Từ quy định “đánh đố” doanh nghiệp

Câu chuyện về Asanzo vẫn dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài Viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, khái niệm gốc của xuất xứ hàng hóa không phải là quy định của Luật Ngoại thương mà nó là Luật Thương mại điều 3.14 năm 2005 định nghĩa, đối với trường hợp nhập nguyên liệu, nhập bộ phận, nhập chi tiết thì xuất xứ là nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng.

“Đơn cử, chỉ một quy định: “Chế biến công đoạn cuối cùng” cũng đã tạo rào cản, bế tắc không vượt qua được. Hàng xuất khẩu vướng ít, thậm chí là không vướng. Tuy nhiên, với hàng nội địa, luật pháp quy định có tính chất đánh đố doanh nghiệp. Nếu nói nặng là kiểu gì cũng chết, nói nhẹ thì kiểu gì cũng vướng, nói vừa vừa thì kiểu gì cũng sai.

Luật nghe thì rất hay, chuẩn mực, hùng hồn nhưng đi sâu vào là không ổn. Lúc đầu bản thân tôi cũng phản đối rất nhiều liên quan đến Asanzo, tuy nhiên tôi càng đọc kỹ, suy ngẫm, đã xem lại thì cái sai chính lại không nằm ở doanh nghiệp”, ông Đức nói.

Bộ Công Thương đang soạn thảo quy định về vấn đề này.

Bộ Công Thương đang soạn thảo quy định về vấn đề này.

Một lãnh đạo của Bộ Công Thương khi trao đổi với báo giới cũng từng cho rằng, Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về việc xác định tỷ lệ hàng hóa như thế nào được coi là hàng hóa xuất xứ Việt Nam hoặc hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, Bộ Công Thương đang soạn thảo văn bản quy định về việc thế nào là hàng hoá sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên dư luận đặt câu hỏi về quy định cụ thể về hàng “Made in Vietnam”.

Ngay sau vụ Khaisilk, từ năm 2018 Bộ Công Thương đã bắt tay xây dựng một bộ quy định về việc hàng hóa thế nào thì được coi là “sản xuất tại Việt Nam” để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Tuy nhiên đến nay, khi mà vụ Asanzo “lộ diện” thì vẫn chưa có ai thấy được “mặt mũi” của những quy định cụ thể về hàng “Made in Vietnam”.

Tới tiêu chí cho “Made in Việt Nam”…

Theo các chuyên gia, việc lấp khoảng trống pháp lý và sự hiểu biết thế nào là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ được xem như là yêu cầu sống còn của các quốc gia trong việc bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ doanh nghiệp.

Nói như Luật sư Trương Thanh Đức, việc xây dựng quy định “sản xuất tại Việt Nam” không chỉ vì người tiêu dùng trong nước mà còn vì các doanh nghiệp.

“Nếu chậm thì dẫn tới hậu quả là doanh nghiệp làm kiểu gì cũng sai. Người tiêu dùng và cơ quan quản lý thấy cái gì cũng không hợp lý. Phải cấp bách, làm nhanh, không thể chần chừ vì còn chần chừ, chậm trễ, không thể chờ đợi được nữa”, luật sư Trương Thanh Đức đưa ra quan điểm.

Cùng góc nhìn với ông Đức, bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa, trong khi cơ quan quản lý đang nợ một văn bản pháp lý thế nào là “Made in Vietnam”, doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất hàng hóa và ghi nhãn “Made in Vietnam” không vi phạm quy định pháp luật.

“Điều cần quan tâm là người tiêu dùng đánh giá chất lượng hàng hóa đó như thế nào”, bà Thùy nói.

Theo Enternews