cuộc bình chọn mang tính lịch sử đó đã vượt ra khỏi biên giới Nepal, nơi mà hình ảnh công chức thường gắn với tham nhũng và sự kém cỏi.

Giáo sư Jon S.T. Quah, từng giảng dạy tại Đại học Quốc gia Singapore và là chuyên gia về phòng chống tham nhũng, nhận định trong một nghiên cứu: Các nước châu Á bị tham nhũng hoành hành nên học theo chiến dịch này của Nepal – kêu gọi công dân bầu ra cơ quan liêm chính nhất hoặc ít tham nhũng nhất.

Theo GS Quah, những cuộc bầu chọn như vậy giúp ghi nhận và vinh danh những anh hùng chống tham nhũng và các cơ quan liêm chính cho đất nước. Đó là những yếu tố cực kỳ mấu chốt quyết định sự thành bại của bất kỳ cuộc chiến chống tham nhũng nào.

Một nghiên cứu về hiệu quả của 50 cơ quan phòng chống tham nhũng ở châu Á của Ngân hàng Thế giới chỉ ra: Quyết tâm chính trị và sự tận hiến từ các cơ quan này là yếu tố sống còn chi phối sự thành bại của các chiến dịch chống tham nhũng.

Một nghiên cứu khác cũng kết luận: Thành công của chiến dịch “Đả hổ, Diệt ruồi, Săn cáo” tại Trung Quốc lệ thuộc rất lớn vào niềm tin từ người dân đối với khả năng và sự liêm chính của các cơ quan phòng chống tham nhũng.

Bản chất của vụ việc vòi vĩnh đưa hối lộ ở Vĩnh Phúc đánh trúng vào một trong những thử thách lớn nhất Việt Nam đang phải đương đầu: tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng.

Trong bối cảnh đó, vụ ba cán bộ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố về tội Nhận hối lộ là một diễn biến không thể xem nhẹ, cho dù mức độ xảy ra chỉ ở cấp huyện.

Bởi lẽ, bản chất của vụ việc này bóc trần một trong những thử thách lớn nhất của cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam: tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng.

Vấn đề này đã được ra trên diễn đàn Quốc hội từ năm 2013. Và từ nhiều năm nay, thông qua Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cộng đồng doanh nghiệp cũng luôn phản ánh tình trạng phải chung chi khi có các đoàn thanh, kiểm tra từ các cơ quan quản lý nhà nước như thuế, hải quan, thanh tra.

Có lẽ vì vậy mà hình thành câu nói trong dân gian: “Thanh cha (tra), thanh mẹ, thanh dì (gì). Cứ có phong bì thì nói ‘thanh-kiu’ (thank you)”.

Vụ nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc xảy ra giữa lúc xã hội đang kỳ vọng từ khi Trung ương đưa nhiều vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ và quyền hạn ra ánh sáng. Nếu không được xử lý nghiêm minh, vụ việc này rất có thể sẽ lại làm xói mòn lòng tin của công chúng vốn đã rất khó gầy dựng.

Hàng năm, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đo cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, trong đó có mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân khi bị vòi vĩnh bởi cán bộ chính quyền địa phương.

Trong PAPI có hỏi về mức tiền nào thì người bị vòi vĩnh sẽ tố giác hành vi nhũng nhiễu của cán bộ chính quyền. Sức chịu đựng đó vô hình trung cho thấy mức độ sẵn sàng đấu tranh chống tham nhũng của người bị đòi hối lộ.

Kết quả khảo sát qua ba năm cho thấy sức chịu đựng tham nhũng trung bình toàn quốc của người dân tăng từ 25,6 triệu đồng năm 2016 lên 27,5 triệu đồng năm 2017. Năm 2018, số tiền bị vòi vĩnh dẫn tới việc người dân sẵn sàng tố cáo giảm xuống còn 22,6 triệu đồng.

Có thể nói, cho dù có giảm, 22,6 triệu đồng vẫn lớn hơn 11 lần so với giá trị theo luật định – nếu người nào bị vòi vĩnh đưa hối lộ tới 2 triệu đồng thì có quyền tố giác hành vi đó.

Chúng ta không thể trách người dân đã thoả hiệp với cán bộ chính quyền khi bị vòi vĩnh hoặc chủ động đưa “lót tay”, hoặc không có động lực đấu tranh chống tham nhũng. Nếu bên cung ứng dịch vụ không gây phiền nhiễu, vòi vĩnh, người dân sẽ không phải đưa hối lộ.

Bên cạnh đó, cũng theo chỉ số PAPI, tỷ lệ người dân sẵn sàng tố giác hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu dù gia tăng – từ 2,8% năm 2016 lên 7,4% năm 2018 – cũng là những con số rất thấp, cho thấy mức độ sẵn sàng tố giác chưa cao.

Chúng ta không nên đổ lỗi cho người đưa hối lộ, bởi khi cán bộ, công chức, viên chức không vòi vĩnh thì người dân, doanh nghiệp không phải đưa hối lộ.

Cũng theo kết quả khảo sát PAPI 2018, trong số những người cho biết bị vòi vĩnh trên toàn quốc, 78% số người trả lời chọn im lặng vì họ không thấy được ích lợi từ việc tố giác hành vi vòi vĩnh đó; 50% cho rằng quy trình tố giác tham nhũng quá phức tạp.

Xét về lợi ích kinh tế giữa việc chấp nhận chi tiền hối lộ và làm đơn tố giác thì rõ ràng cơ chế hiện tại đã không thúc đẩy họ lên tiếng.

Đây là những trở ngại thường thấy ở các nước châu Á bị tham nhũng hoành hành. GS Quah (Singapore) cũng chỉ ra trong nghiên cứu của mình: Hàn Quốc vẫn chưa chống tham nhũng thực sự hiệu quả vì còn thiếu quyết tâm chính trị; khả năng phát hiện và trừnng phạt quan chức tham nhũng vẫn còn yếu; người dân tiếp tục chịu đựng, chấp nhận chung chi như một phần tất yếu của cuộc sống.

Có lẽ, việc đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng lớn trong thời gian vừa qua ở Việt Nam cũng tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp tố giác hành vi đòi hối lộ, mặc dù ở tỉ lệ vẫn còn thấp so với thực tiễn “sôi động”. Thách thức lớn hơn là làm sao để người dân và doanh nghiệp chủ động tố giác, giúp cho bộ máy công vụ trở nên trong sạch hơn như đã cam kết.

Chính vì vậy, vụ việc vòi vĩnh hối lộ liên quan đến tranh tra Bộ Xây dựng đang gây sự chú ý lớn của xã hội hiện nay cần được xử lý nghiêm minh để chút hy vọng đó trở thành niềm tin vào tính nghiêm minh của pháp luật. Người dân và doanh nghiệp đang theo dõi sát sao để kiểm chứng tính nghiêm minh của việc thực thi pháp luật và tính liêm chính của các cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Tham nhũng ở lĩnh vực nào, quy mô nào cũng đáng báo động, chứ không riêng gì ngành xây dựng.

Thế nhưng, từ nhiều góc độ, cũng không nên nhìn nhận vụ nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc là một sự việc đơn lẻ. Điểm mấu chốt cần ghi nhớ là tham nhũng ở lĩnh vực nào, quy mô nào cũng đáng báo động, chứ không riêng gì ngành xây dựng.

Tham nhũng ẩn náu hoặc công khai trong nhiều ngành, lĩnh vực được xem là sinh lợi nhuận cao như đất đai, nhà đất, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng cơ bản, giao thông, dự án hạ tầng.

Ngay cả dịch vụ căn bản mang ý nghĩa xã hội sâu sắc và lâu dài như giáo dục công lập cũng đang rơi vào tình trạng chạy trường, chạy lớp, chạy điểm đáng báo động, như kỳ thi tuyển sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 vừa qua. Tóm lại, giá trị sinh lời của các giao dịch kinh tế, dân sự càng lớn thì càng tạo đất cho cán bộ tham nhũng đòi nhiều hơn.

Và do vậy, công luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Vụ việc thanh tra xây dựng vòi vĩnh chung chi lớn đến vậy, dù chỉ ở cấp huyện, có hẳn đã là cá biệt? Không phải ngẫu nhiên mà sau những sự vụ như thế công luận nhiều khi vẫn hay nói: “Kính thưa các bác chưa bị lộ”.

Đó là những câu hỏi hoàn toàn chính đáng từ dư luận cần được trả lời thấu đáo.

Theo Zing

Chia sẻ
09:12:04 20-06-2019

Vụ ba cán bộ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ bóc trần một trong những thử thách lớn nhất của cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam. Đỗ Thanh Huyền Chuyên gia phân tích chính sách Đỗ Thanh Huyền là chuyên gia phân tích chính sách trong lĩnh vực quản trị […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi