Sự kiện - chuyên đề:

Việt Nam một năm thắng đậm, vượt Thái Lan soán ngôi số 1 thế giới

2020 có thể nói là năm thắng đậm của gạo Việt Nam khi nông dân trúng mùa lớn, trong khi xuất khẩu gạo liên tiếp vượt Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán.

Vươn lên vị thế số 1 thế giới

Đầu năm 2020, GS.TS Võ Tòng Xuân – chuyên gia trong ngành lúa gạo, nhận định, bức tranh xuất khẩu gạo của nước ta năm nay dự báo sẽ tốt, tăng cả lượng và giá.

Khi ấy, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatat cũng chung nhận định, năm nay, Việt Nam có thể soán ngôi Thái Lan về xuất khẩu gạo trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh vô cùng gay gắt, chi phí sản xuất gạo của Thái Lan ngày càng cao, tỷ giá đồng bath biến động và hạn hán đe dọa.

Thực tế, những tháng đầu năm nay, trái ngược với các thế mạnh chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam (xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng do đại dịch Covid-19), thì xuất khẩu gạo lại bùng nổ, có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số.

Việt Nam một năm thắng đậm, vượt Thái Lan soán ngôi số 1 thế giới
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu liên tục vượt Thái Lan, Ấn Độ vươn lên top 1 thế giới

Đặc biệt, hai tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu được 66.222 tấn gạo, tổng kim ngạch hơn 37 triệu USD sang thị trường Trung Quốc, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 9.534 tấn, trị giá hơn 4,5 triêu USD. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc gấp gần 7 lần, tương đương tốc độ tăng trưởng lên đến gần 600%. Mức tăng trưởng được xem là chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu gạo sang thị trường 1,4 tỷ dân này.

Đúng như dự đoán của các chuyên gia, tháng 5 năm nay, gạo Việt đón tin vui khi lần đầu tiên trong vượt Thái Lan. Cụ thể, Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan thông tin, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 2,9 triệu tấn và 1,41 tỷ USD, trong khi Thái Lan chỉ đạt 2,57 triệu tấn. Nhờ đó, Việt Nam vượt Thái Lan, soán ngôi số 2 thế giới về xuất khẩu gạo.

Bộ NN-PTNT cũng khẳng định, với khối lượng và giá trị gạo xuất khẩu trong 7 tháng năm 2020, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới.

Không chỉ giữ vững vị trí là thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, giữa tháng 8, gạo Việt Nam – mặt hàng được ví như “hạt ngọc” của nước ta – tiếp tục ghi dấu ấn mới.

Thời điểm đó, theo cập nhật giá gạo xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 493-497 USD/tấn, còn giá gạo cùng loại của Thái Lan chỉ 473-477 USD/tấn; gạo Pakistan từ 423-427 USD/tấn, gạo Ấn Độ giá 378-382 USD/tấn.

VFA cho hay, trong 3 cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới là Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đang ở mức cao nhất, hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan 20 USD/tấn, Pakistan 70 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 115 USD/tấn.

Trong tháng 11, giá gạo Việt Nam lần thứ ba vượt qua giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan, Ấn Độ để vươn lên dẫn đầu thế giới. Những ngày đầu tháng 12 này, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam dao động ở mức 493-497 USD/tấn, cao hơn so với các nhà cung cấp khác trong khu vực như gạo Thái Lan từ 475-485 USD/tấn, gạo Ấn Độ từ 366-370 USD/tấn.

Việt Nam một năm thắng đậm, vượt Thái Lan soán ngôi số 1 thế giới
Nông dân trồng lúa phấn khởi vì lúa liên tiếp trúng mùa, giá cao

Theo các chuyên gia trong ngành, nhu cầu dự trữ gạo của các nước đang tăng, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có thể cán mốc 6 triệu tấn.

Không chỉ vậy, “hạt ngọc” Việt Nam còn khẳng định chất lượng khi gạo ST25 đã xuất sắc đạt giải nhì tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.

Thương lái tranh mua, nông dân một năm trúng đậm

Thị trường gạo thế giới khởi sắc giúp nông dân trồng lúa được một năm trúng đậm, không còn lo đầu ra. Thương lái tới tận ruộng tranh mua, thậm chí còn đặt mua từ lúc lúa còn xanh.

Chia sẻ với PV. VietNamNet trước đó, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho hay, vụ đông xuân ở ĐBSCL đã thu hoạch xong, thương lái xuống tận ruộng mua lúa với giá cao hơn từ 500-1.000 đồng/kg so với năm ngoái.

“Ngoài chuyện lúa được giá cao, vụ này lúa nông dân còn trúng mùa lớn chưa từng có”, ông Cường cho biết. ĐBSCL vụ đông xuân gieo trồng 1,54 triệu ha lúa, năng suất trung bình đạt gần 70 tạ/ha, cao hơn cả năng suất năm 2018 (năm được mùa nhất từ trước đến nay).

Ngoài ra, ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, vụ đông xuân lúa cũng đạt năng suất cao kỷ lục.

Vào vụ thu hoạch lúa hè thu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, xuất khẩu gạo tăng trưởng cao kéo giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL tăng trong tháng 7. Cụ thể, giá lúa tăng từ 200-500 đồng/kg lên mức 5.000-6.700 đồng/kg tùy loại.

Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Trung Thạnh (Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ), thừa nhận rằng, với người nông dân trồng lúa như ông, có lẽ 2020 là một năm hiếm có khi cây lúa né được hạn mặn lịch sử, các vụ liên tiếp được mùa, lúa thu hoạch không bị tồn kho, giá lại tăng cao.

Việt Nam một năm thắng đậm, vượt Thái Lan soán ngôi số 1 thế giới
Thương lái đến tận ruộng tranh mua lúa, thậm chí còn đặt mua từ lúc lúa còn xanh

Như vụ thu đông năm nay, gia đình ông gieo cấy 6ha. Từ khi lúa vẫn còn xanh đã thương lái đặt tiền mua lúa tươi tại ruộng giá 5.700 đồng/kg, cao hơn 500-700 đồng/kg so với năm trước.

Thời điểm đó, tại xã Phú Điền (Tháp Mười, Đồng Tháp), nhiều hộ trồng lúa cũng thừa nhận lúa mới trổ bông, đang vào hạt nhưng thương lái đã đặt mua với giá cao.

Ông Nguyễn Như Cường nhận định, vụ đông xuân năm nay khá khó khăn do xâm nhập mặn sâu và sớm hơn những năm trước. Song, Bộ NN-PTNT đã có dự báo từ sớm, đặc biệt với kinh nghiệm chống hạn mặn năm 2015-2016 nên các tỉnh ở ĐBSCL tránh được hạn mặn.

Kế hoạch né hạn mặn được xây dựng cho từng tỉnh. Lịch gieo cấy được đẩy lên sớm hơn trước 15-30 ngày, đồng thời sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu hạn mặn tốt nhưng cho chất lượng gạo cao. Bên cạnh đó cũng kiên quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những diện tích đã bị xâm nhập mặn. Kết quả, thiệt hại giảm xuống mức thấp nhất, lúa trúng mùa, sản lượng toàn vùng, ông Cường cho hay.

Ông Đỗ Hà Nam – Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam – khẳng định, chiến lược tái cơ cấu giống lúa Việt Nam đã gặt hái thành quả nhất định. Đặc biệt, các địa phương thực hiện các công tác bao bờ để ngăn chặn nước mặn vào lúa rất hiệu quả nên sản lượng có giảm nhưng không đáng kể.

Quan điểm của Bộ NN-PTNT là giảm trồng gạo trắng, loại gạo thấp cấp, hạt cơm rời, sẽ không cạnh tranh lại với Ấn Độ và Pakistan. Đổi lại, việc nhiều địa phương tăng trồng các giống lúa thơm, dẻo, giá cao để chen chân vào các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu… nay đã có kết quả khả quan.

Với những tin vui trên, năm 2020, ngành gạo không những làm tròn trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nông dân trồng lúa còn thắng đậm, xuất khẩu dự kiến thu về 3 tỷ USD.

Theo vietnamnet

Chia sẻ
14:30:52 14-12-2020

2020 có thể nói là năm thắng đậm của gạo Việt Nam khi nông dân trúng mùa lớn, trong khi xuất khẩu gạo liên tiếp vượt Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Vươn lên vị thế số 1 thế giới Đầu năm 2020, GS.TS Võ Tòng Xuân – […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi