Sự kiện - chuyên đề:

Văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy thương hiệu phát triển

VHDN: Văn hóa doanh nghiệp ví như “linh hồn” của thương hiệu, là yếu tố tích cực thúc đẩy thương hiệu phát triển. Thực tế cho thấy, không một thương hiệu mạnh nào lại không có nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc.

Văn hóa doanh nghiệp và thương hiệu được đánh giá như một cặp bài trùng ăn ý. Văn hóa thuộc về tinh thần, nội dung. Thương hiệu nghiêng về hình thức, diện mạo. Giữa hai yếu tố tưởng chừng không liên quan gì đến nhau này lại có sự tác động ngầm qua lại, ảnh hưởng trực tiếp đến nhau duy trì hoạt động của một doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu cho thấy ý nghĩa và tác động thiết thực đến sự tồn tại bền vững của mỗi doanh nghiệp. Môi trường văn hoá của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động, giúp doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó, hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp từ lâu đã là vấn đề mà mọi doanh nghiệp quan tâm đến khi xây dựng doanh nghiệp. Bởi tuy là giá trị vô hình nhưng văn hóa doanh nghiệp lại có khả năng tác động và sản sinh ra những lợi ích hữu hình cho doanh nghiệp. Quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp là sự quan tâm đúng đắn cho sự sống còn của doanh nghiệp.

Các nhà kinh tế cho rằng, con người làm nên thương hiệu và thương hiệu chính là yếu tố làm nên nét văn hóa riêng biệt của doanh nghiệp. Đối với bất kỳ tổ chức nào, làm nên sức sống cho nó chính là đội ngũ nhân sự. Và tinh thần, động lực, cách thức làm việc của họ phải được nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp xác định thương hiệu là trọng tâm để phát triển bền vững thì văn hóa doanh nghiệp cũng phải đổi mới theo hướng hỗ trợ cho thương hiệu. Quá trình này đòi hỏi thời gian, tâm huyết và lòng kiên trì của cấp lãnh đạo.

Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hằng ngày, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm, về sự độc đáo trong văn hóa của họ tới khách hàng và công chúng. Giá trị đó mang tầm vĩ mô, nhưng lại được xây dựng từ những yếu tố vi mô.

Trong một thế giới luôn thay đổi thì sản phẩm, công nghệ, nhà máy, cách quản lý và con người rồi sẽ lỗi thời, mai một nhưng thương hiệu và văn hóa của công ty sẽ vẫn tồn tại và tiến hóa theo thời gian nếu doanh nghiệp biết cách quản lý theo tầm nhìn và hoài bão của thương hiệu. Cụ thể đó là những giá trị chứa đựng niềm tin vững chắc và mục tiêu cốt lõi có khả năng tạo động lực và cảm hứng. Ví dụ, một trong những giá trị cốt lõi của Sony (1950) là nâng cao giá trị văn hóa Nhật Bản.

Cụ thể hơn, doanh nghiệp nào lấy thương hiệu làm trọng tâm để phát triển bền vững thì nên bắt đầu từ việc xây dựng một cộng đồng thương hiệu. Cộng đồng này không chỉ bao gồm nhân sự bên trong nội bộ mà còn có thể mở rộng sang các đối tượng bên ngoài như khách hàng, đối tác và công chúng. Nếu làm tốt công việc xây dựng thương hiệu nội bộ mang ý nghĩa “chinh phục và lan tỏa chí hướng” này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội thu hút những con người có cùng hướng nhìn và tin tưởng lẫn nhau, cùng chấp nhận thách thức và cống hiến vì mục tiêu lâu dài của thương hiệu. Hệ quả là hình thành nên ý thức thuộc về và tự hào là thành viên trong cộng đồng ở bản thân họ, từ đó tạo nên một môi trường văn hóa tự nguyện hợp tác và tuân thủ kỷ cương, liên tục tạo ra năng lượng cho thương hiệu theo thời gian.

Các chuyên gia cho rằng, khi Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh, đang thúc đẩy cạnh tranh và làm mờ ranh giới giữa các ngành, văn hóa doanh nghiệp cũng phải thay đổi cho phù hợp với nhịp tiến vũ bão của cuộc cách mạng này. Việc chậm thay đổi văn hóa doanh nghiệp sẽ tương đồng với hiệu quả âm trong kinh tế.

Văn hóa doanh nghiệp ví như “linh hồn” của thương hiệu, là yếu tố tích cực thúc đẩy thương hiệu phát triển. Thực tế cho thấy, không một thương hiệu mạnh nào lại không có nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc.

Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Harvard Business Review (2010), tác giả Bill Taylor đã miêu tả mối quan hệ giữa marketing và nhân sự là “cặp đôi quyền lực” mới, giúp hình thành nên mối quan hệ gắn kết giữa thương hiệu và văn hoá tổ chức. Theo đó, chính sách quản lý nhân sự nếu không được kết hợp với chiến lược xây dựng văn hoá thương hiệu sẽ khiến cho nhân viên ngày càng rời xa những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và thương hiệu. Hậu quả là những giá trị này cũng không được thể hiện trong sản phẩm/dịch vụ dành cho khách hàng và đối tác, khiến sự trung thành của họ với thương hiệu sụt giảm, lợi nhuận mất và doanh nghiệp phải đối mặt với khủng hoảng truyền thông.

Đối với những thương hiệu mạnh thì thương hiệu phải nằm trong văn hóa và ngược lại văn hóa phải nằm trong thương hiệu. Đó là mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ. Ở bên trong, ý nghĩa của thương hiệu phải được lan tỏa vào văn hóa doanh nghiệp nhằm tạo ra giá trị gia tăng về mặt cảm xúc cho thương hiệu tại tất cả các điểm tiếp xúc với khách hàng. Nó phải bắt nguồn từ sự đồng cảm với chí hướng, từ đó hình thành động cơ, lan tỏa sang ý thức và hành vi trong tất cả thành viên của cộng đồng. Thể hiện ra bên ngoài, thương hiệu nào không có sự kết tụ của văn hóa đặc sắc và cá tính riêng thì vẫn mãi là những sản phẩm dịch vụ thông thường có giá trị thấp, khó có thể tồn tại lâu dài trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu.

Xây dựng môi trường làm việc hiệu quả chính là xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp thành công. Trong môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp như hiện nay, bên cạnh việc sáng tạo để tìm ra những cách riêng giúp làm việc nhanh hơn và đạt hiệu quả cao hơn thì có một cách khá tốt để xây dựng giá trị bản thân đó là hình thành những thói quen, lề lối làm việc, phương cách ứng xử cùng hành vi văn minh, lịch sự…

H.T ( Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 5/2023 )

15:41:29 15-05-2023

VHDN: Văn hóa doanh nghiệp ví như “linh hồn” của thương hiệu, là yếu tố tích cực thúc đẩy thương hiệu phát triển. Thực tế cho thấy, không một thương hiệu mạnh nào lại không có nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc. Văn hóa doanh nghiệp và thương hiệu được đánh giá như […]

Đối tác của chúng tôi