Dự hội nghị có đại diện Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh. Về phía TKV có Thành viên HĐTV Vũ Thành Lâm; đại diện Công đoàn TKV; Đảng ủy Than Quảng Ninh; các Ban chuyên môn Tập đoàn…
Hội nghị đã đánh giá kết quả thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) 7 tháng đầu năm 2024. Theo đó, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của TKV, các Ban chuyên môn Tập đoàn và các đơn vị đã quyết liệt triển khai các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ trong công tác tuyên truyền, huấn luyện; công tác quản lý kỹ thuật, an toàn, vệ sinh lao động. Các đơn vị hầm lò đặc biệt chú trọng công tác thông gió; công tác thoát nước – khoan thăm dò phòng ngừa bục nước; công tác quản lý kỹ thuật cơ bản và áp lực mỏ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…
Kết quả thực hiện kế hoạch ATVSLĐ trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị thực hiện theo 5 nội dung đạt trên 703,81 tỷ đồng, bằng 50,9% kế hoạch (KH) năm. Các đơn vị thực hiện cao, đạt >50% KH năm như: Than Uông Bí, Nam Mẫu, Mông Dương, Thống Nhất, Môi trường, Cọc Sáu, Đưa đón thợ mỏ, Công nghiệp Ô tô; Công tác chăm sóc sức khỏe người lao động đã được các đơn vị rất quan tâm, kết quả khám đạt tỷ lệ trên 97%, có nhiều đơn vị đạt tỷ lệ trên 98,9 %…
Về nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024 và thực hiện mục tiêu công tác an toàn, vệ sinh lao động trong điều kiện ảnh hưởng bất thường của biến đổi khí hậu: “Giảm thiểu số vụ tai nạn lao động và sự cố do chủ quan gây nên; không để xảy ra các vụ tai nạn, sự cố mang tính thảm họa”. Để đạt được mục tiêu an toàn đề ra năm 2024, Tập đoàn yêu cầu người đứng đầu các đơn vị, chỉ đạo khắc phục ngay các hạn chế, tồn tại của 7 tháng đầu năm 2024, tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo kỹ thuật, an toàn trong trong điều kiện ảnh hưởng bất thường của biến đổi khí hậu. Đặc biệt đối với các đơn vị khai thác than hầm lò thường xuyên kiểm tra, rà soát bề mặt địa hình để phát hiện vùng sụt lún, tổ chức san lấp kịp thời hạn chế tối đa nước thẩm thấu xuống hầm lò; tăng cường công tác cập nhật, rà soát khoanh vùng các khu vực, đối tượng có nguy cơ về nước; Các quy trình kỹ thuật, hộ chiếu thiết kế thi công-biện pháp thi công, biện pháp an toàn-xử lý sự cố cần phải được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn phổ biến kịp thời; Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra của cán bộ cấp Công ty, công trường, phân xưởng và Trung tâm cấp cứu mỏ, trong đó lưu ý quy định về thời lượng kiểm tra; thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, triệt tiêu sự cố, kiểm soát khí mỏ, áp lực mỏ, thông gió, thoát nước…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Duy Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh chia sẻ với TKV những tổn thất do tai nạn lao động và đề nghị Tập đoàn cần có báo cáo với Bộ Công Thương sớm ban hành quy chuẩn quốc gia về luật khai thác; trong các quy trình công nghệ cần điều chỉnh bổ sung đảm bảo các quy định của pháp luật cũng như là phù hợp với biến đổi khí hậu hiện nay; trong quản lý điều hành các đơn vị cần thực hiện đúng các quy định của luật về quản lý hoá chất và quán triệt rà soát lại các công trình hạng mục xây dựng cơ bản; trong lĩnh vực tài chính cần kiểm tra lại công tác nghiệm thu.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thành viên HĐTV Tập đoàn Vũ Thành Lâm yêu cầu, các đơn vị khai thác than hầm lò và khoáng sản bằng phương pháp mở vỉa và công nghệ khai thác than hầm lò cần phải tập trung kiểm soát hết sức chặt chẽ nước chảy vào trong hầm mỏ; các đơn vị phải trang bị phương tiện thiết bị để chủ động ứng phó với tình huống xấu, đồng thời tính toán lại lượng hầm bơm để từ đó đưa ra biện pháp và giải pháp để xử lý. Viện Khoa học Công nghệ mỏ lên phương án sử dụng chỉ thị màu những điểm nghi ngờ nước chảy trong mỏ để phối hợp với các đơn vị hầm lò tránh xảy ra tình trạng mất an toàn; rà soát lại các khâu, công đoạn trong công nghệ khai thác hầm lò, đặc biệt là các công nghệ khai thác lò chợ có thu hồi, khoan lắp. Đồng thời, lưu ý sử dụng biện pháp thăm dò, phương tiện trong kiểm soát điều khiển đá vách. Về các hiểm hoạ, các đơn vị cần thực hiện nguyên tắc tự chủ an toàn, trong đó từ chỉ huy cao nhất đến hệ thống quản lý phòng ban và người lao động.
Kết luận tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Huy Nam đánh giá, với mức độ biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay nguy cơ gánh chịu của toàn Tập đoàn đang ở mức cao. Từ đó, nhằm thực hiện tốt công tác an toàn trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị khai thác than hầm lò, có khai thác vỉa dầy, có thu hồi than nóc phải rà soát lại địa hình, trong đó nếu có tình trạng ngấm nước thì dừng khai thác để thực hiện khoan thăm dò; tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề đã đề ra và Tập đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra để chấn chỉnh, ngăn ngừa các nguy cơ; tiếp tục xử lý nghiêm theo quy định đối với công tác ATVSLĐ, trong đó, nghiêm chỉnh chấp hành và xử lý kỉ luật mang tính răn đe đối với các cán bộ vi phạm quy định về an toàn; tăng cường công tác tuyên truyền huấn luyện đến người lao động để người lao động thấy được việc cần phải làm, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự chủ an toàn, tự bảo vệ mình và đồng đội; Ban An toàn tiếp thu toàn bộ ý kiến lãnh chỉ đạo và thông báo kết luận đến các đơn vị triển khai thực hiện.
PV
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 8/2024)
VHDN: Vừa qua, tại Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp kỹ thuật an toàn trong điều kiện ảnh hưởng bất thường của biến đổi khí hậu. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Huy Nam chủ trì hội nghị. Dự […]