Nếu định nghĩa “văn hóa” là những giá trị vật chất và tinh thần còn lại sau thời gian, được cộng đồng xã hội tự nguyện lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua các chuỗi sự kiện trong đời sống hằng ngày thì văn hóa kinh doanh đang được hiểu như là tầm nhìn và chiến lược của DN. Trong thời đại 4.0, văn hóa kinh doanh còn được nhìn nhận thêm ở góc độ “bắt kịp” các mô hình kinh doanh mới và mô hình quản lý hiện đại.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ mang đến cho nhân loại sự đổi thay to lớn về mặt ứng dụng công nghệ mà còn mở cả lối tiếp cận thế giới mới cho con người. Đối với kinh doanh, có thể chỉ một cái nhấp chuột, con người có thể sao chép được một sản phẩm hay cả mô hình của DN khác. Chính vì vậy, hằng năm có hàng nghìn vụ vi phạm pháp luật về kinh doanh, gian lận thương mại và làm hàng giả… Để tránh xa những yếu tố tiêu cực trên thì việc xây dựng văn hóa kinh doanh đang đặt ra cho các DN thời 4.0 một yêu cầu cấp thiết.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để xây dựng văn hóa kinh doanh của DN mình, yếu tố đầu tiên là tuân thủ pháp luật. Đây là yếu tố tiên quyết nhằm giúp DN tự tin phát triển trên thương trường, tránh được rắc rối pháp lý và tạo được lòng tin cho đối tác, cũng như với người lao động. Bên cạnh đó, việc tiên phong ứng dụng công nghệ quản trị DN và kinh doanh cũng phải được chú trọng. Nhận thấy việc đánh giá nhân sự bằng cảm xúc dễ gây ra sai lệch khi chỉ tập trung vào tính cách cá nhân, vì vậy một số doanh nghiệp đã đưa một số ứng dụng công nghệ vào việc quản trị nhân sự bằng số liệu hiệu quả công việc. Từ đó DN phát triển một cách bền vững hơn, người lao động cũng chủ động nắm được hiệu quả công việc, tương ứng với lương thưởng mà DN mang lại. Việc ứng dụng công nghệ giúp minh bạch hóa quá trình quản lý nhân sự, giúp người lao động an tâm gắn bó với công ty.
Nhiều người đứng đầu các DN lớn cho rằng, người lãnh đạo DN trong “kỷ nguyên số” phải có tầm nhìn, chiến lược dài hạn cho DN mình. Tầm nhìn, chiến lược phải đặt trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh chóng. Bởi trong thời đại 4.0, cái mới, cái sáng tạo hôm nay có thế rất nhanh chóng trở thành cái lạc hậu chỉ trong thời gian ngắn. Do vậy, văn hóa kinh doanh thời 4.0 phải có triết lý, tư tưởng và tầm nhìn của người lãnh đạo để tạo dựng niềm tin và khát vọng của tập thể cán bộ, nhân viên và người lao động, từ đó dẫn dắt DN không ngừng phát triển cùng thời đại.
Đối với việc “bắt kịp” các mô hình kinh doanh mới và mô hình quản lý hiện đại để xây dựng văn hóa kinh doanh trong thời đại 4.0, các DN cần hiểu rõ được rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tác động mạnh mẽ trên phương diện kỹ thuật công nghệ, giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, mà còn tạo ra các mô hình kinh doanh mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng. Khai thác tốt các xu hướng tiêu dùng, áp dụng các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ cao, mô hình quản lý hiện đại sẽ giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh để thực hiện được chiến lược, tầm nhìn của mình, tạo ra những thương hiệu toàn cầu mới. Văn hóa kinh doanh của DN vì thế đòi hỏi sự năng động, đổi mới sáng tạo, thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi và đón đầu, thậm chí dẫn dắt được sự thay đổi.
Từ thực tế trên có thể thấy rằng, văn hóa kinh doanh thời 4.0 cần có sự đổi mới sáng tạo không ngừng và khả năng thích ứng sự thay đổi trong một thế giới biến đổi nhanh chóng dưới tác động của khoa học công nghệ. Những yếu tố đó cùng với tư tưởng, triết lý, tầm nhìn, chiến lược của người lãnh đạo sẽ tạo ra “đặc trưng” của các DN, là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của DN thời 4.0. Điều này cũng sẽ góp phần đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh và làm sáng thương trường.
Lê Khả ( Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 5/2023 )
VHDN: Nhiều người đứng đầu các DN lớn cho rằng, người lãnh đạo DN trong “kỷ nguyên số” phải có tầm nhìn, chiến lược dài hạn cho DN mình. Tầm nhìn, chiến lược phải đặt trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh chóng… Nếu định nghĩa “văn hóa” là những giá […]