Sự kiện - chuyên đề:

Vụ chuyển nhượng đất do cha mẹ để lại ở thị xã Đông Triều: Có dấu hiệu làm giả hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

VHDN: Sau khi Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đăng tải bài viết “Những uẩn khúc trong việc chuyển nhượng thửa đất có nguồn gốc do cha mẹ để lại”, UBND phường Đức Chính (TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã tổ chức buổi làm việc với Luật sư và ông Nguyễn Văn Hồng. Qua buổi làm việc, UBND phường đã cung cấp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên ông Nguyễn Văn Thắm. Tuy nhiên, những người có liên quan đã khẳng định hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ này có dấu hiệu bị làm giả.

Hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ bị làm giả?

Theo hồ sơ, một phần thửa đất số 23, tờ bản đồ địa chính số 39 tại khu Yên Lâm 4, phường Đức Chính, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã được UBND huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) cấp GCNQSDĐ số 750/QSDĐ/ĐC ngày 22/4/2004 mang tên ông Nguyễn Văn Thắm. Ngày 22/12/2022 hộ ông Nguyễn Văn Thắm có đơn đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính và theo hiện trạng sử dụng đất (thửa đất số 840 tách từ thửa 23). Theo trích đo bản đồ địa chính, phần còn lại của thửa đất số 23 tờ bản đồ 39 với diện tích 336m2 đất nông nghiệp mang tên bà Đào Thị Thu (là vợ ông Nguyễn Văn Thắm). Sau đó, hộ ông Nguyễn Văn Thắm đã chuyển nhượng thửa đất số 840 tờ bản đồ 39 cho ông K (trú tại khu Yên Lâm 1, phường Đức Chính, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Ông Nguyễn Đức Dực khẳng định chữ ký tại hồ sơ là chữ ký giả.

Sau khi xem xét hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của ông Nguyễn Văn Thắm, ông Nguyễn Văn Hồng cho rằng việc cấp GCNQSDĐ cho ông Thắm là không đúng quy định. Tại đơn xin kê khai đăng ký quyền sử dụng đất ngày 27/4/2001 của ông Nguyễn Văn Thắm, nguồn gốc thửa đất số 23, tờ bản đồ số 39 là được cha mẹ để lại năm 1985. Tuy nhiên, thời điểm đó mẹ của ông Thắm là bà Lưu Thị Thành còn sống. Tại hồ sơ cấp xin đăng ký quyền sử dụng đất của hộ ông Nguyễn Văn Thắm không thể hiện việc bà Thành tặng cho tài sản cho ông Thắm. Hơn nữa, những thành viên trong gia đình cũng không tiến hành phân chia di sản mà ông Nguyễn Văn Thuyết để lại.

Đáng chú ý, tại Biên bản kiểm tra hiện trạng đất dân cư năm 2001, các chữ ký của các hộ giáp ranh là giả mạo. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Dực (hộ giáp ranh thửa đất số 23, tờ bản đồ số 39) khẳng định: “Đây không phải chữ ký của tôi và tôi chưa bao giờ được biết, được ký bất kỳ văn bản nào liên quan đến thửa đất này”.

Ông Nguyễn Văn Hảo (trú tại khu Yên Lâm 4, phường Đức Chính, thị xã Đông Triều – con trai thứ 2 của bà Nguyễn Thị Thu, là hộ giáp ranh thửa đất số 23, tờ bản đồ số 39) cũng cho biết: “Hộ giáp ranh thì đúng rồi nhưng cụ không ký được như này vì cụ không biết chữ”.

Quan điểm của Luật sư đối với hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ

Luật sư Vũ Hữu Quý – Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh nhận định: Tại thời điểm ông Nguyễn Văn Thắm xin cấp GCNQSDĐ, căn cứ mục IV.1, Thông tư 346/1998/TT-TCĐC của Tổng cục Địa chính hướng dẫn thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp GCNQSDĐ quy định như sau “UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xét để xác định quyền sử dụng đất hợp pháp của từng chủ sử dụng đất trên từng thửa đất khi đăng ký đất ban đầu. Nội dung xét cụ thể là:

+ Xác định rõ nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm sử dụng, những biến động phát sinh trong quá trình sử dụng;

+ Xác định hiện trạng sử dụng về các mặt: mục đích sử dụng, ranh giới sử dụng, tình trạng tranh chấp và một số đặc điểm đặc biệt khác.”

Hồ sơ thể hiện nguồn gốc đất bố mẹ để lại năm 1985; Chữ ký thật và chữ ký bị giả mạo của ông Nguyễn Đức Dực trên hồ sơ.

Đối với trường hợp trên, trong hồ sơ mà UBND phường Đức Chính cung cấp không có bất kì tài liệu nào thể hiện việc phân chia đất từ bố mẹ đẻ của ông Thắm cho ông Thắm. Như vậy, nếu UBND xã không xem xét các tài liệu chứng minh nguồn gốc sử dụng đất mà chỉ xác định gia đình ông Thắm sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch khu dân cư để đề nghị cấp có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Thắm là không đảm bảo các quy định của pháp luật.

Mặt khác, những người liên quan khẳng định với phóng viên, hành vi kê khai không trung thực về nguồn gốc sử dụng đất, giả mạo chữ ký các hộ giáp ranh của ông Thắm để hợp thức hóa hồ sơ và đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Thắm, sau đó chuyển nhượng cho người khác là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Nguyễn Văn Thuyết, bà Lưu Thị Thành, gây nhức nhối trong dư luận. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc để làm rõ, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 5/2023 – Quỳnh Mai – Tô Thương

09:12:13 10-05-2023

VHDN: Sau khi Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đăng tải bài viết “Những uẩn khúc trong việc chuyển nhượng thửa đất có nguồn gốc do cha mẹ để lại”, UBND phường Đức Chính (TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã tổ chức buổi làm việc với Luật sư và ông Nguyễn Văn Hồng. Qua […]

Đối tác của chúng tôi