Sự kiện - chuyên đề:

Việt Nam thành công trong việc chống vàng hóa nền kinh tế

Những năm gần đây việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam về cơ bản đã không còn; việc huy động, cho vay vốn bằng vàng hoàn toàn chấm dứt.

Khoảng hai tháng trở lại đây, thị trường vàng trong nước và thế giới có sự tăng tốc mạnh mẽ sau một thời gian dài trầm lắng.

Vàng đang trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi giới đầu cơ trong nước dường như quay lưng với kim loại quý.

Giới chuyên gia nhận định, đây là thành công của nhà điều hành Việt Nam trong quyết tâm chống vàng hóa nền kinh tế.

“Chinh phục” đỉnh cao

Giá vàng thế giới gần đây đã có sự bứt phá mạnh, lần đầu tiên vượt mốc 1.450 USD/ounce trong 6 năm, trước những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, những lo ngại về tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu và căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng.

Hợp đồng vàng giao tháng Tám phiên 19/7 vừa qua có thời điểm chạm mức 1.454,4 USD/ounce.

Theo Dow Jones Market Data, mức cao trong phiên cuối tuần và mức chốt phiên 18/7 vừa qua (1.428,1 USD/ounce) là những mức cao nhất của hợp đồng này kể từ giữa tháng 5/2013.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại New York, John Williams, đã có phát biểu được hiểu như một sự ủng hộ đối với việc Fed cắt giảm mạnh lãi suất tại cuộc họp vào cuối tháng Bảy vừa qua, khiến lãi suất trái phiếu và đồng USD đi xuống và đây là hai điều kiện để giá vàng tăng.

Nhà phân tích về đầu tư tại XM.com, Marios Hadjikyriacos cho rằng đó là tín hiệu cho thấy Fed sẽ hành động, tăng khả năng cắt giảm lãi suất đến 50 điểm cơ bản.

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ, ông Jerome Powell cho rằng những bất ổn do căng thẳng thương mại và lo ngại về tăng trưởng toàn cầu tiếp tục cản trở triển vọng phát triển kinh tế Mỹ.

Ngoài ra, ông cho biết sức ép lạm phát vẫn yếu và có nguy cơ lạm phát thấp, thậm chí kéo dài hơn so với dự đoán hiện nay.

Nhận định trên của ông cho thấy Fed để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, động thái đã khiến thị trường vàng có phản ứng tích cực.

Sau cuộc họp kéo dài trong hai ngày 30-31/7 vừa qua, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – bộ phận hoạch định chính sách của Fed đã quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo đó, Fed quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm, từ biên độ 2,25-2,5% xuống 2-2,25%.

Những lo ngại về thương mại toàn cầu cũng là yếu tố chi phối giá vàng. Những căng thẳng đang diễn ra xung quanh các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy nhà đầu tư mua vàng như một tài sản “trú ẩn an toàn.”

Giới phân tích cho rằng việc hai bên vẫn chưa tiến đến một thỏa thuận là yếu tố có lợi cho kim loại quý này.

Bên cạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Mỹ cũng gia tăng sức ép với Liên minh châu Âu (EU) trong một tranh chấp kéo dài về việc EU trợ cấp cho ngành sản xuất máy bay, đồng thời đe dọa áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 4 tỷ USD của khối này.

Một yếu tố cũng đẩy giá vàng lên là những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 2 vừa qua giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba thập niên (6,2%). Hoạt động kinh tế của nước này yếu hơn theo nhận định của giới phân tích sẽ gây ra những tác động trên toàn cầu.

Trong khi đó, những căng thẳng gia tăng tại Trung Đông cũng đang tạo động lực đi lên cho các kim loại quý. Những diễn biến mới đây cho thấy sự leo thang căng thẳng, giữa Iran với Anh và giữa Iran với Mỹ, từ đó, đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng, từ đó đẩy giá kim loại này lên.

Chủ tịch kiêm chiến lược gia toàn cầu tại công ty Independent Stratergy có trụ sở ở Anh, David Roche cho rằng, giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên và chạm mức 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay, một phần do những căng thẳng thương mại quốc tế sẽ tạo tâm lý bi quan cho các nhà đầu tư chứng khoán.

Với triển vọng như vậy, ông Roche khuyến nghị các nhà đầu tư giữ vàng trong danh mục đầu tư của mình, bên cạnh một số trái phiếu của châu Âu và trái phiếu Chính phủ của Mỹ.

Không quá lo lắng về thị trường vàng

Theo đà tăng của giá vàng thế giới, từ đầu tháng Sáu đến nay, giá vàng trong nước cũng “bứt phá” mạnh mẽ.

Kim loại quý đã lần lượt lên các mốc 37 triệu đồng/lượng rồi vọt lên trên 39 triệu đồng/lượng và vượt mốc 40 triệu đồng/lượng vào ngày 19/7 vừa qua. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2013.

Viet Nam thanh cong trong viec chong vang hoa nen kinh te hinh anh 1
Khách hàng giao dịch vàng miếng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhân tố hỗ trợ chính cho giá vàng trong nước là tốc độ bứt phá của giá vàng thế giới khi nhà đầu tư đi tìm “hầm trú ẩn an toàn” trong bối cảnh kinh tế, chính trị có nhiều biến động.

Dù kim loại quý bứt phá mạnh với mức tăng ấn tượng, nhưng thị trường trong nước hầu như không “nổi sóng.”

Giới kinh doanh vàng cho biết, dù có thời điểm vàng tăng “thẳng đứng” nhưng thị trường vẫn vắng bóng nhà đầu tư, người dân thì không mấy mặn mà.

Thực tế cũng đã chứng minh, quyết tâm chống vàng hóa nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước đã làm mất đi sự hấp dẫn của vàng.

Những năm gần đây việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã không còn; việc huy động, cho vay vốn bằng vàng hoàn toàn chấm dứt. Tập quán sử dụng vàng làm thước đo giá trị theo đó cũng dần thay đổi.

Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm vàng thế giới tăng khoảng 10%, vàng trong nước tăng 6,3%, nhưng thị trường khá “êm.” Trước đây, giá vàng chỉ cần tăng 2-3% là người dân đổ xô đi mua, bán vàng.

“Đã đến thời không phải quá lo lắng về thị trường vàng. Mặc dù giá vàng thế giới biến động và giá vàng trong nước có tăng giá, nhưng tôi cho rằng chúng ta đã kiểm soát tốt thị trường vàng thời gian qua.

Chính vì vậy dù thị trường gần đây có biến động, nhưng đã vắng bóng nhà đầu cơ. Bên cạnh đó, tỷ giá trong thời gian qua ổn định hơn khiến cho người dân tin tưởng vào đồng Việt Nam và không còn mặn mà với găm giữ vàng,” tiến sỹ Cấn Văn Lực nói.

Cùng quan điểm này, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, thị trường những ngày qua cho thấy không có dấu hiệu “sốc” tâm lý dù giá vàng thế giới và trong nước cùng biến động mạnh.

Vị chuyên gia này đưa ra 4 yếu tố minh chứng cho nhận định của mình. Thứ nhất, chênh lệch giữa giá mua và bán những ngày qua có được điều chỉnh, nhưng không quá cao. Thứ hai, không có chênh lệch lớn giữa giá vàng nội và vàng ngoại. Thứ ba, không có biến động một ngày vài chục lần, trước đây có ngày điều chỉnh 65 lần.

Và cuối cùng, lần này Ngân hàng Nhà nước không phải phát đi thông điệp nhằm bình ổn thị trường, điều mà trước đây cơ quan này hay công bố mỗi khi thị trường biến động.

“Điều này cho thấy nhà điều hành đã thành công trong kiểm soát thị trường vàng và người dân cũng đã không hào hứng với kim loại quý,” tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nói./.

Theo TTXVN

Chia sẻ
15:29:24 02-08-2019

Những năm gần đây việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam về cơ bản đã không còn; việc huy động, cho vay vốn bằng vàng hoàn toàn chấm dứt. Khoảng hai tháng trở lại đây, thị trường vàng trong nước và thế giới có sự tăng tốc mạnh mẽ sau […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi