Nghệ nhân ưu tú Đỗ Thị Vui, cái tên không còn xa lạ với những ai yêu mến văn hóa tâm linh Việt, bà sinh năm 1957 tại thôn Đỗ Thượng, xã Quang Vinh (Ân Thi, Hưng Yên cũ), bà lớn lên trong một gia đình thuần nông, cần cù, nề nếp, đặc biệt có truyền thống yêu nước, phụng sự dân tộc. Chính gốc gác đó đã hun đúc nên một con người mẫu mực, giàu bản lĩnh và luôn hướng về cội nguồn, về văn hóa dân tộc với tất cả lòng thành kính.
Bố của bà là một cựu chiến binh từng trưởng thành qua cả hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông là một người đàn ông bình dị nhưng cương trực, sống mẫu mực, là tấm gương lớn về lòng yêu nước, tinh thần hy sinh và phẩm giá người lính, mẹ bà là người phụ nữ nông thôn thuần hậu, giỏi chăm lo việc nhà và đặc biệt khéo léo trong cách nuôi dạy con cháu. Chính từ cái nôi gia đình ấy, bà Vui lớn lên trong tình yêu thương, kỷ cương và lòng tự hào về cội nguồn. Điều khiến bà Vui luôn tự hào không chỉ là mảnh đất quê hương Quang Vinh, một vùng quê văn hóa, có tới hơn 90% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” mà còn là truyền thống cách mạng sáng chói của dòng họ Đỗ, nơi bà sinh ra.
Nghệ nhân Đỗ Thị Vui, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Đạo Mẫu Việt Nam.
Nhà thờ họ Đỗ tại thôn Đỗ Thượng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia (được công nhận năm 1994), là nơi lưu giữ ký ức vẻ vang của một dòng họ có công lớn với đất nước. Năm 1946, nhà thờ họ Đỗ được Tổng bộ Việt Minh tặng thưởng một đồng tiền vàng của Bác Hồ và Bằng khen của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với nhiều giá trị, nhà thờ họ Đỗ được xếp hạng là Di tích Lịch sử và Nghệ thuật cấp quốc gia theo QĐ số 2311- QĐ/BT ngày 12/12/1994 của Bộ Văn hóa thông tin, ghi nhận công lao đóng góp vào sự nghiệp cách mạng. Bà Đỗ Thị Vui sinh ra trong một gia đình truyền thống và lớn lên trong một vùng đất linh thiêng, nghệ nhân Đỗ Thị Vui như được định sẵn sẽ gắn đời mình với những giá trị văn hóa phi vật thể. Từ năm 1978, bà bén duyên với đạo Mẫu, một nét đặc sắc trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đến nay, gần 50 năm phụng sự Phật Thánh, bà đã trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu của cộng đồng thanh đồng cả nước.
Hiện bà đang là Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam, đồng thời cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đạo Mẫu Hà Nội, trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Bà là thủ nhang của hai bản đền: Đền Thiên Tiên Thánh Mẫu Linh Từ tại số 6, ngõ 260/1 phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội cũ) và đền tại quê hương (thôn Đỗ Thượng, xã Quang Vinh, Hưng Yên. Dưới sự truyền dạy và dìu dắt của bà, hiện nay đã có hơn một nghìn con nhang đệ tử gắn bó trong tinh thần đoàn kết, nghi lễ chuẩn mực, đạo đức thanh đồng đúng nghĩa.
Không chỉ cống hiến về mặt tinh thần, bà Vui còn là người âm thầm đóng góp về vật chất. Cho đến nay, bà đã cùng anh em bản hội tham gia xây dựng, trùng tu nhiều ngôi đền, đình chùa, miếu mạo trên khắp cả nước với số tiền lớn. Điển hình như công trình văn hóa tâm linh Thủy Trung Tiên (hồ Trúc Bạch, Hà Nội) hay như công trình ở Hòa Bình (Vĩnh Phúc cũ), và những chuyến đi cứu trợ đồng bào gặp thiên tai bão lụt… Những hoạt động đó là Tâm và Đức của nghệ nhân Đỗ Thị Vui, tất cả đều xuất phát từ lòng thiện nguyện và mong muốn bảo tồn không gian tín ngưỡng cho cộng đồng.
Nghệ nhân Đỗ Thị Vui trong một giá hầu Cô Chín.
Điều đặc biệt đáng quý là truyền thống ấy đang được kế thừa và phát triển trong chính gia đình bà. Hiện tại hơn 10 người trong dòng tộc, từ con trai con dâu, anh, em, đến các cháu nội ngoại đều đang được bà truyền nghề để nối tiếp con đường phụng sự đạo Mẫu. Đặc biệt, cháu trai của bà mới 13 tuổi, sẽ chính thức ra hầu đồng vào năm tới. Đó là minh chứng sống động cho một gia đình văn hóa, tâm linh, nơi truyền thống được nuôi dưỡng và gìn giữ từ đời này sang đời khác.
Không chỉ trong nước, bà Đỗ Thị Vui còn nhiều lần đại diện cho cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam mang nghi lễ hầu đồng đi biểu diễn giao lưu văn hóa tại nhiều quốc gia như: Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức… Các buổi biểu diễn của bà và đoàn đều được đánh giá cao bởi tính chuẩn mực, chiều sâu tâm linh và đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Với những đóng góp không mệt mỏi của mình, nghệ nhân Đỗ Thị Vui đã được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan, tổ chức. Năm 2015 bà được vinh danh là Nghệ nhân Dân gian. Sau đó bốn năm, vào năm 2019, bà tiếp tục được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Những giải thưởng đó không chỉ là niềm vinh dự cá nhân mà là còn là sự ghi nhận cho hành trình gìn giữ, lan tỏa văn hóa dân tộc suốt bao năm qua.
Trong thời đại hội nhập, khi các giá trị truyền thống đang đứng trước nhiều nguy cơ mai một, thì những con người như bà Đỗ Thị Vui – một nghệ nhân tận tụy, một nhà văn hóa tâm linh mẫu mực, chính là biểu tượng đẹp đẽ, là cầu nối bền vững để đưa di sản văn hóa tín ngưỡng của dân tộc tiếp tục được bảo tồn, phát triển và vươn xa.
Dương Thùy
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2025)
VHDN: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước tại xã Quang Vinh (Ân Thi, Hưng Yên), nghệ nhân ưu tú Đỗ Thị Vui không chỉ kế thừa tinh thần cách mạng kiên trung từ dòng họ Đỗ mà còn trở thành người gìn giữ, phát huy […]