Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH và BHXH TP.Hà Nội, năm 2022, toàn thành phố có 1.130.762 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Trong đó, có 940.121 người từ 80 tuổi trở lên đã được cấp thẻ BHYT (theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ). Trung bình, mỗi năm ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng này khoảng 756,4 tỷ đồng. Còn 190.641 người cao tuổi chưa có thẻ BHYT (từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi).
Ngoài ra, Hà Nội có 105.433 người khuyết tật, trong đó có 91.893 người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng đã được cấp thẻ BHYT (theo quy định tại Nghị định số 146/2018/ NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ). Trung bình, mỗi năm NSNN hỗ trợ đóng BHYT khoảng 73,9 tỷ đồng. Còn 13.540 người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ BHYT.
Có 9.362 người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được cấp thẻ BHYT. Trung bình, mỗi năm NSNN hỗ trợ đóng BHYT 2,2 tỷ đồng. Với 2,25 triệu HSSV, Hà Nội có 2,23 triệu HSSV đã có thẻ BHYT (đạt 98,8%). Trung bình, mỗi năm NSNN hỗ trợ đóng BHYT khoảng 475 tỷ đồng/năm. Còn 26.000 HSSV chưa tham gia BHYT chủ yếu là những HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hà Nội đã sớm ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ mức đóng BHYT cho những người yếu thế. Theo đó, từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2025, người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ đang thường trú trên địa bàn TP.Hà Nội chưa có thẻ BHYT được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; HSSV có hoàn cảnh khó khăn chưa được cấp thẻ BHYT đang tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (kể cả công lập và ngoài công lập) được UBND Thành phố quyết định thành lập hoặc phân cấp cho sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã quyết định thành lập (thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình theo chuẩn của Thành phố quy định tại Quyết định số 13/2021/ QĐ-UBND ngày 05/9/2021 của UBND Thành phố về việc quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025) được hỗ trợ thêm 70% mức đóng BHYT; Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của Thành phố (quy định tại Quyết định số 13/2021/ QĐ-UBND ngày 05/9/2021 của UBND Thành phố về việc quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025) được hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT.
Mới đây, ngày 1/7/2024, HĐND TP.Hà Nội tiếp tục ban hành Nghị quyết số 12/2024/ NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHXH, BHYT cho người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố. Thực tế cho thấy, việc chính quyền TP.Hà Nội quan tâm hỗ trợ mức đóng BHYT cho những người yếu yếu thế như những “cú huých” rất hiệu quả, giúp họ tiếp cận được với các dịch vụ y tế để bảo vệ chăm sóc sức khoẻ của mình. Từ đó, có điều kiện tiếp tục lao động, làm việc, ổn định cuộc sống, cống hiến cho xã hội, góp phần phát triển kinh tế và giữ vững an sinh.
Từ thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Thủ đô những năm qua, ông Phan Văn Mến – Giám đốc BHXH TP.Hà Nội khẳng định: Việc hỗ trợ tiền đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng đặc thù từ Ngân sách là phù hợp với chủ trương “Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế” của TP.Hà Nội. Với sự hỗ trợ này, những người thuộc nhóm đối tượng đặc thù, nhóm người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn sẽ hoàn toàn có thể sở hữu trong tay tấm thẻ BHYT- “tấm bùa hộ mệnh” để bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho mình, yên tâm chữa trị khi không may bị ốm đau, bệnh tật.
Đây cũng là yếu tố quan trọng để Hà Nội hoàn thành được mục tiêu: Đến năm 2025 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,15% dân số.
Châu Anh
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 9/2024)
VHDN: Tính đến tháng 8/2024, Hà Nội đã có 8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 90 ngàn người so với 31/12/2023, (bao phủ 94,4% dân số – tiệm cận sát với chỉ tiêu giao 94,5%). Tính nhân văn của chính sách BHYT càng thể hiện rõ khi những người yếu […]