Sự kiện - chuyên đề:

Vai trò của văn hóa trong thắng lợi Cách mạng tháng tám

VHDN: Cách mạng tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại sâu sắc, phong phú. Tìm hiểu đặc trưng của Cách mạng tháng Tám từ góc độ văn hóa giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của văn hoá trong thắng lợi của cuộc cách mạng và rút ra những bài học lịch sử quý giá.

Anhr tư liệu

Qua các tư liệu, tài liệu, hình ảnh của Cách mạng tháng Tám năm 1945, có thể thấy những giá trị văn hóa đã được khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy trong quần chúng Nhân dân, trước hết và quan trọng nhất, đó là lòng yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, ý chí quyết tâm tự giải phóng mình. Không phát huy được giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời và quý báu này sẽ không có thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. GS. Trần Văn Giàu kể lại “khi những toán quân Anh đầu tiên tới Sài Gòn thì chúng nó và lũ thực dân Pháp theo sau được “chào mừng” bằng cách cho chúng chứng kiến tận mắt cuộc biểu tình đông hơn một triệu nhân dân hoan hô nước Việt Nam tự do và độc lập ra đời… thề quyết tâm bảo vệ độc lập, thống nhất mới giành lại được, “Độc lập hay là chết” – khẩu hiệu hô lên từ lồng ngực của hàng triệu người dân thường chắc đã cảnh cáo những ai muốn xâm chiếm Việt Nam một lần nữa”.

Một điều kỳ lạ rằng, thời đó, phương tiện thông tin cực kỳ hạn chế, đất nước kéo dài khoảng 2.000 km mà sao lực lượng nổi dậy lại đồng loạt, trật tự, tự giác đến vậy? Chỉ một lời kêu gọi, hiệu triệu nhưng cả nước cùng vùng lên. Cái gì tạo nên sức mạnh đó, chỉ có thể lý giải nó bằng việc khẳng định rằng, các giá trị tiềm ẩn trong quần chúng đã được phát huy cao độ nhất, đó là tính chủ động, tự lực, tự cường, sáng tạo. Không một chút gán ghép gượng ép, đó chính là những giá trị văn hóa tiềm tàng trong hàng triệu “dân thường” (chữ dùng của GS. Trần Văn Giàu) được khơi dậy mãnh liệt trong một cao trào cách mạng hợp lòng dân. Nếu thử so sánh với khởi nghĩa Yên Bái của quốc dân Đảng do nhà yêu nước Nguyễn Thái Học lãnh đạo, ta sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng. Khởi nghĩa đó chỉ của những người trong quốc dân Đảng, hầu như không có quần chúng đông đảo tự giác, tự nguyện đi theo. Đó là lý do sâu xa dẫn tới thất bại đau đớn của cuộc khởi nghĩa. Ngược lại, Cách mạng tháng Tám mang tính nhân dân sâu sắc, đó không phải cuộc nổi dậy đơn độc của Đảng mà của hàng triệu quần chúng mang trong mình sức mạnh to lớn, vô địch của sự tự chủ, tự cường, chủ động và sáng tạo.

Từ khi thành lập, trong hoạt động của mình, Đảng và sau này, Mặt trận Việt Minh luôn luôn kết hợp nhuần nhuyễn, sinh động giữa hoạt động chính trị và hoạt động văn hóa để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho các cuộc vận động cách mạng. Nối tiếp các hoạt động, triển khai các cuộc đấu tranh, tranh luận về triết học, về luận lý học, về lý luận văn nghệ từ năm 1930 đến năm 1942, để chuẩn bị cho thời cơ cách mạng chuyển sang bước ngoặt mới, có hai sự kiện văn hóa lớn được triển khai, một là Đề cương văn hóa năm 1943 và hai là Hội Văn hóa cứu quốc – một tổ chức tập hợp lực lượng văn hóa yêu nước trong Mặt trận Việt Minh, được thành lập. Hai sự kiện trên là minh chứng đầy sức thuyết phục cho vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.

Không nên tìm sự hoàn hảo, hoàn thiện của Đề cương mà phải tìm trong đó một phương hướng đúng đắn cho hành động cứu nước Việt Nam của lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ, lực lượng sáng tạo và hoạt động văn hóa, từ đó, đề cương trở thành cơ sở lý luận có sức thu hút, tập hợp, huy động, giác ngộ các lực lượng văn hóa yêu nước trong những năm trước mắt, và trước hết cho thời cơ đang đến gần – chuẩn bị cho bước ngoặt của cách mạng. Ba nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam trong giai đoạn lịch sử trước mắt: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã được xác định và truyền bá ngay trong giai đoạn đấu tranh đang tiến về hướng khởi nghĩa giành độc lập. Đó là ý nghĩa lịch sử của bản Đề cương này.

Trên cơ sở định hướng của bản Đề cương, vấn đề cấp bách đặt ra là tập hợp các văn nghệ sĩ, trí thức vào một tổ chức để họ trở thành một lực lượng yêu nước và cách mạng. Và Hội Văn hóa cứu quốc ra đời. Một loạt trí thức, văn nghệ sĩ có tên tuổi, có uy tín nghề nghiệp đã vào Hội, từ Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân, Như Phong, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi rồi Huy Cận, Xuân Diệu… vào Hội và hoạt động sôi nổi ngay trong những tháng tiền khởi nghĩa. Những sáng tạo văn học, nghệ thuật phục vụ cách mạng, đáp ứng nhu cầu tinh thần của quần chúng chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám đã ra đời và được truyền bá.

Rõ ràng là, văn hóa là một mặt trận, là một sức mạnh to lớn, độc đáo góp phần trực tiếp tạo nên sức mạnh tổng hợp của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

GS. TS, ĐINH XUÂN DŨNG

 

09:02:09 10-08-2022

VHDN: Cách mạng tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại sâu sắc, phong phú. Tìm hiểu đặc trưng của Cách mạng tháng Tám từ góc độ văn hóa giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của văn hoá trong thắng lợi của cuộc cách mạng và […]

Đối tác của chúng tôi