Vừa mới bước sang ngày đầu tiên của tháng tư, “dàn đồng ca mùa hạ” liền kéo nhạc. Buổi sớm, khi con người chưa thức giấc đã thấy chúng réo inh ỏi trên những tàng cây sau đầu hồi nhà. Âm thanh nghe như được phát ra từ một chiếc loa cỡ đại. Rè rè. È è. Rào rào. Ào ào. Có khi là liên tục, có khi ngắt quãng vì chúng bận nghỉ hơi để mà tiếp tục cất gọng. Không phải một con mà đồng loạt cùng cất tiếng, vì vậy chúng mới được coi là “dàn đồng ca mùa hạ”.
Tiếng ve át hết tiếng các loài chim khác. Lũ sẻ đồng vốn dĩ lanh chanh, cũng cao giọng lích chích ấy vậy mà khi bầy ve kêu thì giọng của chúng nhỏ giọt, chẳng “đọ” nổi. Hay những chú chim khướu vốn dĩ được trời ban giọng hót cao vút, trong vắt nhưng cũng chịu thua các nghệ sĩ ve.
Tiếng ve cứ tưởng là giống nhau. Nhưng thật ra, nếu lắng tai nghe kỹ thì chúng lại có giọng khác nhau. Khác nhau cả vào từng thời điểm trong ngày. Ban sớm, khi trời còn mát mẻ, giọt sương đêm qua đang long lanh chưa kịp tan hết, tiếng ve nghe như thanh thoát hơn, khỏe hơn. Ban trưa, nắng nóng, tiếng ve như một lời than thở nghe như nằng nặng, có cái gì đó đầy nỗi niềm tâm sự. Ban tối thì tiếng ve dường như nhẹ hơn vì chúng đã vất vả cả một ngày trời cật lực cất giọng.
Tiếng ve gắn với mùa hè và tuổi học trò. Giờ ra chơi mấy cậu con trai nghịch ngợm trèo lên thân cây phượng, cây bàng mà tìm bắt bằng được những chú ve đang mải miết kêu. Rồi dùng tay túm lấy đôi cánh, mắt chăm chú nhìn vào đôi mắt chú ve đang sợ hãi chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Lại tiếp tục sờ ngón tay bé xíu vào chiếc bụng đang căng phồng như muốn mấy chú ve sợ hãi mà phải kêu lên. Lúc ve bật kêu thành tiếng thì hàng ngàn nụ cười đắc thắng vang lên. Có cô bạn yểu điệu thục nữ bị cậu bạn bất ngờ “dí” ve vào trong hộc bàn, đang ngồi nghe cô giảng, tiếng ve kêu lên ầm ĩ thì bỗng giật mình hét lên thất thanh. Tuổi học trò mà, hàng ngàn “mưu kế” luôn được bầy trò để chọc bạn. Và tội nghiệp chưa, những chú ve phải làm “nhân vật chính” để tụi học trò tiêu khiển.
Hết ở trường lại đến ở nhà. Tiếng ve theo chân những đứa trẻ quê tóc hoe vàng nắng cháy, trưa trốn bố mẹ không chịu ngủ. Trên tay lăm lăm một chiếc vợt có que cầm thật dài, vận dụng đôi mắt sáng tinh anh để tóm gọn những chú ve vào giỏ. Xong lại đến “tiết mục” cho ve vào chiếc hộp diêm rỗng. Trưa hè nghe chúng giẫy giụa kêu rè rè niềm vui sao mà vui khó tả.
Tiếng ve gợi nhớ những đêm hè trăng sáng như gương. Những đêm mất điện, nhà nhà trải chiếu ra giữa sân để hóng gió. Hàng xóm láng giềng từ hàng rào qua ngồi chung vui, nói chuyện. Hình như những chú ve nóng quá không ngủ được cũng cất giọng mà thủ thỉ với người dân. Tình làng nghĩa xóm gắn kết bởi tiếng ve chứng giám. Bên ấm chè xanh, củ khoai, củ sắn, tiếng ve trở thành âm thanh quen thuộc. Những người xa quê, tới đêm hè lại thao thiết nhớ một tiếng ve.
Ngày tháng đi thật chậm mà cũng thật nhanh. Rồi cũng nhiều mùa hè trôi đi, đám trẻ con tưởng chừng bé nhỏ nhưng rồi bỗng chốc trở thành người lớn. Mùa hè tiếng ve vẫn ngân lên ra rả. Ký ức hồn nhiên, trong trẻo dội về ngọt ngào. Đó đây những dòng tin nhắn gửi cho nhau: “Mùa ve về rồi, bạn có nhớ ngày xưa?”.
NGỌC LINH (Hà Nội)
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 5/2025)
Vừa mới bước sang ngày đầu tiên của tháng tư, “dàn đồng ca mùa hạ” liền kéo nhạc. Buổi sớm, khi con người chưa thức giấc đã thấy chúng réo inh ỏi trên những tàng cây sau đầu hồi nhà. Âm thanh nghe như được phát ra từ một chiếc loa cỡ đại. Rè rè. […]