Sự kiện - chuyên đề:

‘Thủ phủ’ nuôi trồng thủy sản khẩn trương di dời lồng bè

Để ứng phó bão số 9, các tỉnh Nam Trung bộ, ‘thủ phủ’ nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè đã khẩn trương chằng chống, di dời lồng bè đến nơi tránh trú an toàn.

Tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 9 (tên quốc tế là Molave) vào ngày 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương phải khẩn trương di dời lồng bè đến nơi an toàn và đưa ngư dân trên lồng bè lên bờ; kiên quyết không cho người dân quay lại lồng bè khi bão đổ bộ.

Lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động ngư dân gia cố lồng bè, di dời vào bờ để tránh trú bão số 9. Ảnh: KS.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, từ ngày hôm qua 26/10 đến sáng 27/10, các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đã quyết liệt tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân gia cố, di dời lồng bè đến nơi tránh trú an toàn.

Ghi nhận của chúng tôi, tại Khánh Hòa hiện có khoảng 2.560 bè/53.544 lồng nuôi tôm hùm và nuôi các loại cá, với 8.000 lao động. Trong đó, huyện Vạn Ninh có khoảng gần 40.000 lồng với hơn 2.000 lao động.

Vào sáng 27/10, Trạm Thủy sản Vạn Ninh phối hợp các lực lượng Biên phòng, Công an cùng các địa phương dùng các phương tiện tàu kiểm ngư, ca nô đến từng bè tuyên truyền, vận động cũng như giúp đỡ bà con gia cố, chằng chéo ô lồng và nhắc nhở bà con vào bờ trước 15 giờ cùng ngày trước khi bão đổ bộ.

Lực lượng Trạm thủy sản phối hợp lực lượng biên phòng, các địa phương đến từng bè vận động di dời trước khi bão đổ bộ. Ảnh: KS.

Lực lượng Trạm thủy sản phối hợp lực lượng biên phòng, các địa phương đến từng bè vận động di dời trước khi bão đổ bộ. Ảnh: KS.

Theo lãnh đạo Trạm Thủy sản huyện Vạn Ninh, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12 đổ bộ vào năm 2017 gây thiệt hại nặng về người và lồng bè nên ý thức của bà con đều chấp hành tốt. Cụ thể, đối với các bè di chuyển được thì trước đó bà con đã di dời đến các vùng an toàn, kín gió tại khu vực Bãi Tranh, Đầm Môn, Hòn Ông… còn các bè không di chuyển được thì bà con đã tăng cường gia cố, chằng chéo cẩn thận.

Ngư dân Trần Văn Neo, một hộ nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Vạn Giã cho biết, gia đình anh có tất cả 50 lồng, nuôi khoảng 5.000 con tôm hùm bông, trọng lượng dưới 0,5 kg/con. Để ứng phó bão số 9, gia đình anh đã di dời bè vào bãi Tranh và buộc các lồng, gia cố thêm các neo chắc chắn.

“Bây giờ nhắc đến bão là bà con ngư dân chúng tôi rất sợ và không dám ở lại bè đâu. Cơ quan chức năng không vận động, tôi và 2 lao động nữa nhất quyết sẽ di dời vào bờ tránh trú an toàn trước khi bão vào”, ông Neo khẳng định.

Việc vận động di dời dân trên các bè nuôi trồng thủy sản vào bờ được các địa phương triển khai quyết liệt. Ảnh: KS.

Việc vận động di dời dân trên các bè nuôi trồng thủy sản vào bờ được các địa phương triển khai quyết liệt. Ảnh: KS.

Tương tự, bè nuôi cá bớp khoảng 20 lồng hiện còn 2.000 con của gia đình ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Vạn Thắng cũng đã được gia đình di dời từ khu vực Hòn Dung đến bãi Tranh tránh trú.

“Thông thường, bè khoảng 20 ô chỉ neo được khoảng 15 neo. Nhưng gia đình đã tăng cường thêm 5 neo nữa, tức mỗi ô mỗi neo. Đồng thời gia đình cũng đã mua thay mới các ốc vít các bè bị lỏng, rỉ sét”, ông Hải chia sẻ và cho biết thêm, năm 2017, gia đình ông nuôi tôm, cá rất nhiều. Cũng vì tiếc của nên ông cố ở lại giữ bè và suýt bị mất mạng. Vì vậy, sau cơn bão đó, đến mùa mưa bão ông luôn ý thức về hậu quả. Do đó, trước khi bão đổ bộ, ông cùng lao động giữ bè của gia đình sẽ vào bờ để bảo đảm tính mạng.

Ông Phạm Ngọc Luyện, Phó phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, cho biết, nhằm tránh tình trạng người dân quay lại lồng bè, huyện đã chỉ đạo các địa phương bố trị lực lượng như công an xã, dân quân bố trí chốt chặn tại khu vực đưa dân từ bè vào bờ; kiên quyết không để người dân quay lại bè.

Theo ghi nhận chúng tôi tại khu vực nuôi ở thị trấn Vạn Giã, các ngư dân đều chấp hành di dời vào bờ để tránh trú. Ảnh: KS.

Theo ghi nhận chúng tôi tại khu vực nuôi ở thị trấn Vạn Giã, các ngư dân đều chấp hành di dời vào bờ để tránh trú. Ảnh: KS.

Còn ông Lê Hồng Phương, Phó Chủ tịch huyện Vạn Ninh cho biết, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 6 năm ngoái, sau khi vận động ngư dân vào bờ tránh trú hoàn tất. Sau đó, một số lồng bè tiếc của đã yêu cầu lao động quay lại lồng bè, làm ảnh công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai. Vì vậy, từ bão số 9 chúng tôi yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt và nếu cần thiết thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với các ngư dân không chấp hành di dời.

“Nếu các chủ bè không chấp hành, để xảy ra thiệt hại về người sẽ đề nghị cơ quan chức năng khởi tố nhằm đảm bảo không xảy ra ra thiệt hại trên lồng bè”, ông Phương nhấn mạnh.

Còn tại vùng nuôi trồng thủy ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) hiện có khoảng 1.800 bè/60.000 lồng, với khoảng 4.000 lao động.

Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu cho biết, để ứng phó bão số 9, các lực lượng chức năng cùng các địa phương liên tục tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân gia cố lồng bè và di dời dân vào bờ trước 18 giờ ngày 27/10. Nếu có tình trạng ngư dân không chấp hành, cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế, di dời, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Để ứng phó với bão số 9, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành lệnh cấm biển. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương ven biển huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa, Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa thông báo cấm các tàu thuyền ra khơi và các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển, thời gian bắt đầu cấm biển từ 9 giờ ngày 27/10/2020.

Cũng trong sáng 27/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên đã hỏa tốc yêu cầu các trường trên địa bàn cho học sinh nghỉ học để phòng tránh bão số 9. Theo đó, học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên tạm nghỉ học trong ngày 28/10.

Theo  NN

Chia sẻ
15:38:42 27-10-2020

Để ứng phó bão số 9, các tỉnh Nam Trung bộ, ‘thủ phủ’ nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè đã khẩn trương chằng chống, di dời lồng bè đến nơi tránh trú an toàn. Tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 9 (tên quốc tế là Molave) vào ngày 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi