Sự kiện - chuyên đề:

Thực phẩm chức năng giả, lãi thật

Dùng những loại này không những không khỏi bệnh mà người tiêu dùng còn đối mặt với nguy cơ là nạn làm giả các loại thực phẩm chức năng, hàng không rõ nguồn gốc.

Bị bệnh nhưng nhiều khi thuốc điều trị lại không thần kỳ bằng thực phẩm chức năng trong khí thực chất đó chỉ là thực phẩm hỗ trợ điều trị. Chiêu trò thổi phồng quảng cáo và cam kết điều trị khỏi bệnh là những cách mà các doanh nghiệp đánh vào tâm lý của người bệnh.

Thần dược thực phẩm chức năng với đủ các loại từ bổ thần kinh, hỗ trợ giảm béo, hỗ trợ đau xương khớp, giúp đẹp da ngăn lão hóa, giúp trẻ tăng chiều cao…và thậm chí là hỗ trợ điều trị ung thư.

Dùng những loại này không những không khỏi bệnh mà người tiêu dùng còn đối mặt với nguy cơ là nạn làm giả các loại thực phẩm chức năng, hàng xách tay không rõ nguồn gốc.

Thực phẩm chức năng giả bị thu giữ trong thời gian qua. Ảnh Xuân Lực.

Điểm qua một số vụ việc xảy ra gần đây: Đêm 11/12/2019, trên tuyến đường Nội Bài, Thành phố Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 4 – Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp phòng An ninh kinh tế (PA04) Công an Thành phố Hà Nội phát hiện 03 xe ô tô mang biển kiểm soát 30A – 550.88; 29A – 010.43; 30A – 144.49 có dấu hiệu khả nghi.

Qua kiểm tra đã phát hiện trên ba ô tô này đang vận chuyển 1.517 sản phẩm hàng hóa, gồm: Thực phẩm chức năng có 364 sản phẩm các loại; Thực phẩm dinh dưỡng với 260 sản phẩm các loại; Mỹ phẩm là 820 sản phẩm các loại và bánh kẹo có 73 sản phẩm các loại.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng hóa Theo ước tính, tổng giá trị lô hàng khoảng hơn 200 triệu đồng.

Ngày 30/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt 11 người trong đường dây sản xuất thực phẩm chức năng và tân dược giả.

Công an xác định cầm đầu đường dây này là Nguyễn Đình Lạc Thư (Phó giám đốc Công ty TNHH TNM Asia Pharmacy, có địa chỉ tại phường Tân Quy, quận 7) và Lê Văn Khôi (Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Đông Dược Việt, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh).

Theo cơ quan điều tra, ngày 25/7, lực lượng chức năng phát hiện tài xế Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1972, ngụ huyện Bình Chánh) điều khiển xe tải mang biển kiểm soát 51B-323.58 có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe. Qua kiểm tra, công an tìm thấy 20 thùng giấy có 4.000 hộp thực phẩm chức năng Bảo Xuân Gold giả.

Tài xế Tuấn không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc và khai chở giao cho Nguyễn Đình Thái Dương ở căn nhà trong hẻm 64 Hoà Bình, phường 5, quận 11. Khám xét ngôi nhà này, lực lượng chức năng bắt quả tang Trần Thị Châu Thanh (sinh năm 1982) và Thạch Đết (sinh năm 1992) đang sản xuất thực phẩm chức năng giả.

Thời điểm này, tổ công tác khác khám xét khu xưởng sản xuất của Công ty Đông Dược Việt và bắt quả tang Lê Văn Khôi, Nguyễn Thành Xuân cùng 4 công nhân đang sản xuất thực phẩm chức năng giả các nhãn hiệu: Bảo Xuân Gold, Omega 3-6-9, Cardi Plus, Double Lovely 35+.

Khám xét 6 địa điểm liên quan, lực lượng chức năng thu giữ nhiều phương tiện, dụng cụ, tài liệu liên quan đến việc sản xuất tân dược, thực phẩm chức năng giả. Khai với công an, Nguyễn Đình Lạc Thư thừa nhận sử dụng địa điểm hộ kinh doanh cá thể của mình tại đường Hòa Bình làm nơi sản xuất thuốc giả hiệu Bar.

Không những thực phẩm chức năng bị làm giả ở trong nước mà tháng 12/2019, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc phát hiện hai công ty sản xuất thực phẩm chức năng làm giả tinh chất hồng sâm rồi xuất khẩu lậu sang Việt Nam.

Tờ Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin, kết quả điều tra của cơ quan chức năng Hàn Quốc cho thấy, vào tháng 12/2019, công ty thứ nhất (gọi tắt là công ty A) có trụ sở tại thành phố Cheonan, tỉnh Chungnam đã sản xuất 2.000 chai tinh chất hồng sâm giả và dán tem nhãn mô tả sản phẩm là “viên hồng sâm 6 năm tuổi 365 cô đặc” để làm giả sản phẩm Korea Red Ginseng Tablet 365 Gold.

Tem nhãn giả thực phẩm chức năng được công ty thứ hai gọi tắt là B., có trụ sở ở thành phố Wonju, tỉnh Gangwon, cung cấp. Công ty B chịu trách nhiệm xuất khẩu lậu 2.000 chai thực phẩm chức năng giả trên do công ty A sản xuất sang Việt Nam.

Tới tháng 2/2020, công ty A tiếp tục sản xuất 14.000 chai thực phẩm chức năng giả tương tự và cung cấp cho công ty B mà không dán nhãn sản phẩm.

Công ty B vẫn chịu trách nhiệm in ấn và dán tem nhãn giả với thiết kế mới, trong đó thêm vào nội dung sản phẩm đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn “Thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe”, kèm theo đó là hạn sử dụng từ 2 đến 3 năm.

Sau đó, công ty B đã xuất khẩu lậu 1.400 sản phẩm giả sang Việt Nam, 12.000 sản phẩm còn lại đã bị cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ trước khi xuất khẩu.

Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm cho biết hai công ty trên đã vi phạm “Luật quảng cáo thực phẩm” và đang được cảnh sát Hàn Quốc xử lý.

Tình trạng pha trộn dược chất tân dược trái phép vào sản phẩm… tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Ảnh: Xuân Lực.

Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe?

Nhiều năm nghiên cứu về thực phẩm chức năng, ông Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, cho biết: Một thời gian dài ở nước ta để các doanh nghiệp quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng gần giống như thuốc chữa bệnh.

Chính vì khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng thực phẩm chức năng là một loại thần dược nên các doanh nghiệp đã thu về siêu lợi nhuận. Trong khi sự lỏng lẻo trong quá trình quản lý, cấp phép, khâu hậu kiểm thực phẩm chức năng đã tạo kẽ hở cho nhiều doanh nghiệp vi phạm sản xuất hàng giả.

Hiện nay đã xuất hiện một số cơ sở chuyên sản xuất thực phẩm chức năng giả ở Thổ Tang tỉnh Vĩnh phúc, rồi vùng ven địa phận Hà Tây cũ giáp Hà Nội và ngoài ra còn ở rải rác các tỉnh.

Vậy nên đã có nhiều vụ sản xuất thực phẩm chức năng giả với số lượng lên đến 20 tấn đã bị các cơ quan chức năng bắt giữ, truy tố. Vậy để muốn lập lại trật tự về việc này thì trước hết phải bắt đầu từ các văn bản pháp luật của nhà nước”.

Theo ông Đáng: “Trước đây một sản phẩm thực phẩm chức năng muốn đưa ra thị trường thì phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng hiện nay các doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ không cần cấp giấy phép mà vẫn có thể đưa sản phẩm ra thị trường.

Vụ việc Nguyễn Xuân Thu, Tổng giám đốc công ty Vinaca sản xuất thuốc thực phẩm chữa ung thư từ than tre đã được Tòa án nhân dân Thành phố Hải Phòng xét xử năm 2019 là một minh chứng, sản phẩm không được Sở Y tế Hải Phòng cấp phép, doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn và núp dưới danh nghĩa hồ sơ mỹ phẩm để sản xuất thực phẩm chức năng.

Hội đồng xét xử phiên tòa nhận thấy hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân Thu và Nguyễn Văn Tuấn là nghiêm trọng, vi phạm pháp luật, sản xuất hàng giả, làm mất niềm tin và thiệt hại không nhỏ cho những người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư”.

Theo ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế: “Đây chính là hàng giả mà nó mang những đặc trưng của thực phẩm chức năng.

Với việc người dân không biết nên đã tin và thực chất đó chỉ là than tre thôi chứ không có gì đặc biệt. Khi người bệnh bỏ tiền ra mua và sử dụng thì chắc chắn là không khỏi bệnh, và cũng không có tác dụng hỗ trợ gì.

Như vậy người bệnh dùng sản phẩm đó thì chắc chắn bệnh sẽ nặng hơn bởi thực chất họ không được điều trị bệnh theo phác đồ của nhân viên Y tế, thời gian phát bệnh nhanh hơn dẫn đến tử vong.

Vừa tốn tiền mà lại không khỏi bệnh thì theo tôi đây là một hành động vì lợi ích trước mắt và không có lương tâm”.

Theo ông Đáng: “Các cơ quan xử lý đã rất tích cực, đặc biệt là Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã rất cố gắng nhưng quyền hạn của đơn vị này có mức độ, ví dụ thanh tra chỉ xử phạt số tiền ở mức thấp thôi nên cũng không đủ sức răn đe.

Không ai có thể đảm bảo loại thực phẩm chức năng mà nhiều người đang coi là thần dược và nhiều khi có giá cả trăm triệu đồng để sử dụng lại có phải là hàng thật hay không? Hay lại được sản xuất từ những cơ sở nêu trên”.

Đã có nhiều vụ sản xuất thực phẩm chức năng giả với số lượng lên đến 20 tấn đã bị các cơ quan chức năng bắt giữ, truy tố. Ảnh: Xuân Lực.

Cảnh báo tình trạng trộn tân dược lừa người bệnh

Hiện nay, sự phát triển rất mạnh của thị trường thực phẩm chức năng kéo theo nhiều hệ lụy. Lợi dụng tâm lý của nhiều người thích sử dụng các loại thực phẩm chức năng vì dễ uống, dược liệu ít tác dụng phụ… nên một số cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giả đã lén lút trộn thêm các loại tân dược vào để tăng hiệu quả tức thời, nhưng nguy hiểm cho sức khoẻ.

Tình trạng pha trộn dược chất tân dược trái phép vào sản phẩm… tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Đã có một số trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng…

Gói “Cốt thống ký sanh hoàn” làm viên cứng màu nâu, đóng gói nhôm, hộp 50 gói. 2 loại đều có in nhãn bên ngoài với gần chục công dụng: bổ can thận, mạnh gân cốt, hỗ trợ điều trị phong tê thấp, đau nhức xương khớp…Nhìn cảm quan người tiêu dùng rất khó nhận biết đâu là thật, đâu là giả bởi được sản xuất, đóng gói, in ấn rất tỉ mỉ. Như hành vi sai phạm trên: viên “Thấp khớp cốt thống hoàn” được làm viên nang cứng, màu đỏ, ép vỉ 10 khuôn, mỗi khuôn 2 viên.

Phía sau 2 loại này ghi thành phần gồm 11 loại thuốc nam dược như: độc hoạt, ngưu tất, tục đoạn, đỗ trọng, xuyên khung, đương quy… còn được in 3 ngôn ngữ tiếng Việt và nước ngoài.

Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm trong mỗi gói “Cốt thống ký sanh hoàn” có trộn 147,076mg Paracetamol và 1,690mg Dexamethasone acetat, trong 2 viên “Thấp khớp cốt thống hoàn” có trộn 62,129mg Paracetamol.

Theo các bác sĩ, việc trộn các hoạt chất có tác dụng dược lý mạnh của tân dược vào các dạng bào chế đông dược, thực phẩm chức năng… nhằm tạo ra những hiệu quả tức thời cho người bệnh. Tuy nhiên, di chứng về sau cho sức khoẻ hết sức nặng nề.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm cho biết, do nhu cầu lớn nên không ít doanh nghiệp sản xuất vì lợi nhuận đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng cố tình sản xuất thực phẩm chức năng không đúng tiêu chuẩn được công bố.

Sản xuất không đúng chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm; ghi nhãn sản phẩm không đúng quy định, sản xuất thực phẩm chức năng khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; sản xuất ở nơi không có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bất kỳ sản phẩm nào có dấu hiệu quảng cáo lừa dối người tiêu dùng hoặc có phản ánh từ người dân về những nghi vấn chất lượng sản phẩm đều sẽ được Cục An toàn thực phẩm ghi nhận, nếu xác định chính xác có vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cục đã tiến hành xử phạt nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh có sai phạm, số tiền phạt thu về nhiều tỷ đồng. Những hành vi vi phạm nghiêm trọng, Cục An toàn thực phẩm sẽ chuyển tới Cơ quan điều tra tiến hành xử lý các bước tiếp theo, tất cả các hành vi gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng đều phải bị xử lý thích đáng.

Theo GDTĐ

15:14:46 24-09-2020

Dùng những loại này không những không khỏi bệnh mà người tiêu dùng còn đối mặt với nguy cơ là nạn làm giả các loại thực phẩm chức năng, hàng không rõ nguồn gốc. Bị bệnh nhưng nhiều khi thuốc điều trị lại không thần kỳ bằng thực phẩm chức năng trong khí thực chất […]

Đối tác của chúng tôi