Sự kiện - chuyên đề:

Thọ Xuân (Thanh Hóa) – hiệu quả rõ nét từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Huyện Thọ Xuân đã và đang thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ lĩnh vực nông nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội nâng cao thu nhập cho người dân.

Anh Hải và lứa dưa kim hoàng hậu sắp cho thu hoạch đợt 3 trong năm

Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn mới. Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân đã nhanh chóng  ban hành, xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hành động về công tác này. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện. Cùng với đó, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất, xem xét tháo gỡ khó khăn ,vướng mắc, tránh sai sót  trong quá trình tổ chức sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang các loại cây khác v.v…

Kết quả, từ năm 2016 đến nay, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng toàn huyện đạt 2.750 ha. Chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 439,8 ha. Chuyển đổi sang trang trại tổng hợp (trồng lúa – cá; trồng sen – nuôi cá), tổng diện tích 477,2 ha. Theo đó,  Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đưa năng suất, sản lượng cây trồng tăng cao, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, giá trị thu nhập trên một ha canh tác, đạt lợi nhuận gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa. Ngoài ra,   làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất truyền thống, manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa.

Một phần trang trại sen – cá –vịt trời của Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Văn Cường

Thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, không chỉ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến,  huyện còn thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây nông sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn.Trong đó đáng chú ý là các mô hình sản xuất công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, globalGAP … với hàng loạt sản phẩm an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao và được thị trường đón nhận.

Một trong những mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Thọ Lâm, là trang trại trồng dưa kim hoàng hậu công  nghệ cao của công ty ( CT) Cổ phần Phát triển công nghệ cao Điền Trạch. Theo anh Đặng Đình Hải, một trong ba cổ đông góp vốn cho biết :CT của anh được thành lập và đi vào sản xuất vào cuối năm 2019,  anh đã chọn cây dưa kim hoàng hậu làm đối tượng sản xuất. Với diện tích 1,5 ha nhận thầu của xã, CT đã đầu tư 3 tỷ đồng, chủ yếu cho lắp đặt hệ thống nhà màng và tưới nhỏ giọt tự động (có thể điều khiển bằng điện thoại thông minh).  Mỗi năm có thể trồng được 3 đợt cây dưa kim hoàng hậu, từ đầu năm đến nay, trang trại của anh Hải  đã thu hoạch 2 lần và đang bước vào thu hoạch vụ thứ 3. Về sản lượng, quân bình mỗi vụ cho 45 tấn quả (trên 1,5 ha), giá bán tại vườn trung bình 27.000 đồng/kg, cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/vụ. Nếu tính cả đợt thu hoạch sắp tới của vụ thứ 3, tổng doanh thu sẽ đạt 3,6 tỷ đồng, trừ chi phí nhân công, giống, phân bón … còn lãi khoảng 60%. CT dự định sẽ đầu tư mở rộng quy mô, diện tích, đưa vào sản xuất thêm các loại rau, củ, quả và trồng, nhân giống cây hoa phong lan.

Cùng với mô hình trồng dưa kim hoàng hậu công nghệ cao, tại xã Thọ Lâm, mô hình  sen- cá – vịt trời của anh Phạm văn Cường (thôn 3)-Chủ tịch Hội Nông dân xã cũng đang chứng minh rõ nét  hướng đi đúng của chủ trương tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa của Thọ Xuân. Năm 2018, sau quá trình tìm hiểu, học hỏi, anh Cường quyết định nhận thầu của xã 8 ha đất 5%, chủ yếu là ao đầm bỏ hoang và mua thêm của bà con 10 ha đất lúa kém hiệu quả để đầu tư, cải tạo, xây dựng trang trại chuyên canh cây sen, kết hợp nuôi cá và vịt trời. Ban đầu anh gặp không ít khó khăn, bởi số vốn đầu tư lên đến 2 tỷ, nhưng thu nhập chưa có, từ năm 2019 đến nay trang trại của anh đã đi dần vào ổn định và cho thu nhập.

Anh Cường cho biết,  sen là loại cây “ dễ tính”, mỗi năm anh thu được trên 40 tấn hạt sen,  trừ chi phí còn lãi 350 triệu, cùng với  lãi 100 triệu đồng từ bán cá. Ngoài ra, vịt trời thương lái mua tại chỗ, giá 120.000 đồng/con (từ 1,1 – 1,3 kg),  anh lãi khoảng 450 triệu đồng. Tổng cộng mỗi năm trang trại cho lãi ròng gần 1 tỷ đồng. Chưa hết, chỉ hơn một năm nữa, trang trại của anh sẽ có thêm nguồn thu đáng kể từ 1.000 cây dừa Xiêm đã trồng được 3 năm trên bờ ao và những khoảng đất trống. Đáng chú ý , cá và vịt của anh nuôi theo mô hình bán tự nhiên, thức ăn chủ yếu có sẵn tại hồ, ao nên chất lượng cá, vịt rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trên địa bàn xã Thọ Lâm còn nhiều mô hình sản xuất theo hướng quy mô lớn, sản phẩm hàng hóa giá trị đang hoạt động hiệu quả. Nhờ đó đã tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Đồng thời,  đây cũng là giải pháp tốt để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM nâng cao của huyện thọ Xuân nói chung và xã Thọ Lâm nói riêng.

Phương Giang

18:55:28 02-10-2020

Để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Huyện Thọ Xuân đã và đang thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ lĩnh vực nông nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc phát […]

Đối tác của chúng tôi