Sự kiện - chuyên đề:

Trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh Nghệ An

Nơi xoa dịu nỗi đau chiến tranh

VHDN: Xuất phát từ mục tiêu nhằm giúp các đối tượng người có công được phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, Trung tâm Điều dưỡng người có công với cách mạng Nghệ An thuộc Sở LĐ-TB&XH được thành lập từ cuối năm 2005. Hơn một thập kỷ xây dựng và phát triển, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thân quen, ấm áp nghĩa tình, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp đối với các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Đội ngũ nhân viên y tế của Trung tâm luôn tâm huyết, trách nhiệm khi thực hiện các phương pháp chăm sóc. Ảnh: V.D

Xác định công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cho thương bệnh binh và người có công là một công việc mang tính đặc thù, với 57 cán bộ, nhân viên được đào tạo đảm bảo trình độ chuyên môn và y đức, năm 2018, Trung tâm đã tiếp nhận và điều dưỡng 37 đoàn, số lượng 6.796 người; tổ chức tiếp đón gần 150 đại biểu người có công của thành phố Thừa Thiên-  Huế và Lào Cai.

Trong suốt thời gian điều dưỡng, công tác chăm sóc sức khỏe được nghiêm túc triển khai theo quy trình: kiểm tra sức khỏe để lập hồ sơ, phân loại đối tượng và lên phương pháp điều trị, điều dưỡng; thăm khám hàng ngày; cấp phát thuốc đầy đủ; tổ chức xông hơi; hướng dẫn đối tượng tập máy massage, máy vận động trị liệu, vật lý trị liệu; bấm huyệt, bó thuốc bắc, ngâm chân thải độc… Nhìn chung, sau mỗi đợt điều dưỡng, sức khoẻ của người có công đều ổn định tốt. Bác Nguyễn Ngọc Đường ở xóm 10 Nam Cường (Nam Đàn) phấn khởi cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi đến trung tâm, cảm xúc vẫn vẹn nguyên như vậy. Mỗi lần đến đây được gặp đồng đội, chúng tôi đều rất vui mừng, phấn khởi. Điều dưỡng 7 ngày, mỗi ngày đều được các anh chị tại trung tâm chăm lo kỹ từng bữa ăn, giấc ngủ. Lãnh đạo trung tâm thường xuyên thăm hỏi mỗi bữa cơm, nhắc nhở nhân viên điều chỉnh thực đơn cho phù hợp với khẩu vị và sức khỏe của từng người”. Còn với cô Nguyễn Thị Tính, chiến sỹ Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) từ tháng 11/1974, từng bị thương ở đầu (thương binh 4/4) và nhiễm chất độc da cam, con trai thứ hai của cô bị tật bẩm sinh, phải nằm một chỗ. Năm 2017 cô chứng kiến nỗi đau mất hai người con cùng một lúc. “Về nghỉ điều dưỡng tại Trung tâm tôi thấy nơi đây thật ấm tình người. Phong cách phục vụ, thái độ, cử chỉ giao tiếp và sự tận tình của cán bộ, nhân viên ở đây đã phần nào xoa dịu đi những nỗi đau mà tôi đang chịu”.

Ông Đậu Chính Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm trực tiếp hướng dẫn bài tập cho các đối tượng điều dưỡng. Ảnh: Vương Duyên

Cùng với những chăm sóc về mặt vật chất, Trung tâm luôn quan tâm đến nhu cầu chăm sóc về mặt tinh thần của đối tượng. Trung tâm tổ chức cho người có công tham gia hoạt động giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao, nghe nói chuyện thời sự, tham quan du lịch, tư vấn sức khỏe… Tất cả các hoạt động này đều được 100% đối tượng điều dưỡng tham gia, đã tạo cho họ một tinh thần phấn khởi, thoải mái và thể trạng khoẻ mạnh. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng điều dưỡng cho người có công, Trung tâm luôn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp trong khuôn viên. Từng khu sinh hoạt, gồm: nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng, phòng nghỉ… đều được bố trí khoa học, sạch sẽ và ngăn nắp.

Niềm vui, sự hài lòng của người có công trong quá trình điều dưỡng là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm. Bà Nguyễn Thị Lam – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Người có công và gia đình của họ đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Trung tâm luôn ý thức sâu sắc về điều đó và cố gắng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc, điều dưỡng cho đối tượng thương, bệnh binh và người có công”. Phát huy những thành tích đã đạt được, để thực hiện tốt hơn nữa công tác điều dưỡng, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng người có công, năm 2019, Trung tâm đề ra phương hướng nhiệm vụ trọng tâm phấn đấu đón và phục vụ điều dưỡng cho 40 đoàn (8 nghìn lượt người).

Những mất mát của các thương, bệnh binh, người có công trong chiến tranh sẽ khó có thể bù đắp được, nhưng đến với Trung tâm, họ phần nào sẽ được xoa dịu bớt những nỗi đau chiến tranh để lại.

Vương Duyên

Chia sẻ
13:08:29 11-04-2019

VHDN: Xuất phát từ mục tiêu nhằm giúp các đối tượng người có công được phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, Trung tâm Điều dưỡng người có công với cách mạng Nghệ An thuộc Sở LĐ-TB&XH được thành lập từ cuối năm 2005. Hơn một thập kỷ xây dựng và phát […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi