Sự kiện - chuyên đề:

Thời điểm chín muồi của cuộc cách mạng mang tính đột phá

VHDN: Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp quy luật tất yếu khách quan, đúng thời điểm, thời cơ, vừa cần thiết, vừa cấp bách, mang tính “đột phá của đột phá”, đã chín muồi không thể chậm chễ hơn nữa.

 

Thực hiện phương án sắp xếp tinh giản là tối ưu hoá hiệu lực lãnh đạo, hiệu quả quản trị quốc gia, hiện đại hoá bộ máy hành chính các cấp, nhằm tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiết kiệm nguồn lực, tái cấu trúc toàn diện bộ máy, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ sự chồng chéo, bất cập tồn tại kéo dài từ nhiều thập kỉ; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển đất nước bước vào kỉ nguyên mới, kỉ nguyên vươn mình của dân tộc…

Đây là cuộc cách mạng mang tính đột phá, phải hành động quyết liệt nhằm thực hiện Nghị quyết số 18 – NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Theo Nghị quyết này, Trung ương đánh giá: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lặp”…

Trong 7 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội, nhiều tổ chức, cơ quan, địa phương đã triển khai sắp xếp, ngang bộ đã giảm 17 Tổng cục và tương đương, giảm 10 cục, 144 vụ/ban thuộc bộ, thuộc Tổng cục; giảm 108 phòng trong vụ/ ban thuộc bộ, ngành. Tại một số tỉnh, thành phố giảm 13 sở, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 12.572 phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện. Hết năm 2023, các đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước giảm 7.868 đầu mối, hiện còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập. Sáp nhập cấp huyện, cấp xã tại hơn 50 tỉnh, thành phố trong 2 đợt (2019 – 2021 và 2023 – 2024) đã sắp xếp được 50 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (giảm 15 ĐVHC cấp huyện) và 1.812 ĐVHC cấp xã (giảm được 934 xã),v.v…Qua đó, giảm hàng chục nghìn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhiều nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, bộ máy hành chính các cấp vẫn còn cồng kềnh, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách còn rất lớn. Hàng năm ngân sách phải dùng tới 70% để chi thường xuyên nuôi bộ máy, song hoạt động đạt hiệu quả không tương xứng.

Theo phương án tinh giản bộ máy, tại các cơ quan Trung ương sẽ sắp xếp, sáp nhập, kết thúc hoạt động của nhiều tổ chức, cơ quan. Theo đó, Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan trực thuộc. Chính phủ tinh gọn từ 30 đầu mối xuống còn 21 đầu mối, hình thành 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 4 cơ quan trực thuộc. Các cơ quan Trung ương của Đảng giảm 4 ban, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương. Quốc hội giảm 4 uỷ ban, 01 cơ quan trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,v.v… Hàng loạt đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có những cơ quan báo chí, truyền hình, thông tấn,v.v…) sẽ được sáp nhập, chuyển giao hoặc kết thúc nhiệm vụ. Việc sắp xếp, tinh giảm bộ máy không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị, vừa nhanh chóng ổn định tổ chức vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tớí Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV vào đầu năm 2026.

Cuộc cách mạng này là bước “đột phá của đột phá”, giải quyết “điểm nghẽn” nên vô cùng quan trọng để đất nước bước vào kỉ nguyên mới, kỉ nguyên vươn mình của dân tộc nhằm đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, kỉ niệm 100 năm thành lập nước, phù hợp xu thế thời đại, hội nhập quốc tế.

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia phát triển nhanh, giàu có, hùng mạnh đều có bộ máy quản lí nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, như: Hoa Kỳ chỉ có 15 bộ, Nhật Bản chỉ có 11 bộ, Đức có 15 bộ, Pháp có 17 bộ và tương đương, Hàn Quốc có 17 bộ, Singappore có14 bộ và cơ quan ngang bộ,v.v…Các quốc gia này đều không có đơn vị hành chính cấp Tổng cục mà chỉ có cấp cục và tương đương, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ theo cơ cấu bộ đa ngành, đa lĩnh vực, không chồng chéo. Ví dụ: Nước Đức có Bộ Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị; Bộ Môi trường, Bảo vệ Thiên nhiên và An toàn hạt nhân. Nước Pháp có Bộ Năng lượng, Khí hậu và Phòng ngừa rủi ro; Bộ Nhà ở và Đổi mới đô thị; Bộ Kế hoạch, Tài chính và Công nghiệp; Bộ Thể thao, Thanh niên và Đời sống cộng đồng. Trung Quốc có Bộ Nhà ở và Xây dựng thành thị, nông thôn; Bộ Văn hoá và Du lịch; Bộ Thương mại, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc; Bộ Tài nguyên nhân sự và Bảo trợ xã hội. Hàn Quốc có Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin; Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng; Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn; Bộ Doanh nghiệp nhỏ và Khởi nghiệp. Hoa Kỳ có Bộ Lao động, Y tế và Dịch vụ dân sinh; Bộ Gia cư và Phát triển đô thị; Nhật Bản có Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản; Bộ Giáo dục, Văn hoá và Thông tin; Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Công nghiệp,v.v… Chứng tỏ các quốc gia phát triển trên đây từ nhiều thập kỉ đều chú trọng thiết lập các bộ đa ngành, đa lĩnh vực mà không chồng chéo, đan xen chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề nên trong việc quản trị quốc gia rất thành công.

Cũng theo Nghị quyết số 18, năm 2021 đã “cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó,v.v…”. Nay mới triển khai là chậm 3 năm so với chủ trương của Đảng nên không thể “chậm hơn được nữa” như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh. Phương châm thực hiện là “vừa chạy vừa xếp hàng”, Trung ương làm trước để địa phương làm theo, cấp trên có ban nào của Đảng, bộ nào của Chính phủ thì cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ban đảng đó, UBND có sở đó; cấp huyện và tương đương có ban đó, phòng đó.

Việc sắp xếp, tinh giản bộ máy phải gắn liền với giảm biên chế. Cuộc cách mạng này đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, làm quyết liệt, triệt để. Đã là “cuộc cách mạng” thì phải có sự hi sinh, lăn lộn, vật lộn trong thực tiễn để có kết quả, có sản phẩm và thành tựu. Hình thành bộ máy mới vấn đề cốt lõi và nhân tố quyết định bảo đảm thành công trong thực hiện nhiệm vụ chính trị là chọn đúng người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị. Khâu giảm biên chế cần giảm những cán bộ, công chức, viên chức năng lực hạn chế, yếu kém, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và quan trọng hơn là biết sử dụng người có tài có đức, trung thực, đổi mới sáng tạo, nhiệt tình. Mặt khác, tránh tình trạng cục bộ địa phương, cục bộ ngành, tránh xu hướng cơ cấu những đối tượng theo lối “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” như từng có tiền lệ trong bộ máy công quyền. Nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư rất lớn cho kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, nâng cấp trụ sở, trình độ học vấn cán bộ cũng nâng cao (nước ta vào loại đứng đầu về tỉ lệ tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư trên thế giới) song trong quản lí Nhà nước hiệu quả hoạt động chưa tương xứng. Đáng chú ý là cấp phó trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, từ tổ chức, cơ quan đến đơn vị sự nghiệp công lập và tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang nhân dân còn nhiều, vừa cồng kềnh vừa có tình trạng đùn đẩy, ỷ lại, cần phải giảm theo lộ trình nhằm giảm chi ngân sách, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, đề cao trách nhiệm trong quản lí, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả,…

 

Kim Quốc Hoa

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 12/2024)

09:51:55 11-12-2024

VHDN: Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp quy luật tất yếu khách quan, đúng thời điểm, thời cơ, vừa cần thiết, vừa cấp bách, mang tính “đột phá của đột phá”, đã chín muồi không thể chậm […]

Đối tác của chúng tôi