Được gọi bằng chính biệt danh của họa sĩ “Bình Đen”, triển lãm quy tụ khoảng gần 80 tác phẩm, chủ yếu từ các nhà sưu tập.
Với các chất liệu đa dạng: phấn màu, màu nước, bột màu, mực nho, sơn dầu, sơn mài; đề tài họa sĩ Bình Đen tập trung hướng đến lại ở mảng dân tộc miền núi, vùng cao. Đây là kết quả nhiều năm anh đi thực tế các tỉnh miền núi phía bắc hoặc Tây Nguyên.
Những thiếu nữ sơn cước, những bà mẹ địu con, điểm vào mùa gặt, phút dừng chân bên suối, phút nghỉ ngơi sau phiên chợ… có thể chưa tổng kết đầy đủ được sự nghiệp sáng tác của họa sĩ, song đã biểu hiện thiện cảm của anh với cuộc sống và con người nơi đây.
Họa sĩ dựng lên chân dung các cô gái trong trang phục của dân tộc mình, các bà mẹ địu con trên lưng vẫn cần mẫn làm việc: khâu vá, đi lại, mang gùi giỏ… đều hết sức ấn tượng.
Anh không đi vào tỉ mỉ chi tiết, chủ ý khai thác góc nhìn nghiêng dáng hình hoặc gương mặt, “bắt” lấy nội tâm nhân vật. Thứ nội tâm trong khoảnh khắc vừa tự nhiên, bình dị, vừa rắn rỏi, mạnh mẽ.
Nguyễn Thanh Bình có lẽ đã quan sát đủ lâu, để nắm bắt được nét nội tâm đó. Nhưng cũng đủ khoảng cách để không “đồng hóa” nét riêng bản sắc của họ.
Xem mỗi bức tranh, người ta có cảm giác họa sĩ không phải mẫu người ưa bắt chuyện, làm quen, gần gũi với các nhân vật của mình; nhưng lại thực lòng quý trọng, yêu mến họ. Có lẽ cũng không phải là quá, khi nói, ở một số bức, các nhân vật hiện lên với đầy vẻ kiêu hãnh.
Dù dùng nhiều chất liệu, nhưng đáng nói hơn hết vẫn là chất liệu phấn màu (Pastel) anh sử dụng.
Hòa sắc với nhiều gam trầm nhưng vẫn tôn lên vẻ đẹp của phấn với sự nhẹ, xốp. Nó khiến, một lần nữa, người xem nhận ra, rằng sự mạnh mẽ trong từng nhân vật là từ chính nội tâm sâu thẳm con người họ, chứ không phải thứ họa sĩ thêm vào. Họa sĩ chỉ là người đã nhìn thấy và đủ tài năng để biểu đạt chúng.
Những năm cuối đời, họa sĩ không còn sáng tác nhiều, chỉ thỉnh thoảng để lại một vài bức tranh khi qua xưởng của bè bạn. Có những hộp phấn màu gần như vẫn nguyên vẹn khi anh mất, hoặc hỏng hoặc không còn cơ hội sử dụng.
Nhưng những bức tranh anh để lại, có lẽ cũng chính là một tiếng nói, một cách nói đầy nội tâm, của một con người sâu kín, không dễ chia sẻ, bộc lộ với người khác, dù bè bạn hoặc gia đình.
Và với cách ấy, chúng ta hiểu rằng, nghệ thuật là một sức mạnh, không chỉ là vẻ đẹp.
Theo ND