Ảnh minh họa cho bài viết.
Bà ngoại tôi mất vào một ngày giữa mùa mưa. Con đường dẫn vào xứ Ruộng Tre, Long Khánh lầy lội như ruộng mới cày. Chập choạng tối, côn trùng rả rích buồn não ruột. Bà mất giờ thiêng nên đợi khuất mặt trời mới liệm. Người trại hòm hỏi cậu tôi: “Nhà có chút vàng nào không? Không có đi mượn để vào miệng của bà đặng bà còn qua sông”. Cậu tôi nói: “Vàng thì có! Mà sao phải ngậm vàng?”. “Giờ ai cũng làm vậy mà!”. Cậu tôi nạt: “Bậy, đàn bà ngậm 9 hạt gạo, gạo là hạt ngọc của trời, vàng là của cải thế gian, ngọc quý hơn vàng”. Người trại hòm trố mắt nhìn, nhưng cũng làm theo ý cậu tôi. “Gạo là hạt ngọc của trời”, câu nói của cậu khiến nhiều người giật mình. Giữa không khí u buồn ấy, tôi nhớ lại câu chuyện về “hạt ngọc của trời” từ hai bữa cơm trắng.
Bữa cơm trắng thứ nhất
Năm 1972, ở quê tôi bom rơi đạn nổ, hai bên “cài răng lược” đánh nhau liên miên, người chết như rạ. Hôm ấy, sau khi vác cuốc giúp bà con chôn những người chết, ông tôi về ngồi xé thuốc lá Cẩm Lệ hút cả đêm. Trời mờ sáng, ông bà lôi ba đứa cháu mồ côi dậy và dẫn đi cùng với bao tải đựng mấy bộ quần áo rách kèm mớ khoai lang luộc. Những phận đời buồn bã, lặng lẽ, rời rạc, mắt nhắm, mắt mở, lội trên cánh đồng ngập mùi tử khí, băng qua bom đạn, chạy khỏi vùng chiến sự Đức Dục. Chúng tôi vất vưởng bên hè phố Đà Nẵng, ăn khoai lang cầm hơi. Lúc ấy, bất ngờ một người đàn bà đẹp, rất đẹp và sang trọng, bước xuống từ xe hơi mời gia đình chúng tôi vào nhà. Chúng tôi rụt rè bước qua cánh cổng đồng sáng bóng có dòng chữ vừa tầm mắt: “Văn phòng luật sư Mai Thị Thúy”. Vào nhà, chị giục người nhà dọn cơm. Trời ơi! Nồi cơm trắng thơm phức, lâu rồi tôi chưa được ăn cơm trắng… Luật sư Thúy trìu mến nhìn chúng tôi cắm cúi ăn.
Bữa cơm trắng thứ hai
Tôi lưu lạc vào miền Nam năm 1975, bà tôi bán lén, bán lút mấy chỉ vàng để dành từ trước mua gạo nấu bữa cơm, bữa cháo được hai năm, đến khoảng năm 1977-1978 thiếu ăn, gia đình tôi ăn củ mì Ấn Độ của hợp tác xã bán tem phiếu, ăn vào say chí tử. Tôi thi vào Trường Trung học Sư phạm Bà Rịa, tưởng sẽ có những bữa ăn khá hơn, ai dè vẫn mì (sắn) nhưng là bột mì nắn thành bánh to như hai bàn tay, luộc lên chỉ chín lớp bên ngoài. Đám học sinh gặm vài vòng lòi bột sống ra, chúng tôi gọi đó là “bánh xe lịch sử”. Bữa nào khá hơn thì ăn bo bo, chúng tôi gọi là “bom bi”. Cuối cùng, những “giáo chức tương lai” sau ba năm đánh vật với những thức ăn “khủng khiếp” ấy cũng ra trường. Tôi được điều về dạy học dưới chân núi Chứa Chan. Ngôi trường lá ọp ẹp, gió cuốn bụi mù. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Minh Đức đón chúng tôi về nhà. Nhìn đống rơm mới tỏa hương thơm lừng, nhớ mùi cơm, tôi cồn cào ruột gan. Vào nhà chào hỏi xã giao vài câu thì cô giáo Dung – vợ thầy Đức bưng lên nồi cơm trắng cùng với thức ăn. Chị nói: “Nhà mới gặt xong, chị mời mấy em bữa cơm gạo mới”. Tôi chăm chăm nhìn vào nồi cơm trắng. Chị Dung ngồi bên xới cơm cho các thầy giáo trẻ, nhìn chúng tôi ăn mà mắt chị đỏ hoe.
Bây giờ luật sư Thúy lưu lạc nơi nào không rõ, chị Dung vẫn còn dạy học ở ngôi trường dưới chân núi Chứa Chan (Xuân Thọ, Xuân Lộc, Đồng Nai). Cổ tay tròn lẳn, hạt cơm trắng muốt, đôi mắt chứa chan tình cảm của chị Dung và đôi mắt trìu mến của luật sư Thúy cùng hai bữa cơm trắng ấy mãi mãi trở thành hành trang quý báu trong hành trình làm người đầy nhọc nhằn của tôi. Dù cuộc sống hiện tại đã khá hơn, tôi từng có những lúc tiêu tiền cho những bữa nhậu bằng cả tạ gạo, nhưng hễ thấy ai đổ đi những hạt cơm nguội thừa là lòng tôi lại quặn thắt. Sao nỡ đổ đi những “hạt ngọc của trời”?!
Nguyễn Một
VHDN: “Gạo là hạt ngọc của trời”, câu nói của cậu khiến nhiều người giật mình. Giữa không khí u buồn ấy, tôi nhớ lại câu chuyện về “hạt ngọc của trời” từ hai bữa cơm trắng. Bà ngoại tôi mất vào một ngày giữa mùa mưa. Con đường dẫn vào xứ Ruộng Tre, Long […]