Sự kiện - chuyên đề:

Tiến sỹ Nguyễn Việt Phương – Viện trưởng viện nghiên cứu y sinh và hóa sinh ứng dụng ( VHU): Quan tâm đặc biệt người có công với cách mạng

VHDN: Chăm sóc người có công với cách mạng không chỉ là đạo lý, truyền thống mà còn là trách nhiệm, tình cảm đầy nhân văn cao quý và có ý nghĩa lâu dài. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, phóng viên Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Việt Phương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y sinh và Hoá sinh Ứng dụng về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Hoạt động từ thiện, mang lại sức khoẻ cho mọi người”…

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ năm nay, Viện có những hoạt động gì? Công tác chuẩn bị và thực hiện đến nay ra sao, thưa anh?

Tiến sỹ Nguyễn Việt Phương.

Tiến sỹ Nguyễn Việt Phương: Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn dành tất cả tình yêu thương cho các chiến sĩ vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà hy sinh hoặc bị thương. Điều này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Uống nước nhớ nguồn,” “ăn quả nhớ người trồng cây,” lịch sử không bao giờ quên những cống hiến, sự hy sinh của những người có công với cách mạng…”

Hướng đến ngày đặc biệt này không chỉ riêng cá nhân và Viện chúng tôi mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong điều kiện và khả năng kinh tế hạn hẹp của một người làm công tác nghiên cứu khoa học, nhưng tôi sẽ cố gắng tiếp tục đầu tư xây dựng khu vui chơi, sinh hoạt thể thao ngoài trời gửi tặng bà con Nhân dân thôn 1, xã Thiệu Phúc (huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hóa). Công trình này sẽ được đổ bê tông nền kiên cố, được trang bị nhiều cột đèn chiếu sáng sử dụng bằng năng lượng mặt trời, đảm bảo chiếu sáng xuyên đêm, bà con vui chơi sinh hoạt mà không phải đóng góp trả tiền điện, dự kiến công trình sẽ được hoàn thành trước tháng 10 năm 2022. Vừa qua tôi cũng đã liên hệ với tổ 11, phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) và thôn Đồng Chùa cùng thôn Làng Mãn 1, xã Thái Hòa (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo thôn, xã về việc tặng quà đến một số gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách trong dịp này.

Hai câu châm ngôn trong kinh doanh và trong cuộc sống mà anh tâm đắc nhất?

Tiến sỹ Nguyễn Việt Phương: “Chữ tín hàng đầu” và “Phải học được phép chia”. Tôi đặc biệt tâm đắc câu nói giống như một triết lý của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “…lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ…”

Hạnh phúc đến từ những điều giản dị, và điều giản dị của anh là gì?

Tiến sỹ Nguyễn Việt Phương: Cuộc đời mỗi con người chúng ta đi qua như những nốt nhạc ngân dài, ngân nga lắng đọng. Trên bước đường đi tìm giá trị của hạnh phúc, có người tìm được câu trả lời và không ít người tìm mãi mà không tường tỏ, vô vọng. Hạnh phúc không thể là một mục tiêu mỗi người đặt ra mà dễ dàng có được. Hạnh phúc không hề là một vật thể tồn tại hiện hữu mà mỗi chúng ta có thể cầm nắm được. Hạnh phúc nằm ngay trong cảm nhận, trong suy nghĩ, trong hành động và cuộc sống xung quanh bạn mà thôi… Đêm nay khi viết bài trả lời phỏng vấn này tôi lại nhớ đến hình ảnh vợ mình – Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh, người phụ nữ luôn hy sinh, tần tảo sớm tối, chăm chút cho gia đình để tôi có điều kiện tự do “bay, nhảy”, ca từ trong bài hát của Nhạc sỹ Phú Quang cứ dịu nhẹ ngân lên trong tôi:

“… Và ta biết một điều thật giản dị

Càng xa em ta càng thấy yêu em…”

Cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

Đăng Khoa

08:59:22 11-07-2022

VHDN: Chăm sóc người có công với cách mạng không chỉ là đạo lý, truyền thống mà còn là trách nhiệm, tình cảm đầy nhân văn cao quý và có ý nghĩa lâu dài. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, phóng viên Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng […]

Đối tác của chúng tôi