Sự kiện - chuyên đề:

Triển khai cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam

Tiếp tục tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp

VHDN: “Sau ba năm triển khai, Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức về tầm quan trọng của Văn hóa Doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều trong việc nâng cao hiệu quả của Cuộc vận động. Và đây chính là mục tiêu phấn đấu của chúng tôi trong năm 2020 và những năm tiếp theo”. Ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã bộc bạch như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam nhân dịp đón xuân Canh Tý 2020.

Ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng Ban tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại Hội nghị triển khai Cuộc vận động với khu vực miền Đông Nam Bộ.

Thưa ông, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phát động Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2016, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Ban Tổ chức 248 đã từng bước đưa Cuộc vận động đi vào cuộc sống với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong suốt 3 năm vừa qua?

Ông  Hồ Anh Tuấn: Tháng 9/2016, căn cứ vào đề nghị của Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và sự đồng ý của các Bộ, Ngành TW, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam (Quyết định 1846/QĐ-TTg). Trong buổi lễ công bố Ngày Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam (7/11/2016) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hưởng ứng và thực hiện Cuộc vận động. Ngày 28/2/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 248/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động (BTC 248) bao gồm một số Bộ, Ngành, các cơ quan thông tấn báo chí, các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp lớn…, nhằm giúp Thủ tướng Chính phủ triển khai Cuộc vận động đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, từ việc nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của Văn hóa Doanh nghiệp trong một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp vốn xưa nay thường ưu tiên mục tiêu lợi nhuận, cho đến việc huy động nguồn vốn xã hội hóa để tổ chức triển khai…, đến cuối năm 2019, Ban Tổ chức 248 và Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Quy chế tôn vinh Doanh nghiệp Văn hóa tiêu biểu làm cơ sở triển khai Cuộc vận động, đồng thời đưa Cuộc vận động đến khắp 63 tỉnh thành trong cả nước cũng như đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại một số khu vực trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.

Đối tượng mà Ban Tổ chức 248 hướng đến là chính quyền các địa phương với các Sở, Ban, ngành cùng các Hội, Hiệp hội với vai trò làm cầu nối gắn kết, hỗ trợ các doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về ý nghĩa cao đẹp nhưng cũng rất thiết thực của Cuộc vận động, bởi vì phát triển Văn hóa Doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững. Sản phẩm quan trọng nhất trong các hội nghị triển khai là việc ký kết chương trình phối hợp hành động giữa chính quyền các địa phương và Ban Tổ chức 248 với sự phân công nhiệm vụ nhằm thúc đẩy việc triển khai Cuộc vận động tại các doanh nghiệp.

Ngoài ra, nằm trong chiến lược triển khai Cuộc vận động, Ban Tổ chức 248 cũng ký kết hợp tác với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao, các Đại sứ quán, các Hội, Hiệp hội để đưa Cuộc vận động đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt tại các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong tháng 9/2019, chúng tôi đã triển khai Cuộc vận động tới các doanh nghiệp người Việt Nam tại châu Âu nhân Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam toàn châu Âu lần thứ XI tổ chức ngày 13/9/2019 ở Vácsava, Ba Lan, với sự tham dự của 300 đại biểu đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ; Hội nghị triển khai ngày 15/9/2019 tại Cộng hòa Séc thu hút 150 đại biểu doanh nhân Việt kiều. Các sự kiện nói trên đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư chúc mừng.

Hội nghị Triển khai Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực Đồng bằng Sông Hồng.

Đến nay, Cuộc vận động đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các nội dung quan trọng của Cuộc vận động như: coi phát triển Văn hóa Doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp bách để phát triển bền vững, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, đang ngày càng được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý là toàn bộ quá trình triển khai Cuộc vận động với hàng chục sự kiện, tất cả đều được tổ chức với nguồn vốn huy động từ cộng đồng doanh nghiệp, hay nói cách khác là nguồn vốn xã hội hóa mà không hề sử dụng ngân sách Nhà nước. Nó cho thấy các doanh nghiệp và các đối tác đã nhận thức được lợi ích mà Cuộc vận động đem lại, đó là đảm bảo sự phát triển bền vững, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp, vì thế họ sẵn sàng ủng hộ các nguồn lực tài chính cho việc triển khai Cuộc vận động.

Vậy trong năm 2020, Ban Tổ chức sẽ hướng đến những mục tiêu cụ thể nào để Cuộc vận động tiếp tục lan tỏa cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thưa ông?

Ông Hồ Anh Tuấn: Trong năm 2020, Ban Tổ chức Cuộc vận động sẽ tập trung triển khai những phần việc đã ký kết với các tỉnh. Chúng tôi sẽ tập hợp các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nhân, doanh nghiệp có kinh nghiệm để tổ chức các khóa huấn luyện và đào tạo về xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp. Hiểu biết về Văn hóa Doanh nghiệp là một quá trình nhận thức lâu dài, vì thế, muốn Văn hóa Doanh nghiệp trở thành các hành vi ứng xử hàng ngày, đi vào thực tiễn hoạt động thường xuyên bằng các hành động cụ thể, góp phần giúp doanh nghiệp gặt hái thành công thì công tác đào tạo phải được đặt lên hàng đầu.

Ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và ông Trần Hải Linh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) kí kết Kế hoạch phối hợp triển khai Cuộc vận động.

Hiệp hội cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng và ban hành Bộ công cụ đo lường ảnh hưởng của Văn hóa Doanh nghiệp đến kết quả sản xuất kinh doanh, qua đó giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn tác động tích cực của Văn hóa Doanh nghiệp tới việc gia tăng lợi nhuận về lâu dài. Như vậy, chúng tôi sẽ có một chu trình khép kín, gồm triển khai, hướng dẫn xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, đánh giá kết quả đạt được và tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu trong xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp vào Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam (10/11).

Cũng trong năm 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai Cuộc vận động đến với các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh tại khu vực châu Âu đồng thời hướng tới cộng đồng doanh nghiệp Việt tại các nước ASEAN. Đến nay, chúng tôi đã làm việc và đạt được thỏa thuận hợp tác với một số hiệp hội, như: Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản. Khi đưa cuộc vận động ra nước ngoài, chúng tôi nhận thấy cuộc vận động được cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp người Việt đón nhận rất tích cực bởi vì họ không chỉ nhận thấy lợi ích của sự phát triển bền vững mà còn thấy được bản sắc văn hóa Việt Nam – một giá trị, một truyền thống mà họ muốn giữ gìn và làm cho họ gắn bó với quê hương.

Ban Tổ chức Cuộc vận động cũng lên kế hoạch tham gia và đề xuất với các cơ quan có trách nhiệm về việc lập Đề án Xây dựng đội ngũ doanh nhân có năng lực, trình độ, phẩm chất và văn hóa kinh doanh theo tinh thần của các Nghị quyết Trung ương. Đội ngũ doanh nhân này sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế nước nhà.

Vào Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam (10/11) năm 2020, lần đầu tiên Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tổ chức Festival Văn hóa Doanh nghiệp. Sự kiện sẽ trở thành thường niên vào những năm tiếp theo. Đây là sân chơi cho các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân quan tâm đến Văn hóa Doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp. Festival Văn hóa Doanh nghiệp cũng sẽ là dịp để Hiệp hội tổng kết những hoạt động trong năm báo cáo lên Chính phủ, đồng thời đánh giá, bình chọn, khen thưởng và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực Cuộc vận động, có thành tích xuất sắc trong việc triển khai Cuộc vận động.

Đặc biệt, trong năm 2020, chúng tôi sẽ đề xuất tổ chức Diễn đàn “Chính phủ với Văn hóa Doanh nghiệp”. Đây là dịp để Thủ tướng Chính phủ, thường trực Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan đối thoại với các doanh nghiệp của cả nước về Văn hóa Doanh nghiệp, không chỉ để khẳng định lại sức mạnh và lợi ích của Văn hóa Doanh nghiệp mà còn là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành chức năng xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để Cuộc vận động được triển khai một cách bài bản, đồng bộ và có hệ thống.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phát động cuộc thi Tài năng Nghệ thuật doanh nhân nhằm tạo sân chơi để các doanh nhân thể hiện tài năng trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đồng thời tăng cường giao lưu, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, nên việc triển khai Cuộc vận động gặp không ít khó khăn. Vậy, Ban Tổ chức 248 có những giải pháp gì để đưa Cuộc vận động đi vào cuộc sống?

Ông Hồ Anh Tuấn: Đúng vậy, những kết quả đạt được mặc dù đáng ghi nhận, nhưng mới chỉ là những thành công ban đầu. Để việc thực hành Văn hóa Doanh nghiệp đi vào cuộc sống hàng ngày, các khó khăn, thách thức là không nhỏ. Đây cũng là những băn khoăn, trăn trở của chúng tôi. Chúng tôi quan niệm rằng trước tiên cần khai thông vấn đề nhận thức, khi nhận thức đúng thì hành động sẽ đi theo quỹ đạo đó. Vì vậy, trước tiên cần tăng cường tuyên truyền về lợi ích Văn hóa Doanh nghiệp, sau đó là mở các khóa huấn luyện, đào tạo như tôi đã nói ở trên.

Lấy một thí dụ cụ thể: như chúng ta biết, vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp có thể vi phạm các quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh. Vì vậy, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hay các khóa đào tạo về nguyên tắc kinh doanh, trách nhiệm xã hội là rất cần thiết nhằm giúp các doanh nghiệp tự giác tuân thủ pháp luật, ngăn chặn đẩy lùi những mầm mống tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp nào tuân thủ pháp luật, xây dựng được văn hóa kinh doanh sẽ tiến xa, còn ngược lại nguy cơ bị đào thải luôn rình rập. Ở góc độ này, Văn hóa Doanh nghiệp là chuẩn bị cho sự phát triển lâu dài trong tương lai.

Với việc đưa Cuộc vận động ra nước ngoài thì khó khăn chúng tôi gặp phải là vấn đề kinh phí do khoảng cách địa lý xa xôi. Để khắc phục khó khăn này, chúng tôi dự định sẽ soạn thảo các tài liệu tập huấn rồi giao cho đầu mối là các hiệp hội doanh nghiệp tại các nước để triển khai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu sử dụng mạng internet để hướng dẫn, đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp.

Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệpViệt Nam mới triển khai được 3 năm, nhưng sự lan tỏa và sức hấp dẫn của nó đang thu hút cộng đồng doanh nghiệp Viêt Nam tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ. Nhằm nâng cao hiệu quả của Cuộc vận động, bên cạnh những nỗ lực của Hiệp hội và Ban Tổ chức 248, rất cần có sự vào cuộc thực sự của các Bộ, Ngành, địa phương, của toàn xã hội, nhất là các doanh nhân, doanh nghiệp. Trong tương lai, thực thi Văn hóa Doanh nghiệp phải trở thành nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp. Có như vậy, Cuộc vận động mới đạt được mục tiêu đề ra.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Lê Quang

 

 

Chia sẻ
10:26:56 01-01-2020

VHDN: “Sau ba năm triển khai, Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức về tầm quan trọng của Văn hóa Doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi