Siêu bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đang hướng vào một số địa phương miền Bắc với cường độ rất mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 10 giờ ngày 6/9, vị trí tâm bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 105km, cách Quảng Ninh khoảng 550km.
Sức gió mạnh nhất cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Trước diễn biến phức tạp của bão, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024.
Chủ động thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng đã khẩn trương triển khai các biện pháp phối hợp ứng phó bão số 3.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các địa phương, thông tin, tuyên truyền cho khách du lịch khẩn trương di chuyển về nơi an toàn; liên tục thông tin, động viên tàu thuyền trở về bờ.
Đặc biệt, thông tin tới các âu tàu bố trí điểm neo đậu cho các tàu trở về muộn, đảm bảo tất cả có nơi neo đậu an toàn.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, lực lượng này đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 51.319 tàu cá với gần 219.913 người; trong đó, có 1.543 tàu với 10.045 người đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ. Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.
Đại diện Bộ Quốc phòng cũng đề nghị chính quyền các địa phương tuyến đảo, ven bờ vận động toàn bộ du khách lưu trú khẩn trương về bờ; sơ tán toàn bộ người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản về nơi an toàn; thông tin tới các âu tàu bố trí vị trí sắp xếp toàn bộ tàu thuyền neo đậu an toàn.
Đây là những vấn đề liên tục được nhắc tới trong các cơn bão trước đây nhưng vẫn xảy ra những thiệt hại đáng tiếc.
Các lực lượng quân đội tại địa phương cũng đang tích cực các triển khai công tác ứng phó bão cùng lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh yêu cầu cơ quan, đơn vị duy trì lực lượng ứng trực 100% đối với lực lượng vũ trang, sẵn sàng phương tiện cơ động khi có tình huống.
Hệ thống kho tàng, doanh trại được kiểm tra thường xuyên, hệ thống thông tin được trang bị đầy đủ, bảo đảm liên lạc thông suốt. Các cơ quan, đơn vị hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn về lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động ứng cứu, khắc phục, xử lý tình huống xảy ra. Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức bắn pháo hiệu báo bão kêu gọi, thông báo cho tàu, thuyền về nơi tránh trú bão.
Các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình đã phát lệnh ứng trực 100% quân số, đồng thời tổ chức báo động kiểm tra trang bị, phương tiện chống bão, sẵn sàng cơ động cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Lực lượng dân quân cơ động và dân quân tại chỗ hoàn thành việc kiểm tra đánh giá các điểm đê, kè, xung yếu báo cáo về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Cơ quan tác chiến luôn theo dõi cập nhật những diễn biến mới nhất của bão để kịp thời có công điện yêu cầu các đơn vị lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch hiệp đồng.
Cũng trong ngày 5/9, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có công điện gửi các tổng cục, quân khu, quân chủng, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quân đoàn, binh đoàn, binh chủng, học viện, nhà trường, các tổng công ty: Đông Bắc, Lũng Lô, 319, 789… về việc thực hiện Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3.
Theo đó, công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của bão, mưa lũ; kiểm tra, bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng, các công trình đang thi công; bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão số 3 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, sau 10 năm, Đồng bằng sông Hồng lại đón 1 cơn bão lớn.
Đường đi bão ổn định, dự báo của các cục đều trùng khớp về cường độ, mức độ cảnh báo rủi ro. Đặc biệt, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lại là khu trung tâm của kinh tế, công nghiệp,… Vì vậy, đề nghị các cơ quan và đơn vị cần hành động nhanh chóng và chuẩn bị tốt để ứng phó kịp thời với tình hình bão.
Ngày 6/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng đoàn công tác đi kiểm tra công tác ứng phó siêu bão số 3 tại Nam Định, Thái Bình, đưa ra công tác ứng phó, các chính sách hỗ trợ khi cần thiết. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các bộ, ban, ngành sẽ cùng nhau vượt qua bão số 3 và có thể củng cố tốt lực lượng để ứng phó với các cơn bão tiếp theo.
“Với cường độ gió mạnh như dự báo thì sức tàn phá của bão số 3 sẽ rất lớn. Do đó, phải đặt ra các kịch bản khác nhau, không chờ công điện chỉ đạo từ trên, các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, chỉ đạo hoạt động sinh sống và sản xuất của người dân. Hy vọng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, chúng ta sẽ vượt qua bão số 3 an toàn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Hiện 4 cảng hàng không khu vực phía Bắc đã được Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay. Cụ thể, tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 4-16 giờ ngày 7/9/2024.
Tại Cảng hàng không Cát Bi tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 5-16 giờ ngày 7/9/2024. Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 10-19 giờ ngày 7/9/2024. Tại Cảng hàng không Thọ Xuân ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 12-22 giờ ngày 7/9/2024.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm thông báo tin tức hàng không phù hợp theo quy định hiện hành và điều hành bay đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Đối với Cảng vụ hàng không miền Bắc, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu cảng vụ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn khai thác tại các cảng hàng không theo quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang, tùy thuộc vào diễn biến của bão số 3, ngành Giao thông vận tải sẽ có phương án cụ thể chằng, buộc, gia cố tại các công trình đang thi công; hiện Ngành đã lên phương án ứng phó sau khi bão tan.
Với lĩnh vực hàng hải, Cục trưởng Cục Hàng hải đã đi kiểm tra một loạt các tỉnh ven biển khu vực phía Bắc nhằm phối hợp địa phương, lên kịch bản cấm biển, cũng như chốt chặn các tàu xa.
Nguồn: Báo Công lý
Chủ động thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng đã khẩn trương triển khai các biện pháp phối hợp ứng phó bão số 3. Lực lượng Biên phòng Cô Tô giúp người dân di chuyển đồ đạc về nơi an toàn. (Ảnh: TTXVN phát) Siêu bão số 3 (tên […]