Theo Cục công nghiệp, Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh trong vài năm lại đây. Số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10% trong giai đoạn 2015-2018, đạt 250 nghìn xe vào năm 2018. Tuy nhiên, sản lượng năm 2017 và 2018 lại giảm khoảng 9% và 3% so với năm trước đó. Việc sụt giảm này được đánh giá là do tác động của việc giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN, từ mức 50% năm 2015, xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018.
Nền tảng sản xuất còn thấp là một trong những nguyên nhân làm nền công nghiệp ô tô không ứng phó được với cạnh tranh về giảm thuế. Điển hình là tỷ lệ về nội địa hóa. Sau gần 20 năm phát triển, ngành công nghiệp ô tô, đến nay phân khúc xe khách, xe tải cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra, là 20% và 45% theo từng loại xe. Riêng với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi thì tỷ lệ nội địa hóa mới đạt bình quân 7-10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra. Sản phẩm nội địa hóa cũng mang hàm lượng công nghiệp thấp, như săm, lốp, ghế ngồi, gương kính, ắc quy… Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt tới 70%, thậm chí 80% như ở Thái Lan.
Ngành công nghiệp Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, hơn 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu. Tuy nhiên, ngành sản xuất linh kiện ở Việt Nam có những lợi thế và điểm bất lợi. Do đó, cần xác định linh kiện có lợi thế để nội địa hóa, nếu không vẫn phải buộc xuất khẩu. Đây là những đánh giá được đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhấn mạnh. Theo Vama, ngành sản xuất linh kiện là một trong những nền tảng có nhiều xu hướng tích cực để hỗ trợ phát triển, như hỗ trợ giảm chi phí khấu hao và giảm chi phí nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình- Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để phát triển công nghiệp ô tô, song nhìn chung, ngành công nghiệp này của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia, thậm chí cả Philippines.
Trong giai đoạn 2015-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành ô tô Việt Nam khoảng 10%/năm. “Mức độ này tương đối khá so với tốc độ phát triển công nghiệp nói chung, nhưng so với ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong khu vực thì còn thấp. Cụ thể, Việt Nam sản xuất và lắp ráp chưa đến 300.000 xe/năm, trong khi con số này ở Thái Lan là hơn 2 triệu xe/năm, Indonesia là hơn 1 triệu xe/năm”- bà Nguyễn Thị Hải Bình nói.
Tương tự, sản lượng tiêu thụ xe tại Việt Nam hiện chỉ ở mức dưới 300.000 xe/năm, nhưng Thái Lan tiêu thụ khoảng 1 triệu xe/năm. Tuy vậy, nhu cầu mua sắm ô tô của người dân Việt Nam đang ngày càng cao. 6 tháng đầu năm 2019 tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Với khối lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước tăng chưa tới 8% so với cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều xe ô tô từ nước ngoài, đặc biệt là từ Thái Lan và Indonesia do những ưu đãi về thuế quan khiến giá xe nhập từ các nước này rất cạnh tranh.
Với sản lượng sản xuất không đủ lớn, ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất ô tô cũng khó có cơ hội phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa của xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam chưa cao. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, áp lực cạnh tranh sản xuất, tiêu thụ xe ô tô của Việt Nam với các nước trong khu vực là rất lớn và trực tiếp. Dù được đánh giá là thị trường tiềm năng năng ngang ngửa với Thái Lan, nhưng Việt Nam lại có quá nhiều bất lợi trong sản xuất xe ô tô, khiến giá xe sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu khá nhiều.
Đại diện VAMA dẫn chứng, một nắp bình xăng do nhà sản xuất trong nước chào hàng có giá 3,8 USD, trong khi chi tiết này nhập khẩu chỉ có giá 1,5 USD. Hay Việt Nam thiếu ngành công nghiệp nguyên vật liệu sản xuất thép, nhựa cao cấp phục vụ cho công nghiệp ô tô, buộc phải nhập khẩu với chi phí logistic rất cao. “Xe nhập từ Thái Lan cộng thêm 5% chi phí vận chuyển về Việt Nam vẫn rẻ hơn xe sản xuất trong nước 10-20%, đó là chúng tôi còn đánh giá chất lượng sản phẩm tương đương. Công nghiệp ô tô của Việt Nam đang đi sau Thái Lan, Indonesia khoảng 20 năm. Muốn bắt kịp họ, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực.
Nếu vẫn làm như chính sách đang có, khoảng cách vẫn thế, 10 năm nữa họ vẫn đi trước, do đó cần có chính sách đặc sắc bắt kịp họ.” – ông Nguyễn Trung Hiếu nói. Để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển, bà Nguyễn Thị Hải Bình cho rằng cần hoàn thiện một số cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất nội địa, rào cản nhập khẩu. Theo đó, bà Nguyễn Thị Hải Bình kiến nghị, thời gian tới phải tập trung nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích tập đoàn, ưu đãi kèm chuyển giao công nghệ. Chính sách thuế liên quan khuyến khích dòng xe thân thiện môi trường như dung tích nhỏ… Thu hút nhà đầu tư nước ngoài thì chính sách thuế không chỉ bao gồm với nhà đầu tư mà cả cho người tiêu dùng nên đề xuất sửa thuế thu nhập đặc biệt… Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà không nhập khẩu nước ngoài. Ngoài chính sách thuế cần chính sách tài chính khác liên quan đất đai, tín dụng để triển khai các cụm công nghệ ô tô theo chuỗi giá trị. Thời gian tới Bộ Tài chính cần rà soát lại một số Luật và Nghị định liên quan thuế tiêu thụ đặc biệt, làm sao khả năng tiếp cận chính sách hiệu quả nhất và có tác dụng. Hành chính thuế thì kỳ vọng Luật mới tạo thủ tục thông thoáng cho nhà đầu tư.
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) kiến nghị, cần có những ưu đãi về thuế với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Đồng thời, ngành công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô cũng cần được hỗ trợ tín dụng, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, được tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế để có thêm động lực phát triển.
Mỹ Dung
VHDN:Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để phát triển công nghiệp ô tô, song nhìn chung, ngành công nghiệp này của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia, thậm chí cả Philippines. Theo Cục công nghiệp, Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự […]