Thành lập tháng 10 năm 1969, tên gọi ban đầu là Đoàn Nghệ thuật Kim Đồng, năm 1975,đổi tên là Đoàn Múa rối Hà Nội. Năm 1993, Đoàn có trụ sở riêng tại 57B Đinh Tiên Hoàng (Rạp Kim Đồng) mang tên Nhà hát Múa rối Thăng Long – Hà Nội.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng đến nay có thể nói, Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn là một trong những đơn vị hàng đầu có nhiều đóng góp cho sự bảo tồn và phát triển nghệ thuật rối Việt Nam. Thương hiệu múa rối Thăng Long đã thực sự ghi dấu ấn với khán giả trong nước và khách quốc tế.
Nhà hát đã lưu diễn trên 40 nước, tham gia nhiều Festival tầm cỡ quốc tế tại Nga, Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Tiệp Khắc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Philipin, Ấn Độ, Malaysia, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Brazin, Úc,… Chương trình nghệ thuật của Nhà hát đã ghi dấu ấn tốt đẹp trong công chúng khắp các châu lục.
Có nhiều NSND, NSƯT trưởng thành từ hoạt động nghệ thuật của đoàn. Trải qua quá trình hình thành đã có nhiều lớp nghệ sĩ được bổ nhiệm và quy hoạch lãnh đạo nhưng hầu hết lãnh đạo đoàn đều có phẩm chất, đạo đức tốt, đặc biệt là bằng cấp chuyên môn được anh em đồng nghiệp tâm phục, khẩu phục. Nhưng gần đây, Nhà hát đang có những giải pháp tái cơ cấu lại ban lãnh đạo để đáp ứng nhiệm vụ của thực tiễn và trước nhu cầu của khán giả. Dù không có bằng tốt nghiệp THPT nhưng Nhà thiết kế Đức Hùng vẫn được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội quy hoạch vào chức danh Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long. Điều này khiến nhiều nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ, nhân viên trong Nhà hát không đồng tình.
Cụ thể NSƯT Bùi Sỹ Hùng (Sinh năm 1968), hiện là Trưởng đoàn Diễn viên 1 của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Ông Sỹ Hùng được công chúng biết đến là một nhà thiết kế nổi tiếng với nghệ danh Đức Hùng. Năm 2014, ông Hùng được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn Diễn viên 1 của Nhà hát Múa rối Thăng Long, đến tháng 2/2020 ông Hùng được tái bổ nhiệm.
Điều khiến các nghệ sĩ, người lao động trong Nhà hát tỏ ra bức xúc, đó là năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Nhà hát nhiệm kỳ 2016-2020, lúc này nhà hát có 5 người nằm trong quy hoạch, trong đó có ông Bùi Sỹ Hùng. Ông Hùng được xác định là không có bằng tốt nghiệp THPT, mà chỉ có bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội). Dư luận Nhà hát cho rằng, việc ông Hùng sử dụng bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội, để thay thế bằng cấp 3 trong các chương trình đào tạo tiếp theo là hoàn toàn không đúng quy định.
Sau khi ông Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục & Đào tạo – người ký Công văn số 3645 ngày 26/7/2016 được tiếp cận Công văn số 327 do ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục & Đào tạo ký ngày 2/3/2020, thì ông Hoàng Ngọc Vinh đã nói: “Ông Mai Văn Trinh dựa trên cơ sở nào để xác nhận bằng Trung cấp nghề của ông Bùi Sỹ Hùng tương đương với bằng THPT khi ông Hùng không học văn hóa theo chương trình THPT của Bộ Giáo dục & Đào tạo?”.
Tại Công văn 3645 (ngày 26/7/2016) của Bộ Giáo dục & Đào tạo gửi cho các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục khác đào tạo trung cấp chuyên nghiệp đã ghi rõ: “Trường hợp người học đã có bằng tốt nghiệp TCCN nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT, nếu đã học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT, hoặc chương trình đào tạọ TCCN dành cho đối tượng có bằng tốt nghiệp THCS theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo, thì bằng tốt nghiệp TCCN của người học nói trên, được sử dụng thay cho bằng tốt nghiệp THPT…” Thực tế bằng tốt nghiệp TCCN của ông Hùng lúc ấy, do Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa Hà Nội cấp bằng, do Hiệu trưởng nhà trường ký theo Quyết định số 2431. QĐ/ VX ngày mồng 9/6/1987) của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Từ việc cấp Bộ và cấp Sở của thành phố không ngang bằng nhau về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, nên việc xác nhận bằng cấp của ông Hùng dư luận đã không đồng thuận.
Để thống nhất quan điểm trên, Sở Văn hóa & Thể thao thành phố Hà Nội đã có công văn đề nghị Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục & Đào tạo làm rõ. Theo đó, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng có Văn bản số 327 (ngày 02/3/2020) xác nhận: “…Bằng tốt nghiệp THCN cấp đúng quy định và có giá trị pháp lý. Bằng THCN ông Hùng được sử dụng thay thế bằng tốt nghiệp THPT để học lên cao hơn”.
Thế nhưng, theo những người hiện đang công tác cùng ông Hùng, cũng là những người học cùng lớp, cùng khóa, cùng thời kỳ với ông Hùng tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội từ năm 1983-1986, thì thời gian này nhà trường chỉ đào tạo dạy nghề chứ không giảng dạy các môn học văn hóa của bậc THPT. Hơn nữa, Trường Văn hóa Nghệ thuật thời điểm đó trực thuộc Sở Văn hóa thành phố Hà Nội, do vậy, không thể vận dụng Công văn 327 ngày 02/3/2020 của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng để coi bằng tốt nghiệp Trung cấp của ông Hùng được phép thay thế bằng tốt nghiệp THPT. Như vậy, việc ông Hùng chỉ có bằng nghề mà không có bằng văn hóa sẽ không đảm bảo điều kiện để tiếp tục theo học các chương trình cao hơn, và do đó không đủ tiêu chuẩn làm quản lý một Nhà hát lớn như Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ bằng cấp của ông Bùi Sỹ Hùng (nghệ danh Đức Hùng) để các nghệ sĩ trong đoàn có người quản lý đủ tâm và tầm lãnh đạo đoàn, dẫn dắt các nghệ sĩ để họ thực sự yên tâm làm việc.
Ban Bạn Đọc
VHDN:Gần đây, Ban Biên tập Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam nhận được thư bạn đọc kiến nghị về việc ông Bùi Sỹ Hùng (nghệ danh Đức Hùng) không có bằng tốt nghiệp THPT vẫn được Sở Văn hóa & Thể thao TP Hà Nội quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Nhà […]