Sự kiện - chuyên đề:

Truyền hình trả tiền: Xu hướng phát triển và những khó khăn

VHDN: Truyền hình là phương tiện thông tin, giải trí và giáo dục. Từ nhiều năm nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nhu cầu của người dân ngày càng đòi hỏi chất lượng hình ảnh, ý tưởng nội dung thu hút,..Để thỏa mãn được những nhu cầu “khắt khe” của người xem thì “Truyền hình trả tiền” được hình thành.

Truyền hình trả tiền (THTT) là dịch vụ truyền hình mà người xem sẽ trả một khoản phí cho các nhà cung cấp dịch vụ để được xem các kênh truyền hình mà họ lựa chọn. Truyền hình trả tiền giúp người xem chủ động hơn trong việc chọn lựa những chương trình để xem theo sở thích của mình. Truyền hình trả tiền có một số dạng như: Truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất (DTT), truyền hình số vệ tinh (DTH), truyền hình Internet,…

Những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường THTT có nhiều. Nhưng trước hết là mối quan hệ giữa các tác nhân trong thị trường (đặc biệt là Chính phủ và các doanh nghiệp công nghệ thông tin) và cơ cấu, động cơ khuyến khích. Chính trị và pháp luật là nền tảng cho sự phát triển kinh tế cũng như là cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ở bất cứ thị trường nào dù là trong nước hay nước ngoài. Luật pháp tác động điều chỉnh trực tiếp đến hoạt động của mỗi doanh nghiệp trong nền kinh tế. Mỗi thị trường đều có hệ thống pháp luật riêng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Luật pháp rõ ràng, chính trị ổn định là môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp viễn thông và truyền hình luôn luôn cần một nền kinh tế ổn định một môi trường pháp luật chặt chẽ, rõ ràng, bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức… Các yếu tố chính có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp viễn thông, như các quy định về thuê mướn, cho vay, an toàn mạng lưới, quảng cáo, vật giá. Nhà nước có tác động đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông, thông qua các  chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển dịch vụ THTT. Nhà nước tạo ra hành lang môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp viễn thông hoạt động, thông qua biện pháp hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông kinh doanh dịch vụ thông tin nói chung, dịch vụ truyền hình nói riêng. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ, thanh tra, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Mặt khác, hoạt động của Chính phủ có thể tạo ra những cơ hội hay thách thức cho doanh nghiệp, như chính sách thuế, chính sách xã hội, hành lang pháp lý…

Truyền hình xuất hiện vào đầu thế kỷ XX và phát triển với tốc độ vũ bão nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, tạo ra một kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội. Truyền hình, từ khi được phát minh, có một vai trò ngày càng quan trọng như là một phương tiện thông tin, giải trí và giáo dục. Từ mầu đen và trắng cho đến khi có đa sắc mầu, truyền hình đã trở thành một nền tảng quan trọng cho con người để thể hiện cảm xúc, miêu tả nghệ thuật, văn hóa và các giá trị, giao tiếp, trao đổi thông tin và phản ánh thực tế sinh động của thế giới. Cùng với thời gian và sự phát triển của con người, việc đòi hỏi phải có một chương trình truyền hình đáp ứng được yêu cầu ngày càng đa dạng và phong phú của khách hàng về thông tin, văn hóa, và giải trí, truyền hình trả tiền đã hình thành và phát triển.

Khi Việt Nam chuyển đổi kinh tế trong những năm qua đã đạt được những thành công tốt đẹp. Bên cạnh việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế liên tục cao, Việt Nam còn là một trong những quốc gia thành công nhất trong lĩnh vực xoá đói, giảm nghèo và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đi đôi với những đổi mới trong hoạt động kinh tế, hệ thống thể chế kinh tế cũng đã có những thay đổi đáng kể; nhờ đó thị trường đã từng bước thay thế các mệnh lệnh hành chính trong việc phân bổ các nguồn lực. Các cá nhân và tổ chức kinh doanh được quyền tự do tham gia vào hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp được đối xử công bằng hơn về thuế, tín dụng, quyền kinh doanh xuất nhập khẩu, quyền đầu tư cung ứng dịch vụ công…

Nhân tố xã hội thường biến đổi hoặc thay đổi dần dần theo thời gian nên đôi khi khó nhận biết nhưng lại quy định các đặc tính của thị trường mà nhà nước cần phải tính đến trong quản lý nhà nước đối với hoạt động THTT cũng như bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải tính đến khi tham gia vào thị trường đó cho dù có muốn sống hay không. Nhân tố xã hội có thể bao gồm: Lối sống, phong tục, tập quán; thái độ tiêu dùng; trình độ dân trí; ngôn ngữ; tôn giáo; thẩm mỹ… Chúng quyết định hành vi của người tiêu dùng, quan điểm của họ về sản phẩm, dịch vụ, chúng là những điều mà không ai có thể đi ngược lại được nếu muốn tồn tại trong thị trường đó.

Truyền hình trả tiền ở Việt Nam xuất hiện muộn hơn so với một số nước phát triển trên thế giới, tuy nhiên nhờ nền kinh tế thị trường phát triển, hội nhập sâu rộng, thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã phát triển vô cùng nhanh chóng và hết sức phong phú, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu người xem truyền hình ở trong nước Tuy nhiên, vẫn mới ở giai đoạn đầu của phát triển, điểm khởi đầu còn thấp so với thị trường truyền hình trả tiền trong khu vực và thế giới. Quy mô và chất lượng của thị trường truyền hình trả tiền còn nhỏ hẹp, thiếu sức cạnh tranh và có dấu hiệu phát triển “nóng”. Truyền hình trả tiền của Việt Nam cũng đang chịu tác động mạnh mẽ từ xu thế phát triển nói chung của khu vực và thế giới, đặc biệt là xu thế phát triển của truyền hình OTT.

Các nội dung riêng, có bản quyền là xu hướng chung và sẽ tạo thương hiệu cho các ứng dụng OTT với các nội dung giải trí phong phú và đa dạng. Điều này sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh, tạo thêm sự lựa chọn và giúp cho người dùng được trải nghiệm các nội dung có chất lượng cao nhất trên OTT. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra chung cho các nhà cung cấp dịch vụ trong mảng này là làm thế nào để phát triển được OTT. Để phát triển dịch vụ OTT thì cần phải vượt qua được các thách thức nhãn tiền như nội dung YouTube miễn phí và không kiểm duyệt; cạnh tranh với các nhà mạng đang làm OTT và đặc biệt là vấn đề vi phạm bản quyền vẫn đang nhức nhối tại thị trường Việt Nam.

Cái khó nhất hiện nay là những bất cập từ quản lý. Những đơn vị có giấy phép phải có kiểm duyệt. Cạnh tranh OTT trong nước và nước ngoài rất khó khăn và không sòng phẳng, đặc biệt là về thuế và kiểm duyệt. Có thể nói cạnh tranh giữa OTT trong và ngoài nước rất khó sòng phẳng so với các lĩnh vực khác. Có những trang web OTT lậu không có bản quyền nhưng lượng người xem rất cao. Vì vậy, để cạnh tranh với OTT lậu trong nước còn khó khăn hơn cạnh tranh với doanh nghiệp OTT nước ngoài. Nếu vấn đề bản quyền không được giải quyết thì doanh nghiệp kinh doanh rất khó phát triển được. Vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách phù hợp đối với việc quản lý cung cấp các nội dung THTT; các doanh nghiệp viễn thông và truyền hình phải tìm hiểu nghiên cứu  kỹ các yếu tố xã hội tại thị trường mới cũng như thị trường truyền thống để từ đó tiến hành phân đoạn thị trường, đưa ra được những giải pháp riêng. Đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Lương Quốc Huy

 

 

16:11:03 17-04-2020

VHDN: Truyền hình là phương tiện thông tin, giải trí và giáo dục. Từ nhiều năm nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nhu cầu của người dân ngày càng đòi hỏi chất lượng hình ảnh, ý tưởng nội dung thu hút,..Để thỏa mãn được những nhu cầu “khắt khe” của […]

Đối tác của chúng tôi