Sự kiện - chuyên đề:

Tôm chân trắng Móng Cái Nhiều hộ dân lao đao vì các quy hoạch dài hạn

VHDN:Theo chương trình OCOP do tỉnh Quảng Ninh phát động, hiện nay Móng Cái đã tạo ra những sản phẩm với thương hiệu riêng là: lợn Móng Cái, tôm thẻ chân trắng, ghẹ lột, khoai lang, dược liệu, rau an toàn…, nhưng vì vướng quy hoạch dài hạn mà nhiều hộ dân đang rơi vào tình cảnh lao đao.

Đầm nuôi tôm của ông Bùi Ngọc Liêm.

Thành phố Móng Cái là một trong những đơn vị tiên phong trong triển khai chương trình OCOP do tỉnh Quảng Ninh phát động. Với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của mình, Móng Cái đã tập trung xây dựng các vùng sản xuất có thế mạnh truyền thống, đầu tư và tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân tham gia các dự án của Thành phố. Để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra, Thành phố đã triển khai công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, phát triển sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến… Các chương trình này đã tạo ra những sản phẩm với thương hiệu riêng có của thành phố Móng Cái: lợn Móng Cái, tôm chân trắng, ghẹ lột, khoai lang, dược liệu, rau an toàn. Các sản phẩm này khi tham gia Hội chợ OCOP của tỉnh được đánh giá, phân hạng đến 4 sao và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trong các sản phẩm OCOP Móng Cái, thương hiệu “Tôm chân trắng” đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) đã lan tỏa tới các vùng miền cả nước, điển hình là hộ ông Bùi Ngọc Liêm, bà Đặng Thị Dịu, ông Đoàn Văn Quân, ông Nguyễn Văn Chiến, Vũ Ngọc Văn…Có hai cơ sở đạt “Danh hiệu chất lượng vàng thủy sản Việt Nam 2014” và “Cúp vàng thương hiệu sản phẩm Nông nghiệp nổi tiếng năm 2015”. Chính vì thế nhiều doanh nghiệp, nhiều hộ gia đình ở các địa phương khác đã đến tận cơ sở nuôi  tôm tại Móng Cái để giao lưu học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình này. Đạt được kết quả đó là do có sự quan tâm của thành phố Móng Cái và của tỉnh Quảng Ninh thông qua Quyết định số 4204/QĐ-UBND ngày 24/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Nghị Quyết 232/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Tỉnh “Về việc ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020” nên nhiều hộ dân phấn khởi đầu tư thêm đầm hồ mới, mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên sau khi đầu tư nhiều hộ dân đang nhận được hỗ trợ vay vốn với lãi suất theo các Quyết định nói trên thì đột nhiên bị dừng lại, không được hưởng ưu đãi lãi suất nữa mà không có thông báo hay khuyến cáo trước từ các cơ quan có thẩm quyền tới các hộ đang nuôi tôm. Dự án nuôi tôm của các hộ dân này đã được thực hiện từ nhiều năm trước khi có Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo Quyết định số 4209/QĐ- UBND ngày 22/12/2014 của UBND thành phố Móng Cái và Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội KKTCK Móng Cái đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 18/9/2015 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái – tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 tầm nhìn 2050.

Phóng viên đang làm việc với các chủ hộ nuôi tôm.

Điều đáng nói là các dự án nuôi tôm này đều đã được đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại, được UBND các phường, xã của thành phố Móng Cái đồng ý, đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ lãi suất. Bà con nông dân được biết một trong những lý do bị ngừng hưởng hỗ trợ lãi suất là những dự án này nằm “Ngoài vùng quy hoạch” đến năm 2020 tầm nhìn 2050. Theo họ, đến trước tháng 6/2016 các hộ vẫn được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 4204/2015/QĐ-UBND ngày 24/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh, nên mọi người vẫn tiếp tục đầu tư đầm, hồ, cơ sở vật chất để nuôi tôm” và khi Nghị quyết của HĐND tỉnh có thời hiệu giai đoạn 2016-2020 thì ít nhất sau năm 2020 mới có thể sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Việc bị dừng hưởng hỗ trợ lãi suất khiến bà con nông dân nuôi tôm khó khăn, lao đao, có nguy cơ vỡ nợ hàng loạt là điều khó tránh khỏi. Ông Bùi Ngọc Liêm – Phó chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Móng Cái cho biết: “Khu vực 23 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị dừng hỗ trợ lãi suất là thuộc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trước đây, hầu hết là trong vùng Dự án 327 (Bộ Quốc phòng) và Dự án 773 (Tổng đội thanh niên Đông Bắc), các hộ này đều tập trung nuôi trồng rất lớn, bài bản, đúng quy trình. Việc dừng hỗ trợ lãi suất đột ngột này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con cũng như ảnh hưởng tới chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh”.

Trước thực trạng trên, ngày 17/4/2018 UBND thành phố Móng Cái đã có Công văn số 858/UBND-PKT gửi Ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh V/v “Đề nghị xin ý kiến 35 hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất trên địa bàn thành phố Móng Cái”, trong đó có nội dung:  “2.2.Qua kiểm tra hồ sơ và thực tế sản xuất, 35 trường hợp trên đều đảm bảo đạt 05 điều hiện (1,2,3,5,6) quy định tại Điều 5 Quyết định 4204/2015/QĐ-UBND ngày 24/12/2015 của UBND tỉnh; chưa đáp ứng điều kiện 4 “dự án, phương án sản xuất kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt” do không nằm trong quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của thành phố Móng Cái (quyết định 4209/QĐ/UBND ngày 22/12/2014 của UBND thành phố Móng Cái); Nhưng trên thực tế, thời điểm 35 tổ chức, cá nhân trên bắt đầu thực hiện các dự án từ trước khi có Quyết định 4209/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND thành phố Móng Cái; quyết định phê duyệt  1226/QĐ ngày 31/7/2015 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội KKTCK Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 18/9/2015 về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2050; Căn cứ thực tế sản xuất và kiến nghị của các tổ chức, cá nhân cùng ý kiến đồng thuận của UBND các xã, phường, UBND thành phố Móng Cái kính đề nghị Ban xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh xem xét, hướng dẫn  để thành phố thực hiện việc  hỗ trợ lãi suất cho 35 hộ gia đình còn vướng mắc nêu trên.”

Như vậy, từ chính sách đến thực tiễn đời sống vẫn còn nhiều điều cần phải bàn thảo. Nhưng đến khi nào vướng mắc trên mới được tháo gỡ? đến khi nào các hộ nông dân của thành phố Móng Cái mới có được niềm vui và sự yên tâm để đẩy mạnh sản suất, đưa thương hiệu Tôm chân trắng, sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng vươn xa, vươn cao trên thị trường?  Người nông dân đang trông mong vào sự lắng nghe, thấu hiểu của các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh.

Vũ Hữu Quý

10:48:00 11-07-GMT+0700

VHDN:Theo chương trình OCOP do tỉnh Quảng Ninh phát động, hiện nay Móng Cái đã tạo ra những sản phẩm với thương hiệu riêng là: lợn Móng Cái, tôm thẻ chân trắng, ghẹ lột, khoai lang, dược liệu, rau an toàn…, nhưng vì vướng quy hoạch dài hạn mà nhiều hộ dân đang rơi vào […]

Đối tác của chúng tôi