Sự kiện - chuyên đề:

Vùng đất đóng vai trò trung tâm của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

VHDN: Xô Viết Nghệ-Tĩnh là thiên anh hùng ca bất diệt trong chương đầu “pho sử bằng vàng” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự hội tụ tiêu biểu cho khí phách anh hùng, ý chí kiên cường, bất khuất, lòng yêu nước, ý thức cách mạng của Nhân dân Việt Nam nói chung, con người xứ Nghệ nói riêng. 93 năm (12/9/1930 – 12/9/2023) đã trôi qua nhưng khí thế ngất trời của Phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh những năm 30 của thế kỷ XX vẫn luôn bừng cháy trong mỗi người dân đất Việt. Và Thanh Chương – Vùng đất địa linh nhân kiệt là địa phương đóng vai trò trung tâm của phong trào cách mạng này.

Nằm ở phía Tây Nam xứ Nghệ, từ xưa Thanh Chương đã là vùng đất biên ải. Chỉ với cái ăn, cái mặc, con người đã phải vật lộn, tảo tần. Thiên nhiên không ban tặng sự phì nhiêu, giàu có nhưng quá trình chống chọi với thiên tai, giặc dã đã hình thành khí chất, nhân cách con người nơi đây. Con người yêu nước đến kiệt cùng, gan góc, mạnh mẽ, cương trực, thuỷ chung, son sắt với cách mạng, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, không chịu khuất phục trước các thế lực cường quyền, bất công, ngang trái dù phải hy sinh cả tính mạng của mình. Thanh Chương tự hào với lời ngợi khen của các sĩ phu yêu nước Nghệ Tĩnh cuối thế kỷ XIX: “Cả nước mất, Nghệ Tĩnh vẫn còn, Nghệ Tĩnh mất, làng Lương Điền vẫn chiến đấu”.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) thì ngày 20/3/1930, đại biểu các chi bộ Cộng sản ở Thanh Chương đã tiến hành hội nghị, bầu ra Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Tôn Gia Tinh làm bí thư.

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy Nghệ An ngày 24/4/1930 về việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động ngày 1/5, Huyện ủy Thanh Chương đã họp bàn về việc treo cờ búa liềm, rải truyền đơn trong toàn huyện và mít tinh ở những nơi có điều kiện để diễn thuyết, đưa ra yêu sách đòi quyền lợi cho công nông. Trong ngày 1/5/1930, ở Nghệ An đã diễn ra 3 sự kiện quan trọng: Một là, cuộc biểu tình của công nhân các nhà máy ở Vinh – Bến Thủy và nhân dân 6 xã thuộc hai huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc; hai là, cuộc đấu tranh của 3000 nông dân hai làng Hạnh Lâm, La Mạc ở huyện Thanh Chương; ba là, cuộc biểu tình của 100 thanh niên học sinh Pháp Việt ở chợ Rộ, Thanh Chương. Như vậy, riêng trong ngày 1/5/1930, trên địa bàn huyện Thanh Chương đã tiến hành 2/3 sự kiện đấu tranh lớn với lực lượng và hình thức đấu tranh khá phong phú. Cuộc đấu tranh của nông dân hai làng Hạnh Lâm, La Mạc mang tính chất bạo lực rõ rệt: 3000 nông dân đã kéo vào đồn điền của Ký Viễn phá hết chuồng trại, đốt cháy dinh cơ của tên địa chủ tham tàn. Ký Viễn phải bỏ trốn, Nhân dân thu hồi lại ruộng đất để canh tác. Trong khi đó, cuộc biểu tình của 100 thanh niên học sinh Pháp Việt ở chợ Rộ, Thanh Chương diễn ra cùng ngày, được tổ chức chặt chẽ, tập hợp thanh niên trí thức vào cuộc đấu tranh chung dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đánh giá những sự kiện này, Trung ương Đảng đã khẳng định: “Vẻ vang thay! Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta, công nông binh bắt tay nhau giữa trận tiền!… Thật là một sự thắng lợi lớn lao cho công nông Nghệ Tĩnh, mà cũng là cho cả toàn thể công nông trong nước nữa…”. Ngày 1/6/1930, nông dân và học sinh ở Thanh Chương tiếp tục biểu tình. Được tin, Tri huyện Thanh Chương là Phan Thanh Kỷ vội ra lệnh cho lính canh phòng cẩn mật, đồng thời đích thân ra chợ huyện gặp Nhân dân, nhận đơn khiếu nại, hứa hẹn sẽ giải quyết một số yêu sách của Nhân dân, mới giải tán được đám đông người biểu tình. Tiếp đó, các tháng 6-7/1930, có đến 30 cuộc mít tinh lớn nổ ra trên các địa bàn của huyện…. Đến lúc này, Đảng bộ huyện Thanh Chương có 20 chi bộ và 200 đảng viên. Kẻ địch phó với phong trào đấu tranh của Nhân dân bằng cách đóng thêm nhiều đồn binh, đưa Phan Sĩ Bàng người Võ Liệt về thay Phan Thanh Kỷ làm Tri huyên Thanh Chương nhằm mục đích “dùng quan nhà trị dân nhà”. Nhậm chức, Phan Sĩ Bàng bắt các hương lý phải thu đủ các thức thuế trong vòng 10 ngày, bức dân góp tre, gỗ, bắt phu rào kín phủ đường, làm thêm nhà tù, đóng thêm nhiều gông cùm, ra lệnh truy nã nhằm bắt giam hết những người theo cộng sản. Trước chính sách bóc lột mới của Phan Sĩ Bàng, quần chúng Thanh Chương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã tổ chức các cuộc biểu tình với khẩu hiệu mới: “Không được huy động lính đàn áp bắn giết vào các cuộc biểu tình, bãi công”; “Cấp cơm gạo cho người bị đói”; “Bồi thường cho người bị nạn”; “Chia ruộng đất của đại địa chủ cho dân cày nghèo”…

Rạng sáng ngày 1/9/1930, trên 2 vạn Nhân dân Thanh Chương từ các làng biểu tình trên hai bên bờ sông Lam, có đội tự vệ đỏ mang cờ đỏ búa liềm, tiến đến huyện lỵ, Tri huyện Phan Sĩ Bàng hoảng sợ ra lệnh cho lính bắn vào đoàn người biểu tình, làm một người chết, tinh thần quần chúng thêm hăng hái, quyết liệt hơn. Lập tức, đoàn người biểu tình tràn vào huyện đường, hủy hồ sơ, đốt huyện đường, rồi kéo ra đập phá nhà đại lý hãng rượu Phông Ten, phá ba tòa nhà của Tri huyện Phan Sĩ Bàng. Cuộc biểu tình ngày 1/9/1930 đã kết thúc thắng lợi. Trên thực tế, cuộc biểu tình và bạo động ngày 1/9/1930 đã làm bộ máy cai trị từ huyện đến nhiều làng, xã đã bị tê liệt. Quần chúng Nhân dân chỉ nghe theo sự điều hành của Ban Chấp hành Nông hội đỏ với tên gọi là “Xã Bộ Nông”. Toàn huyện lúc này có 46 chi bộ Đảng, 410 đảng viên, 6.063 hội viên Nông hội đỏ, 1.555 đội viên đội tự vệ đỏ, chính quyền Xã Bộ Nông được thành lập ở 65 làng xã, Như vậy, từ đầu tháng 9/1930, ở huyện Thanh Chương đã manh nha một hình thức chính quyền cách mạng tự quản ở một số làng xã – gọi là Xã Bộ Nông. Sau này Xứ ủy Trung kỳ đã chính thức đặt tên cho hình thức tự quản trên là Xô Viết của quần chúng – Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh có tên từ đó. Tuy nhiên, chính quyền kiểu Xô Viết chỉ tồn tại trong 4-5 tháng, do bị chính quyền của thực dân, phong kiến đàn áp dã man quyết dìm phong trào Xô Viết trong biển máu.

Phong trào cách mạng ở Thanh Chương những năm 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh cho thấy Thanh Chương đóng vai trò là một trung tâm quan trọng của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở mấy điểm sau: Một là, phong trào diễn ra sôi nổi, liên tục và quyết liệt từ thấp đến cao với hình thức và nội dung khá đa dạng, phong phú. Liên tục từ tháng 4/1930 đến khi phong trào bị đàn áp và tạm lắng vào giữa năm 1931, các phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi ở hầu khắp các làng, xã trong toàn huyện, với các hình thức mít tinh, biểu tình, thị uy, bạo lực quần chúng, các hình thức đấu tranh từ thấp đến cao, từ hòa bình đến bạo lực cướp chính quyền cơ sở… Hai là, phong trào cách mạng ở Thanh Chương, với sức mạnh của quần chúng đã đạt được những kết quả vượt mong đợi ban đầu của Tỉnh ủy và Xứ ủy Trung kỳ. Chủ trương ban đầu của Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An là phát động Nhân dân mít tinh ngày Quốc tế Lao động 1/5 nhằm thị uy thanh thế của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa thành lập; đồng thời tuyên truyền và đưa ra yêu sách đòi quyền lợi cho công nông; chưa đặt ra mục tiêu giành và xây dựng chính quyền ở địa phương. Tuy nhiên, trước sức mạnh và sự sáng tạo của quần chúng trong đấu tranh đã buộc chính quyền thực dân phong kiến có thời điểm đã rơi vào tình thế hoang mang, tê liệt. Quần chúng đã lập lên một hình thức Xô Viết mới và tồn tại mấy tháng ở 65 làng xã, dù còn là hình thức sơ khai, nhưng việc tồn tại và thực thi những chính sách tiến bộ, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, đã góp phần tạo niềm tin của quần chúng Nhân dân vào sự lãnh đạo của một Đảng, dù còn rất non trẻ lúc bấy giờ. Ba là, thông qua phong trào cách mạng ở Thanh Chương đã để lại những bài học quý giá cho Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng.

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 9/2023

(Lâm Oanh)

16:23:49 08-09-2023

VHDN: Xô Viết Nghệ-Tĩnh là thiên anh hùng ca bất diệt trong chương đầu “pho sử bằng vàng” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự hội tụ tiêu biểu cho khí phách anh hùng, ý chí kiên cường, bất khuất, lòng yêu nước, ý thức cách mạng của Nhân dân Việt Nam nói chung, […]

Đối tác của chúng tôi