Nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa ban hành công văn 3976/UBND-TN hướng dẫn thực hiện xử lý một số hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và sẽ áp dụng vào ngày 1/7 tới.

Từ 1/7/2019, nhiều hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường sẽ bị phạt nặng. Ảnh: PĐ.

Từ 1/7/2019, nhiều hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường sẽ bị phạt nặng. Ảnh: PĐ.

Theo đó, xử phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng hành vi vứt, thải, bỏ đầu mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt 1-3 triệu đồng hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt 3-5 triệu đồng hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt 5-7 triệu đồng hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị…

Ngoài ra, hành vi chôn lấp, đổ, thải, tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp trái với quy định về bảo vệ môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; xem xét tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tính theo khối lượng đổ thải và mức độ nguy hại của chất thải.

Thật ra, trước khi ban hành công văn 3976, đã có nhiều văn bản quy định về xử phạt hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường vẫn chưa thực sự được vận dụng mạnh mẽ vào thực tế. Chẳng hạn Nghị định 155 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ tháng 2/2017, nhưng đến nay vẫn còn khá mới mẻ, lạ lẫm với người dân, thậm chí còn “lờ mờ” với một số cán bộ quản lý nhà nước.

Chỉ đến khi “ngày chủ nhật xanh” chính thức phát động thì phong trào bảo vệ môi trường dường như mới được thấm dần trong suy nghĩ của từng cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn tỉnh. Tất cả nhằm mục tiêu đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị và khu vực nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, không rác thải hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

Tuy không phải là mới, nhưng việc làm của Chính quyền Thừa Thiên – Huế là hợp lý, hiện thực hóa chính sách, thể hiện quyết tâm lớn trong nỗ lực giành lại sự trong sạch cho môi trường sống.

Nói vậy bởi, chúng ta đang ở trong thời kỳ của chủ nghĩa tiêu dùng với thói quen dùng – vứt. Nhưng mọi người hầu như không để ý cái túi ni-lông họ dùng vài phút để mang hàng từ siêu thị về nhà rồi bỏ vào thùng rác sau đó nó sẽ đi đâu. Nó sẽ tồn tại hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Nên, chỉ riêng vấn đề rác thải, ngoài việc vứt rác bừa bãi, việc lạm dụng và xả bao bì ni-lông ra các dòng kênh, cống rãnh, sông hồ đang là vấn nạn mà không chỉ địa phương đang đối mặt, mà nó là vấn nạn chung của nhiều địa phương.

Điều cần làm tận gốc là thay đổi thói quen tiêu dùng, hi sinh sự tiện dụng nhất thời. Mọi thứ đều phải bắt đầu từ sự thay đổi của chính bản thân mỗi người. Ý thức của người dân trong việc sống thân thiện với môi trường cũng được nâng lên, trở thành thói quen, nếp sống tốt trên cơ sở những mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường, cần duy trì và mở rộng thực hiện các chương trình, phong trào như xây dựng khu dân cư kiểu mẫu xanh, sạch, đẹp; thu gom rác thải, trồng cây xanh; ngày chủ nhật xanh..v..v.

Có thể, việc xử phạt vi phạm hành chính ban đầu triển khai sẽ có sự chệch choạc, nhưng có làm mới thấy được tồn tại, hạn chế để khắc phục, sửa đổi, hoàn thiện hơn. Và có thực hành việc xử phạt, người dân mới không bị “nhờn” luật, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử có văn hoá với môi trường sống và tôn trọng mọi người xung quanh.

Vấn đề ở chỗ, không thể có thay đổi nào nếu không có sự cam kết cá nhân của người lãnh đạo. Tức là, muốn thực hành luật tốt thì phải bỏ được tư tưởng “luật cho dân, lệ cho quan”.

Theo enternews