Sự kiện - chuyên đề:

Thị xã Giá Rai: Khai thác thế mạnh chế biến xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cao

VHDN: Thị xã Giá Rai được xác định là đô thị vệ tinh và đây cũng là khu vực trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, thị xã Giá Rai được xác định là địa phương trọng điểm và giàu tiềm năng, thế mạnh về chế biến thủy sản xuất khẩu với con tôm là mặt hàng chủ lực.

 

TĂNG TRƯỞNG THEO CHIỀU SÂU

Tính đến nay, trên địa bàn thị xã Giá Rai có tổng số gần 430 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua, sơ chế và chế biến thủy sản xuất khẩu. Trong đó, có 24 công ty, doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với tổng công suất thiết kế khoảng 150 ngàn tấn/năm và thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế.

Thời gian qua, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và luôn đồng hành chia khó cùng doanh nghiệp nên tình hình hoạt động của các công ty, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã từng bước ổn định và không ngừng phát triển. Đây chính là tiền đề và điều kiện quan trọng để tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản và xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm.

Chế biến tôm xuất khẩu tại TX. Giá Rai.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của thị xã đã năng động vượt khó bằng việc tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ sản xuất mới để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi sản xuất với nông dân và nhiều hộ, cơ sở nuôi đạt tiêu chuẩn ASC được bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường, hoàn thành các thủ tục cấp mã số vùng nuôi tôm. Qua đó, đã tạo nên vùng nguyên liệu sản xuất tôm ổn định phù hợp với từng vùng sản xuất, cung ứng sản phẩm đến các doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững.

Một trong những điều đáng ghi nhận là nếu như những năm trước đây, phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ tập trung xuất tôm đông và chủ yếu là xuất thô mang lại giá trị không cao, thì từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng cao theo hướng chế biến sâu gắn với một số sản phẩm chủ yếu như: PTO (lột vỏ còn đuôi), PD (lột vỏ rút tim); tôm Nobashi, Sushi; tôm hấp, trụng đông IQF; cá, mực, bạch tuộc đông lạnh; mực cắt khoanh, tôm tẩm bột đông lạnh; Semi IQF, IQF Block; mực, cá biển đông lạnh; tôm, cá biển tẩm bột sơ chiên đông lạnh; tôm sú, thẻ đông lạnh; chả cá… Đây cũng được coi là một trong những giải pháp làm tăng khả năng cạnh tranh về xuất khẩu với các nước có nền công nghiệp nuôi tôm lớn. Đồng thời, hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí nguồn nguyên liệu, xuất khẩu nguyên liệu có giá trị thấp và hướng đến thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, đa dạng các mặt hàng chế biến sâu, chế biến giá trị gia tăng cao để thâm nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào các thị trường xuất khẩu lớn, thị trường truyền thống, thị trường mới và khó tính…

XÂY DỰNG THỊ XÃ TRỞ THÀNH TRUNG TÂM CHẾ BIẾN XUẤT KHẨU

Với mục tiêu xây dựng thị xã Giá Rai trở thành trung tâm chế biến thủy sản hàng đầu của tỉnh gắn với thực hiện thắng lợi Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm với cả nước, nhất là phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu tôm cả tỉnh Bạc Liêu đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025, thị xã sẽ tiếp tục phát động các phong trào thi đua sản xuất trong cộng đồng các doanh nghiệp. Cũng như, chủ động cung cấp thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách và văn bản chỉ đạo của cấp trên, thông tin thị trường, rào cản thương mại của các nước nhập khẩu đến các doanh nghiệp trên địa bàn biết để doanh nghiệp yên tâm, chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu tôm. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trên địa bàn thị xã tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi dây chuyền công nghệ hiện đại, chế biến sâu, chế biến hàng hóa có giá trị gia tăng cao, nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng tôm xuất khẩu vào các thị trường mới, thị trường truyền thống, thị trường khó tính yêu cầu hàng hóa chất lượng cao, thị trường Hồi giáo…; Khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nhập nguồn nguyên liệu từ một vài thị trường. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cần xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, tích cực liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh cạnh tranh công bằng nhằm ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ và vị thế sản phẩm xuất khẩu của tôm Việt Nam.

Đóng gói sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu.

Mặt khác, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tỉnh, các địa phương trong tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất, để xây dựng ổn định các vùng nuôi tôm an toàn, tôm sinh thái, tôm hữu cơ… được cấp chứng nhận vùng nuôi; tổ chức liên kết nông dân xây dựng vùng nuôi tôm đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của khách hàng đạt các chứng nhận chất lượng và tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế (như: Organic, ASC, ISO, GMP, HACCP, BAP, GlobalGAP); đảm bảo nguồn nguyên liệu tôm nuôi đạt chất lượng, đáp ứng đủ cho chế biến xuất khẩu và cung ứng đủ nguồn điện phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Song song đó, tuân thủ các quy định tại các thị trường xuất khẩu, chú trọng nghiên cứu thị trường và các thủ tục xuất nhập khẩu; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường tham dự các chương trình hội thảo, diễn đàn, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế do các địa phương, cơ quan trung ương tổ chức, nhằm tăng cường kết nối trực tiếp và hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, tiếp tục duy trì tốt các thị trường truyền thống như Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường Hồi giáo, Trung Đông, đặc biệt là duy trì tốt thị phần tại những thị trường cạnh tranh cao như: Mỹ và các nước châu Âu…

 

LÊ MINH HẢI, Bí thư thị xã Giá Rai

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 1-2/2025)

10:47:11 08-01-2025

VHDN: Thị xã Giá Rai được xác định là đô thị vệ tinh và đây cũng là khu vực trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, thị xã Giá Rai được xác định là địa phương trọng điểm và giàu tiềm năng, thế mạnh về chế biến thủy sản xuất […]

Đối tác của chúng tôi