Sự kiện - chuyên đề:

Ứng dụng kinh tế tuần hoàn – nhìn từ hệ thống các Trang Trại Bò Sữa của Vinamilk

Vấn đề về bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững luôn được Vinamilk xem là chiến lược quan trọng. Vì vậy, nhiều năm qua, “ông lớn” ngành sữa Việt đã tiên phong vận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào chính hệ thống trang trại chăn nuôi bò sữa nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng bền vững…

Nếu mô hình kinh tế cũ trước đây chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Hiểu nôm na, doanh nghiệp ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nghĩa là doanh nghiệp đó đã tận dụng tài nguyên bằng nhiều hình thức như sửa chữa, tái sử dụng, tái chế và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê.

Sự khác nhau giữa mô hình kinh tế cũ (kinh tế tuyến tính) và mô hình kinh tế tuần hoàn

Tại Vinamilk, những quy trình tưởng chừng có vẻ “vĩ mô” ấy đã được áp dụng từ nhiều năm qua, tại chính các trang trại bò sữa. Họ đã ứng dụng vòng tuần hoàn xanh ấy thế nào?

Chăn nuôi hữu cơ

Tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi hữu cơ từ năm 2016, Vinamilk không ngừng mở rộng hành trình tiến về phía thiên nhiên. Tính đến hết năm 2019, tổng diện tích đồng cỏ chăn nuôi hữu cơ của Vinamilk đã tăng lên 10 lần so với năm 2016, với hơn 432 ha đồng cỏ và 198,4 ha chuyển đổi.

Một điểm đáng lưu ý, tại các trang trại bò sữa của Vinamilk, tuyệt đối không sử dụng hóa chất trong thức ăn và thức uống của gia súc; không sử dụng thuốc trừ sâu bọ, không dùng hóa chất để bón trên cánh đồng thức ăn thô xanh; không nuôi lớn đàn bò bằng kích thích tố tăng trưởng nhân tạo; kiểm soát hàm lượng nitơ bón cho đất theo yêu cầu của tiêu chuẩn Organic – EU; Trồng luân canh để cải tạo đất ở các trang trại hữu cơ.

Trang trại bò sữa hữu cơ của Vinamilk tại Đà Lạt

Trang trại cũng tuyệt đối không sử dụng các chất biến đổi gen. Nguồn sữa hữu cơ nguyên liệu từ trang trại hoàn toàn không có dư lượng kháng sinh và không có hormone tăng trưởng.

Ở các trang trại hữu cơ, bò được chăn nuôi tự do, hệ thống chuồng trại mở và được cho ăn thức ăn hữu cơ. Tại Trang trại Organic Vinamilk Đà Lạt, bò hoàn toàn được tự do lựa chọn cho việc ra đồng cỏ, sân chơi khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên khi trời mưa, nắng nóng thì bò cũng có thể tự do trở về chuồng nơi được trang bị hệ thống làm mát vận hành hoàn toàn tự động, nệm nằm êm như khách sạn để nghỉ ngơi…

Vườn cây thuốc nam tại trang trại hữu cơ Vinamilk Đà Lạt

Ngoài tuân thủ hệ tiêu chuẩn quốc tế, trong quá trình xây dựng, trang trại bò sữa Organic của Vinamilk đã nghiên cứu lựa chọn các cây trồng và con giống tự nhiên có khả năng kháng bệnh tốt với điều kiện đặc thù của địa phương. Ngoài ra, thực thi việc tối đa hóa nguồn phân hữu cơ sử dụng cho đất, Vinamilk đã ứng dụng đa dạng các kỹ thuật canh tác tiên tiến tại các trang trại của mình, trong đó, canh tác nông nghiệp theo công nghệ Nhật Bản mang lại nhiều lợi ích cho đất, giúp phát triển vi sinh vật có lợi tăng độ màu mỡ.

Tiết kiệm năng lượng

Để hạn chế tối đa việc sử dụng năng lượng điện năng, Vinamilk đã đầu tư nâng cấp hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED cho tất cả chuồng trại và nhà xưởng mới xây dựng. Hệ thống đèn chiếu sáng trong chuồng được cài đặt hoàn toàn tự động theo giờ hoạt động của bò trong từng chuồng. Đồng thời, Vinamilk cũng đang lên kế hoạch triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống chiếu sáng dùng đèn LED thay thế đèn Cao áp ở các chuồng trại.

Việc đầu tư này theo đánh giá là giúp giảm lượng điện tiêu thụ đáng kể so với các loại đèn compact thế hệ trước; đáp ứng cường độ chiếu sáng đảm bảo hoạt động của bò và an toàn lao động. Chưa kể, độ bền và tuổi thọ đèn cao cũng giúp tiết giảm chi phí đầu tư.

Song song đó, Vinamilk cũng triển khai định hướng đầu tư xanh, thiết bị cơ giới, thiết bị điện công suất lớn trang bị, đầu tư mới trong 2019 đều ưu tiên công nghệ và động cơ thế hệ mới, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt… Đặc biệt, mới đây hệ thống năng lượng mặt trời trên mái chuồng bò đã được lắp đặt thử nghiệm và sử dụng tại Trang trại Organic Đà Lạt với công suất thiết kế là 40kWp.

Hệ thống điện mặt trời tại trang trại của Vinamilk

Kết quả thử nghiệm cho thấy hệ thống mang lại nguồn điện lớn cho trang trại, giảm đáng kể chi phí và góp phần giảm lượng CO2 thải ra môi trường (Tổng điện năng tái tạo 58.954 kWh; lượng CO2 giảm thiểu: 33.426.943 kg). Đây là bước đầu trong việc triển khai mở rộng dự án năng lượng này trong hệ thống các trang trại. Theo đó, Vinamilk đang hoạch định kế hoạch triển khai diện rộng trong lộ trình 5 năm tiếp theo.

Biến chất thải thành… tài nguyên

Vòng tuần hoàn nông nghiệp xanh của Vinamilk với trọng tâm là công nghệ Biogas đã mang đến lợi ích đáng kể về kinh tế, về năng lượng tái tạo, tái sử dụng và giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2. Từ chất thải gia súc biến thành phân bón cho cây trồng, đồng cỏ và đun nóng nước dùng trong các hoạt động của trang trại – hệ thống Biogas là điểm sáng đáng ghi nhận trong nỗ lực triển khai kinh tế tuần hoàn tại Vinamilk.

Hệ thống Biogas được đưa vào sử dụng tại các trang trại bò sữa của Vinamilk

Cụ thể, hệ thống đun nước nóng sử dụng Biogas được nghiên cứu và đầu tư thử nghiệm đầu tiên tại Trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh. Sau thời gian thử nghiệm, hệ thống hoạt động rất hiệu quả, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa giảm chi phí năng lượng tiêu thụ, hiệu suất cao. Đặc biệt, hệ thống thu nhận biogas tận dụng như nhiên liệu, có thể cung cấp nước nóng lên đến 90 độ C với tổng công suất thiết kế 11,6 m3 nước nóng/h tại tất cả các trang trại.

“Resort” bò sữa của Vinamilk trại Tây Ninh

Ngoài các khía cạnh trên, các yếu tố còn lại như: Phúc lợi đàn bò tốt; Tuần hoàn tái sử dụng nước thải; và Quản lý nguồn đất bền vững; cũng được Vinamilk vận dụng tốt để làm nên một “vòng tuần hoàn xanh trong nông nghiệp” – một mô hình kinh tế tuần hoàn đáng để học hỏi, vận dụng.

Có thể nói, trong giai đoạn khó khăn vì bệnh dịch Covid-19 như hiện nay, doanh nghiệp thực hành theo mô hình này sẽ có khả năng duy trì được sự ổn định trong sản xuất và có khả năng vượt qua khủng hoảng để phát triển, từ đó góp phần ổn định nền kinh tế đất nước vì “Bản chất của nền kinh tế tuần hoàn chính là tái sử dụng các phụ phẩm trong sản xuất thành nguyên liệu mới, thay vì tìm kiếm và khai thác tài nguyên thiên nhiên”.

Chưa kể, lợi ích của kinh tế tuần hoàn, là giúp giảm chi phí điều hành doanh nghiệp; tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu; giảm thiểu rủi ro về khan hiếm tài nguyên và biến động giá cả hàng hóa; giải quyết lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội; thúc đẩy sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, từ đó tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước… đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được; như chính cách mà “ông lớn” ngành sữa là Vinamilk đang vận dụng.

Theo danviet

Chia sẻ
14:02:33 03-09-2020

Vấn đề về bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững luôn được Vinamilk xem là chiến lược quan trọng. Vì vậy, nhiều năm qua, “ông lớn” ngành sữa Việt đã tiên phong vận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào chính hệ thống trang trại chăn nuôi bò sữa nhằm hướng […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi