Sự kiện - chuyên đề:

Thúc đẩy chuyển giao, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam

Do ảnh hưởng của dịch COVID-2019 diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới và cả Việt Nam nên việc thực hiện Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam” trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 đang chậm.

Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hoạt động hợp tác chuyển giao, ứng dụng, phát triển công nghệ. Đồng thời, tăng cường hiệu quả và định hướng nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển.

Chú thích ảnh
 Dây chuyền công nghệ chế biến gạo khép kín, tự động hóa của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long). Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Định hướng nhập khẩu công nghệ

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trải qua giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới, đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Trong sự trong sự phát triển chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của dòng vốn đầu tư nước ngoài, quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được bắt đầu từ năm 1988, tính đến 8/2020, đã có 32.539 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 137 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào GDP và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phát triển.

Để tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, việc thay đổi mô hình phát triển để nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế đặt ra ngày một mạnh mẽ hơn với các nền tảng đột phá về thể chế, kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn lực con người. Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài được điều chỉnh phù hợp theo hướng có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá. Điều này đã được khẳng định tại Nghị Quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ định hướng nhập khẩu công nghệ, chủ động thúc đẩy nghiên cứu, đón bắt thời cơ dịch chuyển đầu tư, dịch chuyển công nghệ từ các nước sang Việt Nam do tác động của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia và ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra. Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo hướng đơn giản hóa yêu cầu, thủ tục nhằm phục vụ cho hoạt động thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Với vai trò quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể, góp phần phát huy hiệu quả của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thông qua tăng cường quản lý, định hướng, khuyến khích nhập khẩu và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, tiêu biểu là Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và Quyết định số 1851/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Khai thác nguồn tri thức công nghệ từ nước ngoài 

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Nhờ đó, khoa học và công nghệ đang từng bước đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp luôn tăng trưởng, cung ứng nhiều sản phẩm phục vụ cho các ngành sản xuất…

Đặc biệt, đầu tư vào sản xuất công nghiệp công nghệ tiên tiến tăng ở khu vực kinh tế có vốn nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân. Chất lượng và số lượng lao động khoa học và công nghệ qua đào tạo cũng được nâng lên. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn hạn chế, tồn tại như: tăng trưởng sản xuất, dịch vụ dựa vào khoa học và công nghệ vẫn còn thiếu tính bền vững. Tốc độ đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp còn thấp. Hầu hết các doanh nghiệp chưa chú trọng đến hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ…

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam, thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm, nguồn cung công nghệ của thị trường còn hạn chế. Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc nghiên cứu, tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và đổi mới công nghệ. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển công nghệ, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Tại diễn đàn “Kết nối đổi mới sáng tạo 2020”, các đại biểu kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét “mở kho” khoa học và công nghệ – nơi lưu giữ nhiều công trình nghiên cứu để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác sử dụng; thúc đẩy thực hiện chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo tinh thần Nghị quyết số  68/NQ-CP ngày 12/5/2020; triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chính sách khoa học và công nghệ cần xác lập mục tiêu gia tăng nhanh năng lực công nghệ, tăng hàm lượng công nghệ của sản phẩm, dịch vụ, từng bước phát triển, hình thành thị trường khoa học và công nghệ với các chủ thể cung ứng đa dạng và cạnh tranh…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Việt Nam cần phải cơ cấu lại các nguồn lực để đầu tư khoa học và công nghệ phát triển, đặc biệt là việc chọn lựa một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên có tính chất là công nghệ nền tảng, mặt khác cần dồn lực cho việc tìm kiếm, khai thác các nguồn lực tri thức công nghệ của nước ngoài gồm có cả công nghệ, chuyên gia để thay đổi nhanh trình độ sản xuất công nghệ và nâng cao chất lượng tăng trưởng của các chuỗi ngành hàng gắn với xuất khẩu. Ngoài ra, cần phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đội ngũ các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học sinh, sinh viên…

Thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch COVID-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế nhằm duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian có dịch và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh.

Theo báo tintuc

Chia sẻ
10:28:27 29-12-2020

Do ảnh hưởng của dịch COVID-2019 diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới và cả Việt Nam nên việc thực hiện Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam” trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi