Sau 15 năm đưa vào khai thác, mỏ CNV hiện đang khai thác ở giai đoạn cuối đời mỏ với hàm lượng nước từ 5% đến 60% ở các giếng khai thác. Việc duy trì sản lượng và gia tăng khả năng thu hồi dầu là hết sức cần thiết đối với mỏ CNV. Do đó, các biện pháp can thiệp giếng cũng như bơm ép đã được sử dụng nhằm duy trì sản lượng của mỏ. Trong đó, việc khoan thêm giếng khoan đan dày vào những vùng mà các giếng hiện tại không thể khai thác được là một trong những giải pháp tốt nhất để gia tăng sản lượng cũng như tăng hệ số thu hồi dầu của mỏ khi mà các giếng hiện tại đã bị ngập nước.
Vào năm 2014, giếng khoan CNV-7P đã được nghiên cứu, thiết kế và được chấp thuận bởi Chính phủ để khai thác tại giàn đầu giếng. Tuy nhiên trong quá trình thi công, giếng khoan gặp sự cố khi khoan qua tập sét ở tầng Oligocen D với dị thường áp suất cao. Sau rất nhiều cố gắng trong thi công, giếng khoan CNV-7P không thể khoan đến các đối tượng khai thác chính ở dưới tầng móng CNV. Mỏ CNV đã không được tiến hành khoan thêm bất kỳ giếng khai thác mới nào kể từ sự cố với giếng CNV-7P. Song, do yêu cầu cấp bách về gia tăng sản lượng khai thác đòi hỏi nhà điều hành HL-HV JOCs phải có giải pháp khoan thêm các giếng đan dày với chi phí hợp lý và rủi ro thấp trong thi công.
Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu thì HL-HV JOC nhận thấy rằng giải pháp khoan cắt thân từ các giếng khai thác hiện hữu có sản lượng khai thác thấp, hàm lượng nước cao là tối ưu nhất nên đã được đề xuất. Giải pháp này là một điểm mới và là tối ưu nhất cho hiện trạng mỏ CNV bởi sẽ loại bỏ những khó khăn, phức tạp khi khoan qua Classtic (đặc biệt là tầng Oligocen D), đồng thời giúp tiết kiệm chi phí giếng khoan. Tuy nhiên, giải pháp khoan cắt thân và giữ thân giếng cũ để khai thác đồng thời 2 thân giếng lại có cái khó đặc thù khác, đặc biệt là việc thu hồi bộ hoàn thiện giếng (completion string) ở giếng khoan hiện hữu. Đồng thời, quỹ đạo giếng khoan “3D” tạo ra mô men xoắn và lực kéo cao, khiến quá trình khoan trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần so với thông thường…
Bằng kinh nghiệm và những bài học từ các chiến dịch khoan trước, cộng với đó là sự nỗ lực và kiên trì không ngừng nghỉ, tập thể Hoàng Long – Hoàn Vũ JOC đã chủ động tìm giải pháp khắc phục các khó khăn. Trong đó, yếu tố then chốt chính là việc áp dụng thành công các giải pháp công nghệ và ý tưởng sáng kiến. Ngoài các giải pháp kỹ thuật thì sự động viên từ các cấp lãnh đạo từ Petrovietnam/PVEP và các đối tác nước ngoài đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tinh thần làm việc của đội ngũ thi công khoan. Những lời động viên và sự đánh giá tích cực về những nỗ lực và thành tựu đã tạo nên động lực lớn, giúp đội ngũ nhân lực vượt qua khó khăn và tập trung hết sức vào việc đạt được mục tiêu sản xuất của chiến dịch khoan.
Đại diện Hoàng Long JOC cho biết, tổng kết chiến dịch khoan năm 2023 cho kết quả rất phấn khởi: tiết kiệm của cả chiến dịch khoan đạt 8,7 triệu USD so với ngân sách được phê duyệt. Trong đó, HL JOC đã khoan và hoàn thiện 02 giếng Tê Giác Trắng với chi phí thấp hơn so với ngân sách phê duyệt khoảng 4,7 triệu USD; khoan và hoàn thiện giếng CNV-2PST1 nhanh hơn dự tính 13,2 ngày và chi phí thấp hơn ngân sách được phê duyệt khoảng 4 triệu USD.
Riêng đối với CNV, sự thành công của giếng CNV-2PST1 sau chiến dịch khoan đã mang lại dòng dầu ban đầu khoảng 4.300 thùng/ngày và duy trì ổn định trong thời gian dài. Đây là sự gia tăng đáng kể trong bối cảnh mỏ đang trong tình trạng suy giảm sản lượng mạnh như hiện nay. Và quan trọng hơn nữa là thành công này đã mở ra tiềm năng phát triển mới để tận thu và thăm dò mới các phần trữ lượng chưa được khai thác tại lô 09-2; đặc biệt là thay đổi được quan điểm của nhà Đầu tư nước ngoài về việc cho phép tiếp tục thi công các giếng khoan ở mỏ CNV mà trước đây là một trở ngại lớn.
Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 9/2023
(Văn Lai)
VHDN: Vừa qua, Công ty Liên doanh điều hành Hoàng Long – Hoàn Vũ cho biết, chiến dịch khoan giếng CNV-2PST1 mỏ Cá Ngừ Vàng (CNV) đã mang lại dòng dầu ban đầu khoảng 4.300 thùng/ ngày và duy trì ổn định trong thời gian dài. Đây là sự gia tăng đáng kể trong bối […]