Sự kiện - chuyên đề:

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

VHDN: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta: “Thương binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân, cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Ghi nhớ lời dạy của Người, Nghệ An luôn quan tâm chăm lo, thực hiện tốt chính sách ưu đãi Người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An có hơn 45 ngàn liệt sĩ, hơn 56 ngàn thương, bệnh binh, hơn 20 ngàn người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bị nhiễm chất độc hóa học, 2.825 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 928 cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày và hơn 500 ngàn gia đình, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến. Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, các chỉ thị và thông tư liên tịch của các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Quan điểm chỉ đạo của Nghệ An: phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với công tác người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ngoài cơ chế, chính sách của Trung ương, với quyết tâm phấn đấu 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 32/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2025; Nghị quyết số 30/2021/NQ- HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó, lần đầu tiên Nghệ An có chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật bẩm sinh có cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã hoặc đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học (thế hệ thứ 3) trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 02 năm thực hiện, Nghệ An đã hỗ trợ cho 3.075 người, số tiền gần 19 tỷ đồng, các chính sách bước đầu đã phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống và nhận sự đồng thuận cao của Nhân dân.

Ông Đoàn Hồng Vũ, TUV, Giám đốc Sở Lao động- TB và XH Nghệ An trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho người có công tiêu biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2022).

Thực hiện tốt việc quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên và một lần cho hơn 67 nghìn người, với số tiền 130 tỷ đồng/ tháng. Giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 6 năm 2023, Nghệ An đã xác nhận mới và giải quyết chế độ, chính sách ưu đãi cho hơn 9.500 trường hợp; đặc biệt là giải quyết kịp thời chế độ thương binh đồng thời là bệnh binh, mất sức lao động cho 1.516 trường hợp theo Nghị định 131/2021/NĐ- CP của Chính phủ; đã thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho hơn 300 ngàn lượt người, kinh phí thực hiện hơn 400 tỷ đồng.

Thời gian qua, Nghệ An đã tích cực giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan đến chính sách ưu đãi Người có công với cách mạng, đã cấp 32 Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ; cấp đổi, cấp lại gần 3.500 Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ; giải quyết hồ sơ TNXP tồn đọng: có 01 liệt sĩ được công nhận, 03 trường hợp được xác nhận người hưởng chính sách như thương binh. Nhiều vụ, việc khiếu nại kéo dài, tồn đọng trên địa bàn tỉnh được giải quyết dứt điểm, đảm bảo quy định như: chế độ trợ cấp một lần cho 1.386 trường hợp và mai táng phí cho 453 người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến được tặng Huy chương Kháng chiến tại huyện Nam Đàn và một số đơn thư của thân nhân người có công với cách mạng.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; hỗ trợ người có công có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, chăm sóc các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh nặng, cha, mẹ liệt sĩ neo đơn; giúp đỡ, tạo điều kiện người có công và gia đình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo… được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng, ủng hộ, tạo sự lan tỏa, trở thành nét đẹp văn hóa xứ Nghệ. Giai đoạn 2018- 2022, toàn tỉnh đã vận động được 94.948 triệu đồng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, đã tặng 3.507 sổ tiết kiệm cho người có công; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.573 ngôi nhà. 100% đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đều được tặng quà dịp 27/7, Tết nguyên đán hàng năm. Cả 3 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự cơ bản đáp ứng yêu cầu điều dưỡng mỗi năm 7.000 đến 7.500 người có công và thân nhân người có công; chăm sóc, nuôi dưỡng 160 thương binh nặng.

Công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; việc quản lý, chăm sóc, chỉnh trang công trình ghi công liệt sĩ luôn được quan tâm thực hiện. Đã hoàn thành việc số hóa hồ sơ, tài liệu người có công với cách mạng. Hệ thống dữ liệu Người có công toàn tỉnh đang từng bước được hoàn thiện. Việc thực hiện chi trả chính sách ưu đãi người có công với cách mạng qua dịch vụ Bưu điện đạt hiệu quả cao.

Thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các chế độ chính sách cho người có công với cách mạng và công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Tập trung chỉ đạo, giải quyết những trường hợp còn vướng mắc về hồ sơ, thủ tục để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của những người tham gia kháng chiến, đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước.

Thứ hai, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Quan tâm công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nâng cao nhận thức, đồng thuận trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng để Nhân dân biết, thực hiện và giám sát. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, phấn đấu không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

Thứ ba, ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công và thân nhân người có công, như phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, thiết thực giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh bằng các hoạt động cụ thể. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước.

Thứ tư, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Chú trọng công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trong quản lý và giải quyết các chế độ chính sách người có công. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc sai phạm chế độ chính sách người có công (nếu có). Cập nhật kịp thời những vướng mắc, bất cập của chính sách, pháp luật và thực tiễn thực hiện để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công.

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2023

(Đoàn Hồng Vũ – TUV, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Nghệ An)

09:03:26 09-07-2023

VHDN: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta: “Thương binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân, cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Ghi nhớ lời […]

Đối tác của chúng tôi