Sự kiện - chuyên đề:

Văn hóa xin lỗi xin đừng “ xin” nữa vì dân không muốn” bị xin lỗi” ..!

VHDN: Một khi đã bỏ túi cả chục tỉ đồng, trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng tiền của nước, của dân bị phát hiện mới “nghẹn ngào” xin lỗi thì nó hơi bị… làm sao ấy.

Thời gian vừa qua, một số cán bộ có chức, có quyền khi hầu tòa, trước khi bị tuyên án, thường nói lời xin lỗi, trong đó có nhiều những ngôn từ “lâm ly quy phượng”, nếu chỉ nghe những lời xin lỗi ấy, chắc chắn không ít người… khóc vì cảm động.

Mới đây nhất, khi nói lời sau cùng trước tòa, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến đã 4 lần “xin lỗi” Đảng, Nhân dân và đồng đội: “Sự việc xảy ra với Quân chủng Hải quân, tôi rất đau xót. Tôi thấy có lỗi của mình. Vì điều kiện công việc nên thiếu trách nhiệm, tôi xin lỗi Đảng, Nhân dân, xin lỗi đồng đội đang trong Quân đội, xin lỗi đồng đội Hải quân”. Ông Hiến nói.

Trước ông Hiến, nói lời sau cùng tại tòa, ông Đinh La Thăng cũng “cúi đầu”: “Hôm nay đứng trước tòa, nói lời sau cùng, đối mặt án phạt nghiêm khắc, bị cáo xin một lần nữa cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, Nhân dân, thế hệ công nhân lao động ngành dầu khí, giao thông vận tải, Nhân dân TP HCM”.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng từng “nghẹn ngào” trong “hối hận”: “Bị cáo thực sự nhiều đêm không ngủ, rất hối hận. Bị cáo cũng muốn xin lỗi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xin lỗi Nhân dân cả nước”.

Không chỉ thế, Trịnh Xuân Thanh còn “nức nở”: “Cháu muốn gửi lời xin lỗi bác TBT Nguyễn Phú Trọng, rất mong bác tha thứ cho cháu cũng như người con, người cháu trong gia đình, tạo điều kiện để cháu được gặp bố mẹ, vợ con”.

Các ông Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son… cũng có những lời xin lỗi rất chi thống thiết.

Không chỉ tại các phiên tòa, trong các phiên họp của Quốc hội, đã từng có rất nhiều lời xin lỗi từ các vị có chức, có quyền.

Nhìn lại việc phát triển mạnh mẽ văn hóa xin lỗi như hôm nay cho thấy, để có được lời xin lỗi từ các cán bộ đương chức là cả một quá trình không ngắn.

Nhớ lại cách đây dễ đến gần 20 năm, lần đầu tiên trên diễn đàn Quốc hội mới xuất hiện từ “nhận lỗi” (chứ không xin lỗi) của một vị “tư lệnh ngành”.

Khi đó, cử tri đã rất phấn khởi nhưng cũng phải mất dễ đến mấy năm nữa, từ “nhận lỗi” mới tiến tới “xin lỗi” và giờ đây, chuyện “xin lỗi” không còn là lạ. Từ xin lỗi thực ra là rất nhân văn khi ai đó có lỗi, đã tự giác nhận trách nhiệm về mình, vì đã gây ra thiếu sót đó. Đó là sự thành khẩn để rồi tự sửa chữa hay tự khắc phục lỗi mình đã gây ra. Nhưng với nhiều quan chức như đã nêu ra ở trên, thì hình như là người dân đã cảm thấy quá quen và không thiết tha với từ này. Vì một nhẽ họ thiếu sự thành khẩn và thực lòng. Chỉ khi không còn đường lùi họ mới nói lời “xin lỗi” !\Điều mà người dân mong muốn ở đây, không chỉ là “xin lỗi” mà phải biết sửa lỗi, khắc phục lỗi lầm. Cao hơn nữa, xin đừng tiếp tục mắc lại lỗi, để rồi phải “xin lỗi”.

Với tôi, mỗi khi gặp phải từ “xin lỗi” tại tòa, thấy không khỏi bật cười trong đau xót.Lý do, là bởi trước khi làm điều sai trái, khuất tất mà họ nghĩ đến từ này chứ một khi đã bỏ túi cả chục tỉ đồng, trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng tiền của nước, của dân bị phát hiện, không thể dấu được nữa mới “nghẹn ngào” xin lỗi thì nó hơi bị… làm sao ấy.

Văn hóa xin lỗi là rất nhân văn, nhưng xin lỗi các vị, các vị đừng “xin lỗi” nữa, Vì người dân  không muốn “bị” nghe bởi xót tiền dân lắm. Mà “lỗi” thì có thể “xin”, còn tội thì tha sao được!

Mong rằng những ai khi có chức, có quyền hãy tránh xa tội lỗi để khỏi phải “xin”, đó mới là điều người dân đang mong mỏi.

Bùi Hoàng Tám

09:11:34 15-06-2020

VHDN: Một khi đã bỏ túi cả chục tỉ đồng, trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng tiền của nước, của dân bị phát hiện mới “nghẹn ngào” xin lỗi thì nó hơi bị… làm sao ấy. Thời gian vừa qua, một số cán bộ có chức, có quyền khi hầu tòa, trước […]

Đối tác của chúng tôi