Sự kiện - chuyên đề:

Vì sao một ngày ra mắt 2 hiệp hội nước mắm?

Cùng được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập ngày 3/9, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam và Hiệp hội Nước mắm Việt Nam ráo riết tổ chức đại hội đầu tiên hôm 27/10.

Hai nhà sản xuất nước mắm từ huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) hẹn nhau dự đại hội thành lập hiệp hội nước mắm. Nhưng đến nơi, họ lại chẳng tìm thấy nhau. Hỏi ra mới biết, họ đến 2 đại hội khác nhau.

“Ngồi lại với nhau” không thành

TS Trần Thị Dung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam kể với Zing, bà là một trong 17 thành viên trong Ban vận động thành lập hiệp hội do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cấp phép từ tháng 5/2017. Đến ngày 31/7/2017, Ban vận động hoàn thiện hồ sơ xin thành lập hiệp hội gửi đến Bộ Nội vụ.

Nhưng sau đó 2 tuần, một ban vận động khác cho Hiệp hội Nước mắm Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép, sau này cũng gửi hồ sơ đến Bộ Nội vụ xin thành lập hiệp hội.

Trước 2 đề nghị này, Bộ Nội vụ vào ngày 23/4/2018 đã trả lại cả 2 hồ sơ với cùng lý do: tên gọi 2 hiệp hội gần giống nhau, có cùng lĩnh vực hoạt động chính và phạm vi hoạt động cả nước nên Bộ chưa đủ cơ sở xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị 2 ban vận động ngồi lại với nhau để thảo luận và thống nhất lại các nội dung hoạt động hiệp hội cho phù hợp. Tuy nhiên, trong các cuộc họp, hai bên không tìm được tiếng nói chung.

“Chúng tôi có ý kiến rằng nếu vẫn thành lập 2 hiệp hội thì hiệp hội kia đổi tên thành hiệp hội sản xuất nước chấm, hoặc nước mắm công nghiệp, nhưng họ không chịu”, bà Trần Thị Dung nói.

Sự bất đồng trong tên gọi xuất phát từ việc các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống cho rằng nước mắm là sản phẩm được hình thành từ quá trình lên men của hỗn hợp cá và muối, còn các sản phẩm công nghiệp hiện nay còn chứa nhiều phụ gia khác và chất bảo quản.

mot ngay ra mat 2 hiep hoi nuoc mam anh 2
Phía nước mắm truyền thống cho rằng nước mắm chỉ được làm từ cá và muối, còn các sản phẩm công nghiệp hiện nay còn chứa nhiều phụ gia khác và chất bảo quản. Ảnh: Quỳnh Danh.

Giữa lúc hai ban vận động đang tranh cãi gay gắt, tháng 5/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ hủy hiệu lực thi hành của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5107:2003 về nước mắm, thay bằng TCVN 5107:2018.

Trong đó, khái niệm “nước mắm nguyên chất” được thêm vào, đồng thời định nghĩa nước mắm thay đổi thành “sản phẩm được chế biến từ nước mắm nguyên chất, có thể bổ sung nước muối, đường, phụ gia thực phẩm, có thể được điều chỉnh màu và mùi”.

Điều này càng làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa hai ban vận động. Họ tiếp tục xúc tiến việc thành lập hiệp hội của mình. Tháng 8/2018, Bộ Nội vụ một lần nữa trả lại hồ sơ với lý do tương tự 4 tháng trước đó.

Hai hiệp hội cùng hoạt động, việc ai nấy làm

Tưởng chừng cuộc chiến cứ thế âm ỉ thì ngày 3/9 mới đây, Bộ Nội vụ bất ngờ cấp phép thành lập cả 2 hiệp hội.

Đáng chú ý, nếu Đại hội thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam diễn ra phiên trù bị vào sáng 27/10 và phiên chính thức vào chiều cùng ngày, thì Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cũng nhanh chóng tổ chức và bế mạc đại hội trong buổi sáng hôm đó.

PGS.TS Trần Đáng – Ủy viên Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, đồng thời mới đây được bầu là chủ tịch hiệp hội, cho rằng 2 hiệp hội về ngành nghề nước mắm cùng hoạt động không có vấn đề gì mà còn cạnh tranh nhau giúp toàn ngành phát triển.

“Tôi cho rằng không cần phải ‘độc quyền’ trong việc thành lập hiệp hội nước mắm”

PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam

“Do các hiệp hội tự chủ tài chính, không sử dụng tiền ngân sách nên tôi cho rằng không cần phải ‘độc quyền’ trong việc thành lập hiệp hội nước mắm”, ông nêu quan điểm.

Bà Trần Thị Dung cũng khẳng định: “Về hoạt động về sau thì không có gì rắc rối, việc ai nấy làm thôi”.

Tuy nhiên, bà lo ngại người tiêu dùng và một số nhà sản xuất nước mắm không phân biệt được 2 hiệp hội, cũng như sản phẩm từ 2 hiệp hội.

Chia sẻ với Zing, một chủ hộ kinh doanh nước mắm ở Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết tham gia vào Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam theo nhiều đơn vị trong Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết. Một số cơ sở khác, nếu sản xuất rồi “bán xá” cho doanh nghiệp sản xuất nước chấm công nghiệp, thường sẽ hoạt động cùng Hiệp hội Nước mắm Việt Nam.

Thực tế, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam tập hợp hơn 200 hội viên là các nhà sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nước mắm, nhà khoa học, quản lý và kiểm nghiệm nước mắm. Trong đó, khoảng 85 thành viên là doanh nghiệp, chiếm 70% doanh số toàn ngành nước mắm.

Trong khi đó, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam có 117 hội viên, trong đó 87,2% là doanh nghiệp đến từ 17 tỉnh, TP.

Xét về mục tiêu hoạt động, nếu Hiệp hội Nước mắm Việt Nam nhằm tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật để bảo tồn ngành và gia tăng sản lượng, thì Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam lại nêu cao sự tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng ngành, qua đó gia tăng sự hiện diện của nước mắm truyền thống trên bàn ăn người Việt.

Điểm chung lớn nhất là hai bên đều kỳ vọng nâng cao giá trị thương hiệu nước mắm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Mặc dù gần như chiếm trọn thị trường tiêu dùng nội địa với độ phủ trên 99% bàn ăn gia đình người Việt, cánh cửa cho các doanh nghiệp nước mắm còn rộng mở hơn thế. Với lợi thế, tiềm năng sẵn có, nước mắm Việt hoàntoàn có thể đi năm châu bốn bể, vươn lên số một toàn cầu, nếu biết nắm tay nhau, đồng lòng…”, ông Trần Đáng chia sẻ.

Còn riêng với các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống, việc quảng bá thương hiệu càng mang ý nghĩa quan trọng hơn.

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm & Dịch vụ thương mại Lê Gia, nhận xét đa số doanh nghiệp nước mắm truyền thống ở quy mô nhỏ, không đủ khả năng thực hiện quảng cáo. Do đó, việc hiệp hội được thành lập sẽ tạo sức mạnh chung, truyền thông chung cho toàn ngành.

Bà Ong Thị Kim Ngân, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Khai thác hải sản, Chế biến nước mắm Thanh Hà cũng bày tỏ kỳ vọng vào việc hiệp hội tổ chức các chiến dịch chung để đẩy mạnh thương hiệu nước mắm truyền thống Việt Nam.

Trao đổi với Zing, bà Trần Thị Dung khẳng định trọng tâm của Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam trong thời gian tới là xây dựng bộ nhận diện để gắn lên sản phẩm của tất cả hội viên đáp ứng tiêu chuẩn là nước mắm truyền thống do hiệp hội xây dựng. Điều này giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt nước mắm truyền thống và các loại nước chấm nói chung trên thị trường.

Việt Nam là quốc gia sản xuất nước mắm truyền thống hàng đầu thế giới, với công suất 170-180 triệu lít mỗi năm. Tổng giá trị toàn ngành nước mắm hiện nay ước đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm, trong đó nước mắm truyền thống chiếm 30% thị phần.

Theo Zing

10:13:42 30-10-2020

Cùng được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập ngày 3/9, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam và Hiệp hội Nước mắm Việt Nam ráo riết tổ chức đại hội đầu tiên hôm 27/10. Hai nhà sản xuất nước mắm từ huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) hẹn nhau dự đại hội thành […]

Đối tác của chúng tôi