Sự kiện - chuyên đề:

Tiến sĩ Phan Bích Thiện: Tự hào với sứ mệnh lan tỏa văn hóa Việt tại châu Âu

VHDN: “Tôi nghĩ phải có những người khởi đầu thì mới xây dựng được cộng đồng. Khả năng mình làm được gì cho cộng đồng và cho việc lan tỏa văn hóa Việt thì hãy cố gắng làm. Điều đó cũng là động lực thôi thúc tôi tham gia phong trào xây dựng và phát triển Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary gần 20 năm nay mặc dù rất bận rộn với công việc và gia đình”. Đó là tâm sự của tiến sĩ Phan Bích Thiện về việc góp phần đưa văn hóa Việt hội nhập với toàn cầu.

 

Thưa tiến sĩ, chị có thể chia sẻ đôi nét về bản thân chị, cũng như cơ duyên nào để chị lựa chọn cống hiến cho Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu?

Tiến sĩ Phan Bích Thiện: Năm 18 tuổi tôi được Nhà nước gửi đi du học ngành kinh tế tại Nga. Thực sự khi đó tôi không hề nghĩ là mình sẽ định cư lâu dài ở nước ngoài. Trong cuộc đời chữ “duyên” bao giờ cũng đến một cách rất tự nhiên. Chồng tôi bây giờ cũng được nhà nước Hungary cử sang Nga học cùng trường với tôi. Chính vì duyên số đó nên cuộc đời tôi gắn liền với Hungary.

Tôi khởi nghiệp ở Nga, khi đó thể chế chính trị ở Nga thay đổi, thị trường và cơ hội mở ra. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, tôi đã thành lập công ty nhập khẩu các thực phẩm châu Á vào Nga. Tôi là người đầu tiên đưa đồ dứa hộp, xoài hộp, nước mắm, bánh phở khô…vào thị trường Nga. Sau khủng hoảng tài chính ở Nga năm 1998, hơn nữa vợ chồng tôi cũng muốn ổn định, có con nên chúng tôi quay về Hungary. Sang Hungary tôi lại phải làm quen với một đất nước hoàn toàn mới với ngôn ngữ rất khó. Thời gian đầu không thạo tiếng, chưa có nhiều bạn bè, nhiều khi tôi cũng khóc thầm. Nhưng tôi nghĩ mình đã chọn gắn bó với đất nước này thì mình phải cố gắng hội nhập, đứng trên đôi chân của mình. Tôi quyết tâm học tiếng Hungary. Vừa sinh con, chăm hai con bé tôi vừa học tiếng, làm quen với xã hội, bạn bè. Khi tôi sinh cháu thứ hai thì vợ chồng tôi quyết định mua lại tòa lâu đài của dòng họ Fried lúc đó đang còn đổ nát và khôi phục lại, cải tạo thành khu nghỉ dưỡng. Trong quá trình đó tôi làm quen, bắt đầu làm việc, dần dần hòa nhập vào xã hội nước sở tại.

Tiến sĩ Phan Bích Thiện phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu.

Mặc dù đã gần 40 năm sinh sống ở nước ngoài nhưng tôi nghĩ trong tôi chảy dòng máu Việt nên luôn cố gắng giữ gìn phong tục tập quán. Từ hồi sinh viên, trong phòng tôi đã có bàn thờ, tôi tổ chức đón Tết cùng bạn bè ở ký túc xá. Sau này khi có gia đình thì tâm nguyện truyền được những giá trị văn hóa Việt cho các con càng thôi thúc tôi giữ gìn và quảng bá những nét truyền thống đó. Tôi luôn tự hào mình là người Việt Nam và mong muốn người Việt chúng ta ngẩng cao đầu ở nước ngoài. Để làm được điều đó trước tiên người Việt ở nước ngoài phải có sự đoàn kết mạnh mẽ. Chính vì vậy nên từ khi sinh viên tôi đã tham gia những hoạt động gắn kết sinh viên Việt Nam ở Liên Xô. Tôi đã được tham dự Liên hoan thanh niên sinh viên Việt Nam ở nước ngoài tại Sofia năm 1988. Khi về Hungary sinh sống tôi cũng cố gắng để xây dựng cộng đồng người Việt ở đây. Tôi là người đưa ra ý tưởng tổ chức Tết Trung thu cho các cháu và trong Trung thu đầu tiên ở Hungary vì thiếu người tôi còn phải đảm nhiệm làm “chị Hằng” và từ đó trở thành một hoạt động thường niên của cộng đồng. Tôi nghĩ phải có những người khởi đầu thì mới xây dựng được cộng đồng. Khả năng mình làm được gì cho cộng đồng và cho việc lan tỏa văn hóa Việt thì hãy cố gắng làm. Điều đó cũng là động lực thôi thúc tôi tham gia phong trào xây dựng và phát triển Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary gần 20 năm nay mặc dù rất bận rộn với công việc và gia đình.

Trong những năm gần đây, phong trào người Việt ở nước ngoài nói chung và ở châu Âu nói riêng ngày càng phát triển, trong đó hoạt động của phụ nữ cũng là mảng rất quan trọng. Chính vì vậy ý tưởng làm sao kết nối chị em để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các tổ chức phụ nữ cũng như giữa phụ nữ Việt ở các nước châu Âu đã được tôi ấp ủ từ lâu. Qua kết nối chúng ta có thể tạo được một mạng lưới để chị em có thể hợp tác, giao lưu học hỏi lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm, và có những hoạt động hợp tác cùng nhau. Khi đó thì phong trào phụ nữ càng lớn mạnh, giúp phụ nữ tất cả các nước hội nhập tốt hơn. Được sự ủng hộ đồng hành của chị em, ý tưởng đó đã được triển khai thành công. Tháng 6/2023 Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu lần đầu tiên đã thành công vang dội, đã tạo lập được một mạng lưới kết nối chị em ở các nước khác nhau. Từ đó đến nay chị em thành viên của Diễn đàn đã cùng nhau có nhiều hoạt động hướng về quê hương cũng như trong việc hội nhập. Tổ chức Diễn đàn cũng được hoàn thiện về cơ cấu, có Ban điều hành gồm 45 chị em đại diện của 15 quốc gia. Diễn đàn cũng đã trở thành thành viên chính thức của Hội nghị Phụ nữ thượng đỉnh toàn cầu.

Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay, Diễn đàn sẽ phát động Cuộc thi viết tản văn, thơ về người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ cho chị em phụ nữ người Việt ở nước ngoài nhằm tôn vinh những giá trị của người phụ nữ Việt trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và hội nhập, đồng thời cũng khuyến khích động viên chị em trau dồi tiếng Việt, thực hiện sứ mệnh giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài.

Thưa tiến sĩ, mặc dù xa xứ thời gian dài nhưng ở chị toát lên nét đẹp nữ tính, vẻ hiền dịu, kiên nhẫn đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là khi diện áo dài, quốc phục của dân tộc ta. Đây có phải là một lợi thế để chị thực hiện sứ mệnh lan tỏa văn hóa đất nước Việt Nam tại châu Âu?

Tiến sĩ Phan Bích Thiện: Theo tôi áo dài là một trang phục truyền thống rất đặc biệt. Khi mặc áo dài tất cả các chị em đều rất đẹp, rất duyên dáng. Nhưng khác với các trang phục dân tộc khác, áo dài lại rất thuận tiện, không quá rườm rà, cầu kỳ. Chúng ta có thể mặc áo dài ở tất cả các địa điểm, từ trường học, trong công sở đến các sự kiện trang trọng. Áo dài cũng rất đa dạng, về màu sắc, hình tiết nên chị em có sự lựa chọn phong phú cho mình. Bản thân tôi rất thích mặc áo dài. Không chỉ ở các sự kiện của người Việt mà đi dự các sự kiện nước ngoài tôi cũng đều mặc áo dài. Tôi luôn tự hào quảng bá về áo dài và các bạn quốc tế đều khen áo dài rất đẹp. Tôi còn đặt may tặng áo dài cho nhiều phụ nữ nước ngoài. Đơn cử như hôm diễn ra Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu bà Giám đốc và Phó Giám đốc Văn phòng đối ngoại Quốc hội Hungary đến dự đều mặc áo dài do tôi tặng và hai bà đều rất thích. Qua áo dài tôi cũng muốn quảng bá về văn hóa Việt Nam, làm sao để bạn bè quốc tế nhìn thấy áo dài thì đều biết đó là quốc phục của Việt Nam, cố gắng để áo dài sẽ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của thế giới.

Tiến sĩ Phan Bích Thiện cùng chồng và hai con gái.

Thưa doanh nhân Phan Bích Thiện, trên cương vị là Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, đồng thời cũng là một doanh nhân, vậy chị có thể cho biết văn hóa doanh nghiệp có mối liên hệ nào với văn hóa dân tộc? Văn hóa doanh nghiệp có phải là một yếu tố quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam thu hút đầu tư, cũng như là một lợi thế để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế toàn diện hơn?

Tiến sĩ Phan Bích Thiện: Trước hết mỗi doanh nhân đều phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho doanh nghiệp của mình. Tôi nghĩ văn hóa doanh nghiệp luôn gắn liền với văn hóa dân tộc. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài thì ngoài việc văn hóa doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước sở tại thì còn phải thể hiện được văn hóa của dân tộc mình. Ví dụ như khi nói đến các doanh nghiệp Đức chúng ta liên tưởng luôn đến sự chính xác, doanh nghiệp Nhật thì là sự cẩn thận, tỷ mỷ bởi vì đó cũng chính là một trong những nét đặc trưng của dân tộc họ.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xây dựng văn hóa, ngoài những yếu tố chung như: làm việc minh bạch, thực hiện đầy đủ các trách nhiệm và nghĩa vụ đóng thuế, cam kết và giữ uy tín với khách hàng…thì cần thêm những dấu ấn của văn hóa dân tộc Việt. Đơn cử như dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống tương thân tương ái nên trong văn hóa doanh nghiệp cần có thêm yếu tố có trách nhiệm với xã hội, tham gia đóng góp hỗ trợ các hoạt động từ thiện xã hội. Với tư cách là một doanh nhân, tôi cũng tham gia và kêu gọi rất nhiều trong các đợt ủng hộ đồng bào trong nước. Đại dịch Covid-19 bùng nổ ở Việt Nam, bản thân tôi cũng đã ủng hộ 380 triệu VND cho công cuộc phòng chống dịch ở Việt Nam.

Tiến sĩ Phan Bích Thiện cùng Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary và Giám đốc, Phó Giám đốc Văn phòng Đối ngoại Quốc hội Hungary tại Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu.

Gần đây Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu cũng đã kêu gọi hưởng ứng chương trình Mẹ đỡ đầu cho trẻ mồ côi và hiện nay tôi cũng đang đỡ đầu cho 6 trẻ mồ côi ở Nghệ An và Bình Dương. Đối với doanh nghiệp Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài thì cần cố gắng đưa việc quảng bá về Việt Nam vào trong hoạt động kinh doanh của mình. Tôi luôn tâm niệm điều này nên khi khôi phục và xây dựng Khu nghỉ dưỡng Lâu đài Fried, tôi đã trang bị toàn bộ nội thất bằng các sản phẩm đồ gỗ chạm trổ của các nghệ nhân làng Đồng Kỵ. Đây cũng là cách để quảng bá về các giá trị văn hóa Việt, đồng thời cũng tạo được dấu ấn riêng cho doanh nghiệp của mình. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở nước ngoài cũng cần quan tâm và thúc đẩy cho các mặt hàng Việt Nam được đưa ra thế giới.

Mỗi doanh nghiệp Việt ở nước ngoài đều có thể trở thành cầu nối cho sự phát triển của hai nước. Với tâm nguyện đóng góp cho mối quan hệ của Hungary và Việt Nam, tôi còn đảm nhận trọng trách Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary – Việt Nam. Tôi đã tổ chức nhiều buổi giới thiệu về các cơ hội đầu tư, hợp tác với Việt Nam cho các doanh nghiệp Hungary, kết nối cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký kết hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp Hungary. Quỹ đã xúc tiến và xây dựng được tượng đài hữu nghị Hungary – Việt Nam tại trung tâm thành phố Paks tại Hungary với biểu tượng của hai dân tộc. Đây là tượng đài mang biểu tượng trống đồng duy nhất tại một thành phố ở Đông Âu.

Tôi nghĩ văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam thu hút được đầu tư, hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp nước ngoài và hội nhập quốc tế toàn diện. Chỉ khi xây dựng được một nền văn hóa doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí chuẩn chung của doanh nghiệp quốc tế thì chúng ta mới nhận được sự tin cậy và có thể đàm phán công bằng với các đối tác quốc tế. Đồng thời nếu chúng ta đưa được vào văn hóa doanh nghiệp những nét đặc trưng, ưu thế của văn hóa dân tộc Việt Nam thì chúng ta lại tạo được những ưu thế riêng để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.

 

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 3/2024

(Hạnh Dương)

14:49:46 08-03-2024

VHDN: “Tôi nghĩ phải có những người khởi đầu thì mới xây dựng được cộng đồng. Khả năng mình làm được gì cho cộng đồng và cho việc lan tỏa văn hóa Việt thì hãy cố gắng làm. Điều đó cũng là động lực thôi thúc tôi tham gia phong trào xây dựng và phát […]

Đối tác của chúng tôi