Đóng góp chủ yếu vào doanh thu “khủng” của Asanzo là mặt hàng chủ lực TV – mặt hàng mà ông Phạm Văn Tam bắt đầu từ những ngày khởi nghiệp

Năm 2014, thời điểm Asanzo chính thức ra mắt với lô TV đầu tiên, tập đoàn ghi nhận 670 tỷ đồng. Dù còn mới mẻ và có hàng loạt ông lớn đồ điện tử Hàn Quốc, Nhật Bản ồ ạt đổ vào, nhưng kết thúc năm 2015, doanh thu của Asanzo đã tăng gấp 2,3 lần, đạt 1.584 tỷ đồng. Năm 2017, Asanzo ghi nhận tổng doanh số đạt 4.620 tỷ. Năm 2018, doanh nghiệp báo doanh thu đạt 6.250 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2019, Asanzo định hướng giữ “phong độ” phát triển cả về quy mô, doanh thu lẫn số lượng sản phẩm. Cụ thể, mục tiêu đạt 10.000 tỷ đồng doanh thu, mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực và thế giới.

Từ một doanh nghiệp về điện tử, công nghệ còn non trẻ, mới có mặt trên thị trường nhưng Asanzo đã nhanh chóng định vị được thương hiệu của mình, thậm chí với tỉ lệ sản phẩm được tiêu thụ tốt hàng đầu thị trường, nguyên nhân một phần đến từ chiến thuật hàng điện tử giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của khách hàng tại nông thôn. “Chúng tôi không cạnh tranh mà lấp đầy những khe hẹp của thị trường, nơi các nhà sản xuất lớn không thể thu mình lại để đáp ứng khách hàng”, Phạm Văn Tam từng nói.

Ông Tam nhiều lần chia sẻ với truyền thông về bước ngoặc khiến ông chuyển từ buôn bán TV nguyên chiếc và linh kiện hơn chục năm sang thành lập doanh nghiệp chuyên về mặt hàng điện tử này. Theo ông Tam, giai đoạn 2012-2013, nhiều tên tuổi lớn về hàng điện tử, công nghệ như Samsung, LG, Sony ồ ạt tấn công vào Việt Nam, khiến nhiều thương hiệu TV Việt chuyên nhập linh kiện phải lao đao và dần biến mất trên thị trường.

Ngay thời điểm này, ông Tam quyết định đầu tư vào các sản phẩm TV được định danh là thương hiệu của người Việt rẻ hơn so với các ông lớn khác, và tập trung vào thị trường ngách bình dân hơn, thay vì “miếng bánh” mà các đại gia ngoại cùng nhau tranh phần.

Chiến thuật của CEO Phạm Văn Tam đánh chủ yếu vào nông thôn và cho rằng đầu những năm 2010, đa số người dân sống ở nông thôn vẫn chưa có nhu cầu nhiều ở những chiếc TV màn hình lớn. Vì vậy, ông “may đo” chiếc TV của mình cho phù hợp với nhu cầu của người nông dân, vì có nhiều chức năng của một chiếc TV hiện đại mà người dùng không bao giờ đụng đến.

Việc này giúp tiết kiệm chi phí, khiến dòng sản phẩm Asanzo so với các thương hiệu khác trên thị trường rẻ hơn từ 1 đến vài triệu đồng. Asanzo hiện nay tự tin ở việc cung cấp sản phẩm TV cho khu vực nông thôn, khi nắm phần lớn thị phần, và vẫn tiếp tục muốn mở rộng hơn ở phân khúc này.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh, cũng như mục tiêu của Asanzo vẫn còn là một ẩn số trước nghi vấn nhập toàn bộ linh kiện từ Trung Quốc về nước, rồi bóc tem “Made in China” để lắp ráp thành sản phẩm đưa ra thị trường với khẩu hiệu:“Asanzo – Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. 

Theo enternews