Sự kiện - chuyên đề:

Thực hiện Nghị quyết của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Doanh nghiệp và phòng,chống tham nhũng tiêu cực trong các doanh nghiệp

VHDN: Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan điểm của Đảng là xử lí theo nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó lài ai”. Khu vực khối doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân) bộc lộ nhiều khuyết tật, nghiêm trọng không kém các cơ quan hành chính, quản lí Nhà nước về kinh tế – xã hội. Chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực này phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa…

Ảnh minh họa

DN Nhà nước và chống tham nhũng, tiêu cực trong DN Nhà nước

Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đóng vai trò then chốt cuả nền kinh tế, nắm quyền và chiếm lĩnh các ngành quan trọng: điện, viễn thông, than, xăng dầu, khai khoáng, tài chính, ngân hàng, các dịch vụ thiết yếu bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước và xuất khẩu, phục vụ quốc phòng, an ninh.

Sau mấy lần thực hiện chính sách cổ phần hoá, đến năm 2020 cả nước có hơn 650 DNNN đang hoạt động, trong đó 478 doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước thuộc các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nông lâm nghiệp, số còn lại Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Trong tổng số 638.600 doanh nghiệp trong toàn quốc, số DNNN chỉ chiếm 0,36 % về số lượng, chiếm 7,6% về lao động, 28,6% tổng nguồn vốn. Có 94 doanh nghiệp có quy mô lớn (9 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty Nhà nước, 18 tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con). Có 20% doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm. Trong số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nắm 7% tổng tài sản xã hội, 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường; 25,78% tổng vốn sản xuất kinh doanh, 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính. Quy mô tài sản bình quân của một DNNN là 6l.095 tỉ đồng, cao gấp 18 lần các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), gấp 139 lần doanh nghiệp dân doanh. Hàng năm, khối DNNN đóng góp 29 % – 30% GDP.

DNNN là lực lượng nòng cốt của kinh tế Quốc gia, lực lượng vật chất quan trọng, công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy làm giàu đất nước và tiến bộ xã hội, có vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, thực sự là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế quốc dân trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, hàng chục năm qua, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong các DNNN diễn ra ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, có tổ chức gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Hành vi tham nhũng, tiêu cực thường thông qua việc nâng giá trị hợp đồng, nâng giá trị thực của sản phẩm để hưởng chênh lệch bất hợp pháp trong việc mua sắm tài sản công, mua hoá đơn khống để chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Lợi dụng chủ trương cổ phần hoá, khai thác tối đa các kẽ hở trong quá trình đấu giá, thoái vốn để tham nhũng. Điển hình là các vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, Cảng Quy Nhơn, 12 dự án lớn thua lỗ của Bộ Công Thương,v.v… Nhiều doanh nghiệp chuyển nhượng tài sản công, đất đai gây thiệt hại lớn như Tổng công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) chuyển 6.080 m2 đất số2-4-6 Hai Bà Trưng TP Hồ Chí Minh với hình thức cho thuê trả tiền 01 lần rồi bán tháo cổ phần; dự án mở rộng nhà máy Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc,v.v…Tại “đại bản doanh” Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) lợi dụng cổ phần hoá, chuyển nhượng 5.500 m2 đất số 4 Thuỵ Khuê và nhà đất tại số 6 Thái Văn Lung, Quận 1 TP Hồ Chí Minh, trao quyền sử dụng đất trái thẩm quyền, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Việc sử dụng ngân sách chi tiêu sai quy định, thậm chí vượt quyền để quyết định những dự án không thuộc thẩm quyền. Nhiều DNNN lập các công ty con, dựa vào vị trí, quan hệ của mình trong các doanh nghiệp, cơ quan công quyền để trục lợi. Dùng công quỹ “lót đường”, hối lộ cho những mối quan hệ khác nhau có lợi cho cá nhân, doanh nghiệp, hoặc đầu tư ngoài ngành gây thất thoát tài sản, tiền vốn Nhà nước để tham nhũng, trục lợi.

Nếu rà soát lại trong hơn 30 năm đổi mới, trong khối DNNN đã xảy ra hàng nghìn vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với cả chục nghìn cán bộ, đảng viên, doanh nhân do “nhúng chàm” đến mức phải xem xét xử lí hình sự, hoặc kỉ luật hành chính.

DN tư nhân và chống tham nhũng, tiêu cực trong khối DN này

Theo Nghị quyết số 10-NQ/ TW của Hội nghị Trung ương V khoá XII, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) thuộc thành phần kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hiện nay, khu vực này có khoảng 760.700 doanh nghiệp đang hoạt động, trong số đó 93,7 % là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, thu hút 85% lao động cả nước, tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm, cao gấp 2 lần khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); chiếm 33% sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hoá. Năm 2021 đóng góp 42% GDP, 32 % thu ngân sách,v.v…

Trong tương lai đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 2 triệu doanh nghiệp, hàng năm đóng góp 60 – 65% GDP.

Sự phát triển nhanh chóng, thành tựụ nổi bật của DNTN đúng là động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Tuy nhiên, cũng như khối DNNN, DNTN trong hoạt động cũng bộc lộ nhiều khuyết tật “bẩm sinh” mà rõ nét nhất là tầng lớp doanh nhân trong khu vực này lợi dụng thể chế chưa đồng bộ, còn những kẽ hở, khoảng trống, chồng chéo của pháp luật, cơ chế, chính sách để trục lợi, tham nhũng. Biểu hiện cụ thể là dùng các thủ đoạn dành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh, chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi móc nối giữa doanh nghiệp với cán bộ, công chức Nhà nước trong bộ máy hành chính các cấp, đưa, nhận hối lộ. Đáng chú ý là hệ thống DNTN có nhiều “sân sau” của những người có chức, có quyền, là vấn đề đang “nóng”, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của môi trường đầu tư,kinh doanh, gây bức xúc dư luận xã hội. Trên thực tế, tại nhiều địa phương, doanh nhân là vợ, con, cháu của những cán bộ cao cấp nắm giữ khối tài lớn, làm chủ những dự án trăm tỉ, nghìn tỉ đồng không phải là hiếm.

Đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản đã và đang trở thành những “cơ hội vàng” cho không biết bao DNTN “cất cánh” lên thành tỉ phú khá dễ dàng, trong khoảng thời gian ngắn. Từ cơ chế “giao đất” (chứ không phải đấu thầu) doanh nghiệp bồi thường cho người dân 01 m2 đất nông nghiệp với giá trên dưới 01 triệu đồng (trước đây chỉ bằng một bát phở), sau khi làm hạ tầng, xây nhà chung cư chỉ là 30 tầng thôi, 01 m2 sàn bán với giá 25 – 35 triệu đồng, thì trên 01 m2 đất thương phẩm doanh nghiệp có nguồn thu 750 triệu đến trên dưới 01 tỉ đồng (tất nhiên phải giá thành bao gồm chi phí đầu tư, xây dựng). Đây là nguồn lợi nhuận “khủng” cao ngất ngưởng được hình thành từ cơ chế, chính sách bất cập về đất đai lâu nay.

Tham nhũng, tiêu cực về bản chất DNTN và DNNN là một. Song, hành vi, cách tiếp cận để trục lợi có những mặt khác nhau. Luật pháp về DNTN còn lỏng lẻo, chưa hoàn thiện là “mảnh đất” màu mỡ cho DNTN trục lợi. Người ta không bị trói bó, ràng buộc bởi thể chế nghiêm ngặt, chịu sự kiểm tra, giám sát, thanh tra kiểm toán như DNNN nên sẵn sàng “rửa tiền”, dùng thật nhiều tiền để “lót ổ”, “lót đường” cho những mối làm ăn, lôi kéo cán bộ có chức, có quyền trong bộ máy Nhà nước “vào cuộc” để nhận được những quyết định (dẫn ra đủ loại “căn cứ”) giao đất, bán, chuyển giao tài sản, góp vốn vào “sân sau”,v.v…thế rồi doanh nghiệp giàu nhanh, quan chức giàu to. Điển hình như vụ Mobifone (DNNN) mua 95% cổ phần AVG (DNTN) là thế!..

Sau khi có chủ trương của Đảng về việc chống tham nhũng, tiêu cực cả khu vực kinh tế ngoài Nhà nước thì bộc lộ “chân tướng” không ít DNTN lợi dụng cơ chế, chính sách hoặc cố tình vi phạm gây thiệt hại lớn cho Nhân dân. Có thể kể đến những sai phạm nghiêm trọng của Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn AIC, nhất là gần đây Công ty Việt Á,v.v…Đó là các vụ tham nhũng, tiêu cực điển hình trong khối DNTN. Họ bất chấp kỉ cương, pháp luật “lũng đoạn thị trường”, “lũng đoạn Nhà nước” gây hậu quả rất nghiêm trọng về kinh tế – xã hội, gây bức xúc dư luận. Qua đây, còn là bài học đắt giá của thể chế, của công tác quản lí Nhà nước về kinh tế và công tác cán bộ.

Vĩ thanh

Đất nước ta nếu như không có tham nhũng, hoặc tệ nạn tham nhũng ít thì chắc chắn tăng trưởng kinh tế (GDP) có thể vượt lên một vài phần trăm (%) nữa so với hiện thực. Nếu như không có tham nhũng hoặc tệ nạn tham nhũng ít thì những năm qua xã hội có thể không còn hộ nghèo; cũng có thể người dân khám chữa bệnh không mất tiền; cũng có thể hàng chục triệu học sinh, sinh viên đi học được miễn phí, được cấp không sách giáo khoa; cũng có thể vị trí, vị thế nước ta không kém hơn các nước trong khu vực và có thể không kém nhiều nước đã và đang phát triển trên thế giới…

Tuy nhiên, đó chỉ là phỏng đoán và ước mơ, còn thực tế thì phải không ngừng nghỉ trong cuộc chiến phòng chống, tham nhũng, tiêu cực…

Kim Quốc Hoa

 

 

 

Chia sẻ
09:07:56 10-08-2022

VHDN: Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan điểm của Đảng là xử lí theo nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó lài ai”. Khu vực khối doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân) bộc lộ nhiều khuyết tật, nghiêm […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi