Sự kiện - chuyên đề:

Văn hóa như một hệ miễn dịch,giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng

VHDN: Tại diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ VHKD”, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp đã trao đổi về những khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế đứng trước tác động của đại dịch Covid-19, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp củng cố phát tiển Văn hóa Kinh doanh (VHKD) trong bối cảnh mới. Nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng VHDN, VHKD tạo nên nền tảng phát triển vững chắc, tăng sức cạnh tranh, hình thành hệ miễn dịch giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hội nhập kinh tế quốc tế…

Ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ VHTT phát biểu tham luận tại Diễn đàn.

Theo bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ, VHKD của PNJ thể hiện qua triết lý: “Đặt lợi ích khách hàng, lợi ích xã hội vào lợi ích của doanh nghiệp”. PNJ lấy sức mạnh của niềm tin làm lẽ sống và hành động, lấy sự chính trực làm kim chỉ nam để xây dựng các giá trị cốt lõi. Tại PNJ, VHDN và con người luôn đặt ở trung tâm, là tài sản lớn nhất, quý giá nhất. Trong đó, việc phát triển VHDN thể hiện qua 3 yếu tố: tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và xây dựng xã hội bền vững.

Mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững phải có một nền kinh tế bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp phải bền vững. Sức mạnh văn hóa đó đã vượt qua thăng trầm suốt 32 năm qua. Vượt qua khủng hoảng, khó khăn, bằng sức mạnh và ý chí của mình PNJ đã luôn đột phá để thành công với 5.200 tỷ đồng vốn sở hữu. Mỗi con người PNJ là một chiến binh, không có gì là không thể, cùng nhau gắn kết vượt qua khó khăn. Thành quả đạt được là “bảng vàng thành tích”: Doanh nghiệp Xuất sắc nhất châu Á – Thái Bình Dương, top 2 môi trường làm việc tốt nhất… Tất cả dựa trên nền tảng VHDN. Dịch Covid-19 hoành hành, một lần nữa tạo nền tảng để PNJ giữ vững thị trường. Đầu tháng 1/2020, nhìn thấy những khó khăn dịch bệnh, PNJ thực hiện các chương trình chăm sóc khách hàng, chăm lo đời sống nhân viên trong bối cảnh dịch bệnh, lan tỏa hoạt động xây dựng cộng đồng, trách nhiệm xã hội, hàng năm đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 1 nghìn tỷ đồng…. Do đó, quý I vẫn tăng trưởng 3% dù thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa suốt 3 tuần nhưng nhờ hoàn thiện kênh bán hàng online bằng việc xây dựng niềm tin với khách hàng. Xây dựng chương trình hành động bằng ý chí của con người PNJ, vừa qua Công ty tự sản xuất và cung cấp sản phẩm ra thị trường mà không phải nhập khẩu từ nước ngoài… “Cơ trong nguy, thay đổi linh hoạt, đối diện khó khăn để tìm ra cái mới.

Doanh nghiệp nào có VHKD, có nền tảng VHKD thì sẽ vượt qua đại dịch không quá khó khăn”. Giống như Feanlink covey từng nói: “Nếu chiến lược được ví như hạt thì VHDN sẽ được xem là đất. Nếu đất không tốt thì dù có cố gắng mấy hạt cũng không thể nảy mầm và lớn mạnh được”, bà Dung nhấn mạnh. Đối với Công ty May 10, trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, tinh thần May 10 như người lính trong thời bình, hơn 11.000 nhân viên từ Bắc đến Trung đều mang tính kỷ luật-di sản. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết: Dịch bệnh khiến ngành may gặp khó khăn nhất, tác động đến 50-70% doanh thu do bị tác động từ cả nguồn cung nguyên liệu và nguồn cầu nhập khẩu từ châu Âu, tháng 2 bị đứt gãy hoàn toàn nguồn cung. Đại dịch xuất phát từ Trung Quốc nên nguồn nguyên liệu bị dừng hoàn toàn. Đặc biệt, dịch bệnh khiến nhu cầu mua sắm của người dân về các mặt hàng thời trang giảm sút. Nhất là các sản phẩm đồ veston, cà vạt, sơ mi, đây là dòng sản phẩm gần như không có giao dịch trong thời gian dịch bệnh diễn ra, bởi ai cũng cho là, dịch bệnh hạn chế giao dịch trực tiếp thì các dòng sản phẩm đó không có tác dụng nữa. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, chúng tôi đã có những thay đổi trong chiến lược kinh doanh, sản xuất, từng bước vượt qua đại dịch. “Dịch và thiên tai ngày càng khó lường, quan trọng nhất là doanh nghiệp biết ứng phó và thay đổi theo những khó khăn đó như thế nào” – ông Thân Đức Việt bày tỏ.

Các đại biểu tham luận tại Diễn đàn.

Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Dale Carnegie Việt Nam thì cho rằng: Văn hóa như một hệ miễn dịch, giúp cho họ vượt qua Covid-19 và khủng hoảng trước mắt trong tương lai. Xây dựng văn hóa theo hướng thực chất, nói được làm được, trong đó giá trị văn hóa được lồng ghép và trở thành một phần không thể thiếu trong mọi hoạt động vận hành và là tố chất đặc trưng nổi trội rõ nét của toàn đội ngũ nhân sự. “Chúng ta cần một “hệ miễn dịch” đủ mạnh để làm chủ quá trình vượt qua được Covid- 19 và những khủng hoảng khác trong kinh doanh, đồng thời duy trì sự phát triển bền vững”, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh nhấn mạnh.

Chia sẻ về VHDN, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết: “Thách thức chính là sự tôi luyện con người Tân Hiệp Phát. Và điều đó giúp Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất trong top 5 công ty đồ uống tại Việt Nam, tiên phong và cạnh tranh sòng phẳng với các công ty đa quốc gia”. Bà Trần Uyên Phương cho biết thêm: Để đóng góp cho sự phồn vinh của xã hội và là niềm tự hào của người Việt Nam, trong những năm qua, Tập đoàn luôn chú trọng xây dựng thương hiệu Quốc gia lớn mạnh tầm cỡ quốc tế. Về tầm nhìn trở thành tập đoàn hàng đầu ở Châu Á trong lĩnh vực đồ uống và thực phẩm, từ đó, xây dựng sứ mệnh sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng Châu Á với mùi vị và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, được các đối tác tin tưởng và khách hàng ưa chuộng.

Còn theo lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, VHDN thể hiện tuyên ngôn trong kinh doanh: xây dựng giá trị cốt lõi ứng xử văn minh, hành xử chính trực, tuân thủ kỷ luật, tích hợp tinh hoa, tích cực sáng tạo… Từ đó tạo ra giá trị gia tăng kinh doanh là nguồn lực mềm tạo ra lợi thế cạnh tranh, nâng cao uy tín và sự tín nhiệm qua đó phát triển thương hiệu. Đối với Hòa Bình, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn từ thanh toán nguồn tiền do những đối tác chính là doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng…

Chủ tịch Công ty Ao Vua Nguyễn Mạnh Thản với triết lý “sống vì mọi người, mọi người vì mình” đó chính là VHDN. Đại dịch Covid- 19 vừa qua, ngành du lịch tác động mạnh mẽ nhưng nhờ phát triển kết hợp ngắn ngày với dài ngày; mùa vụ với không mùa vụ nên hoạt động của doanh nghiệp chỉ ảnh hưởng 30%, vẫn đủ sức vươn lên. Đặc biệt, trong lúc vừa chống dịch Covid-19, ngoài việc chỉnh trang lại các sản phẩm du lịch, ông còn chú trọng việc bồi dưỡng đạo đức văn hóa, tác phong của nhân viên.

Dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi cả tư duy, phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi, bứt phá… Và một lần nữa càng thêm khẳng định Diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ Văn hóa Kinh doanh và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực Cuộc vận động Xây dựng Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động” nhằm đem lại một góc nhìn mới về những thách thức và cơ hội từ Covid-19 và hậu Covid-19 mang nhiều ý nghĩa thiết thực.

Ái Liên

 

16:01:43 09-11-2020

VHDN: Tại diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ VHKD”, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp đã trao đổi về những khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế đứng trước tác động của đại dịch Covid-19, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp […]

Đối tác của chúng tôi