hình ảnh minh họa cho bài viết
Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Hòa bình rồi ! Thầy Vân cùng gia đình trở về quê nhà. Thầy tiếp tục dạy học ở một trường cấp ba và cô cũng tiếp tục đi dạy trường cấp hai…
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, cô con gái mới ngày nào được sinh ra trên miền quê “giàu” ngô, khoai sắn nay đã tốt nghiệp Đại học Ngân hàng. Thầy khấp khởi đi xin việc làm cho con gái tại thành phố Đà Nẵng. Mang hồ sơ hỏi mấy nơi nhưng “mang đến lại mang về” vì chẳng có nơi nào nhận cả.
Trong lúc tưởng chừng công việc đi vào ngõ cụt thì thầy Vân được mấy đứa học trò cũ cho biết là ở Đà Nẵng có thằng Tuấn, làm Giám đốc một ngân hàng ở đó. Thầy thầm reo lên: “Đúng là ở hiền gặp lành rồi !”.
“Tuấn nào nhỉ? Có phải Tuấn dong dỏng cao, dáng hơi gầy, da ngăm ngăm …”. Thầy Vân nhớ lại quãng thời gian dạy học ở một ngôi trường miền Tây xứ Nghệ “non xanh nước biếc” thuở nào…
Thuở ấy, đang vào thời kỳ “chiến tranh phá hoại” của đế quốc Mỹ nên cuộc sống của người dân quê tôi đều gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng đất học này không bao giờ thiếu thốn nghĩa tình ! Bên khung cửa sổ bằng phên nứa, nơi dãy nhà ở của thầy cô, mùa nào thức nấy; lúc nào cũng có chục củ khoai lang, dăm ba bắp ngô non thơm mùi đồng bãi hoặc bó rau cải, bó chè tươi còn đọng sương sớm xanh mơn mởn…
Thằng Tuấn thuộc gia đình nghèo. Nó đi học ở trọ mà nhiều khi chủ nhà phải nấu cơm luôn cho nó vài ngày cuối tuần vì nó mang thiếu ngô, thiếu gạo. Nhiều hôm nó nhịn đói đi học, đến tiết cuối mặt xanh như tàu lá là biết nó bị “lạc đói” rồi (đói quá, chân tay bủn rủn, trán rịn ra mồ hôi lạnh).
Mấy đứa con gái nhanh chân chạy xuống phòng thầy Vân chủ nhiệm, nhờ thầy pha một cốc nước chè đường, mang xuống lớp cho nó uống là tỉnh lại liền.
Ngày ấy, hỏi nhà ai đồng ý thì vào ở trọ, không tiền bạc gì hết. Họ coi mình như con cháu trong nhà. Học sinh ở trọ cùng chủ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, từ lấy củi, gặt lúa, dỡ khoai đến gánh nước… đều không nề hà việc gì. Mang ngô giã nhỏ trộn với gạo đổ chung với ngô gạo của gia đình (thường trộn bảy lon ngô, ba lon gạo; đong đủ mười hai lon cho sáu ngày ăn)…
Biết được tình cảnh vất vả của thằng Tuấn, thầy Vân thỉnh thoảng có món gì tươi tươi một chút, như: có nấu cháo lòng hoặc có vài lạng thịt lợn phân phối cuối tháng… là thầy kêu nó ghé ăn cơm, ăn cháo cho vui.
Tuy nhà nghèo nhưng thằng Tuấn lại học giỏi nhất nhì lớp. Thầy Mậu dạy Vật lý, thầy Phiệt dạy Toán đều khen nó có tư chất thông minh hơn người. Có khi thầy vừa ghi đề lên bảng xong, ở dưới lớp nó đã đưa tay lên, xung phong làm bài giải !
Thầy Vân thương nó như em ruột, luôn dành những lời đẹp nhất để động viên, khen nó và nhắc các bạn hãy noi theo tấm gương học tập của nó…
Những đêm mùa hè nóng bức cũng như những đêm đông giá buốt, thầy Vân đều đi kiểm tra một vài vòng xem chúng tôi học nhóm như thế nào. Đường nông thôn hồi ấy lầy lội, hào giao thông ngang dọc; đi đường cứ theo lời người xưa “mưa tránh trắng, nắng tránh đen” là an toàn. Vậy mà thầy vẫn cần mẫn đi kiểm tra, lo cho việc học của chúng tôi còn hơn cả cha mẹ…
Đến nhóm thằng Tuấn trước, thầy thường đưa nó một bọc lá chuối còn nóng hôi hổi. Nó mở ra thì trời ơi, khi thì một củ khoai lang nướng; khi thì một bắp ngô luộc, thầy dành cho nó để có thêm sức mà học giữa ngày đông.
Rồi học sinh lần lượt ra trường. Đứa thì đi bộ đội, đứa thì vào đại học; tung cánh bay xa, ở phía sau chỉ có thầy Vân chủ nhiệm dõi theo và cứ thầm mong sẽ có ngày gặp lại…
Tất cả những hình ảnh trên cứ theo ký ức xa xăm chợt lóe sáng bầu trời kỷ niệm của tình thầy trò. Thầy Vân thật xúc động vì Tuấn viết thư mời thầy qua Đà Nẵng chơi. Thầy mang theo vài ký đường phổi; món đặc sản của miền quê mía lâu đời. ..
Bước vào cổng cơ quan, đã có nhân viên ra đón và mời thầy vào phòng khách. Tuấn đang có khách đến làm việc, gần nửa buổi, Tuấn vồn vã bước ra và nói lời xin lỗi vì để thầy đợi lâu…
Mới hơn mười năm mà Tuấn khác hẳn, gặp bất ngờ ngoài đường mình chưa chắc nhận ra – thầy Vân nghĩ vậy và bước tới, ôm chầm đứa học trò nghèo ngày xưa.
Tuấn cho biết sau khi tốt nghiệp, em vào học bên ngân hàng và ra trường làm việc ở một tỉnh phía Bắc. Nay mới được luân chuyển vào đây và qua bè bạn, mới biết được địa chỉ của thầy.
Hai thầy trò ôn lại những kỷ niệm của một thời gian khổ, thiếu thốn trăm bề. Thầy trò cùng kể lại những ngày đi bộ mấy cây số vào rừng lấy củi, lấy nứa về làm phên che vách lớp… Những buổi lao động đào hầm, đào hào giao thông trong vườn của dân…
Rồi cũng có những buổi tối mùa đông vui vẻ, thầy trò ngồi quanh bếp lửa, cùng nướng sắn mang từ nhà các học trò đưa đến… Làm sao quên được những bữa cơm chỉ thấy màu vàng của ngô, thức ăn là nhút, là muối vừng… “May cũng nhờ gian khổ mà nó rèn luyện mình nên người, phải không Tuấn?”- thầy Vân vừa nói vừa nhìn về hướng xa xa…
Qua câu chuyện về gia đình, thầy Vân cho Tuấn biết con gái của thầy học vừa tốt nghiệp ngành ngân hàng, đang xin việc quanh đây mà chưa được. Tuấn liền đáp xởi lởi : “ Để đó em sẽ lo cho thầy. Tuần sau thầy mang hồ sơ đưa cho em”.
Sau khi nộp hồ sơ cùng với chai rượu ngoại đi kèm (có người mách cho thầy là phải như thế, dù quen nhiều hay quen ít cũng phải có), thầy Vân về nhà và chờ đợi ngày Tuấn báo tin vui cho cả nhà.
Chờ gần một tháng, không có tin tức gì, thầy Vân nóng ruột; phần thì cô giục phải đi đến nơi hỏi, cứ chờ hoài thì biết đến bao giờ mới đến lượt con mình. Thầy lại trang phục chỉnh tề, khăn gói qua Đà Nẵng tìm đến giám đốc Tuấn. Thầy cũng ngại vì hỏi hoài mà Tuấn thì công việc của một sếp đứng đầu ngân hàng lớn rất nhiều. Thầy cũng đành tặc lưỡi : “Thôi cứ đi lần này thử xem tiến triển tới đâu để bà xã yên tâm chờ đợi…”.
Đến nơi, thầy đã thấy một ông khách ngồi chờ phía ngoài với nét mặt bồn chồn, trông ngóng… Hỏi ra thầy mới biết ông cũng đi xin việc ngân hàng cho con. Cùng cảnh ngộ nên thầy mau chóng làm quen và kể cho nhau nghe quãng đường xin việc vất vả của mình. Thầy khoe với ông ta là ông giám đốc này là học trò cũ của tôi. “Trò hơn thầy là trường có phúc”- vị khách mới quen bày tỏ lòng khâm phục và cho rằng thầy gặp “số đỏ” !
– Như vậy thầy xin việc cho cháu chẳng mất “chai” nào cả ! Một ông nói.
– Có chứ – Thầy đáp – hôm tháng rồi tôi có mang qua một chai, mà loại rượu ngoại đấy!
– Tôi không nói chai rượu, mà “một chai” là một triệu đó ! Tôi “xử đẹp” hai trăm “chai” cho giám đốc; không biết kết quả thế nào?
– Thiệt hả ? Thầy Vân ngỡ mình nghe lầm và hỏi lại – Hai trăm triệu làm sao tìm ra với đồng lương hai vợ chồng nhà giáo ? Thầy nghĩ trong đầu mà bỗng thấy hoa mắt, người muốn lảo đảo…
Vừa lúc đó, một nhân viên cho hay là giám đốc mời thầy vào gặp. Vẫn cái bắt tay của Tuấn nhưng thầy Vân để ý cảm nhận lòng bàn tay của Tuấn hơi lạnh, không ấm như những bàn tay người khác. Tuấn vào đề ngay và nói: “Cơ quan em hiện nay chưa có chỉ tiêu. Thầy cứ yên tâm về, khi nào sắp xếp được em sẽ báo tin cho thầy qua”.
Thầy cố gượng cười: “Ráng giúp thầy nhé!” rồi bắt tay từ biệt học trò xưa.
Một tháng sau, thầy mới biết vị khách hào phóng “hai trăm chai” có con được nhận vào ngân hàng đó làm việc…
Câu chuyện mở ra từ từ như những thước phim quay chậm trước mắt thầy Vân. Đó là khi nhận “tiền cà phê” của vị khách ấy, Tuấn cũng phân vân, dằn vặt rất nhiều. Nếu nhận con của thầy vô thì mất một khoản tiền lớn; nếu nhận con vị khách kia thì mình sẽ có tiền “tích lũy” cho tương lai! Thôi thì “người ta cười mình ba tháng chứ không ai cười ba năm”; nó tặc lưỡi và bỏ qua một bên hồ sơ xin việc của con gái thầy Vân…
Thật tình, tôi không tự nghĩ ra được mà chỉ là người sắp xếp các tình tiết có đầu có đuôi mà thôi. Câu chuyện này do một người chị (làm công tác phát hành sách ở Đà Nẵng), ngày xưa học trên tôi hai lớp kể lại, khi tôi ghé Đà Nẵng trong một lần đợi tàu về quê…
VHDN: Người đi xin việc cho con gái – đó là thầy Vân của tôi những năm học dưới mái trường cấp ba miền trung du xứ Nghệ. Quê thầy ở Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc và sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, thầy đến với Nghệ An, tỉnh kết nghĩa để […]