Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dành một khoảng thời gian sau mỗi ngày làm việc để chăm sóc vườn cây, ao cá và hướng dẫn anh chị em cán bộ trong cơ quan tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Nhờ bàn tay chăm sóc của Bác và anh chị em cán bộ, vườn cây, thảm cỏ trong Phủ Chủ tịch cùng hồ nước mát tạo nên một bức tranh thiên nhiên khoáng đạt, môi trường sống trong lành. Cây trong vườn Phủ Chủ tịch rất nhiều loài, tạo thành hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng, làm nên cảnh quan đẹp, cuốn hút, từ lâu đã trở nên thân thuộc, in đậm trong ký ức du khách mỗi khi đến thăm Khu Di tích Bác Hồ.
Cây gắn với kỷ niệm trong cuộc sống của Người. Đó là những cây đa, cây xanh bốn mùa, cây vú sữa, cây bụt mọc… Mỗi cây trồng ở đây đều mang một bài học có ý nghĩa giáo dục sâu sắc hoặc gắn với một câu chuyện cảm động.
Năm 1955, khi nhận cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi biếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xúc động, Người tự tay trồng và chăm sóc cây. Mùa đông, Người dặn các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân và lấy mùn tấp vào gốc để chống rét cho cây. Năm 1958, Người đề nghị đưa cây vú sữa sang trồng cạnh nhà sàn để Người tiện chăm sóc. Tháng 8/1962, nhân dân Nam Tiến (Lâm Thao, Phú Thọ) gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh trái dừa hai mầm, Người căn dặn anh em: “Đây là giống dừa lạ, các cô, các chú nên trồng gần đường để sau này giới thiệu với mọi người”. Nay gốc dừa hai thân ấy đã vươn cao, khoe dáng với du khách và cho bao mùa trĩu quả.
Năm 1965, khi anh em làm vườn định cắt bỏ một chùm rễ đa từ trên cành rủ xuống lơ lửng để khỏi vướng đường đi lại, Bác đã gợi ý cách nối rễ đa xuống đất để vừa không vướng lối đi vừa tạo thế cây vững chắc. Làm theo cách Người hướng dẫn, sau gần 3 năm anh em mới thành công. Khi nghe anh em báo cáo kết quả, Bác nói: “Đưa rễ đa xuống đất tuy là việc nhỏ nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng mà cần phải có lòng kiên trì và quyết tâm. Mọi công việc khác cũng vậy, khi đã có mục đích, có quyết tâm và kiên trì phấn đấu thì ắt sẽ thành công”. Từ đó, cây đa này được đặt tên là Cây đa kiên trì. Hiện nay, trên con đường chính từ Phủ Chủ tịch đến ngôi nhà sàn, hình ảnh 3 nhánh rễ đa nối liền cành xuống đất luôn gợi nhớ về bài học kiên trì mà sinh thời Bác dạy.
Đầu đường Xoài có một cây đa có rễ uốn thành hình vòng tròn, đây là một món quà đặc biệt Bác Hồ dành cho các cháu thiếu nhi. Một buổi sáng, sau trận mưa to gió lớn, khi đi thăm vườn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy một cây đa con ở gốc có một nhánh rễ dài sau trận mưa gió bị đánh bật xuống, trơ trọi trên bãi cỏ. Nghĩ tới các cháu thiếu niên, nhi đồng, Bác đề nghị các đồng chí làm vườn trồng lại cây đa ngay bãi cỏ cạnh giàn hoa phong lan và tạo dáng cho nhánh rễ thành một hình tròn đứng trên mặt đất, để khi cây lớn, vòng rễ rộng hơn, các cháu thiếu nhi mỗi lần vào thăm Bác có thể chạy quanh và chui qua vòng rễ cho vui.
Xung quanh ao cá có rất nhiều cây cổ thụ thuộc họ bách xanh, rễ nhô cao khỏi mặt đất, to, nhỏ, cao, thấp khác nhau. Vì rễ cây có hình dáng như tượng Phật nên loài cây này có tên là bụt mọc. Có một cây bụt mọc ở đầu bên kia chiếc cầu từ nhà sàn bắc qua ao bị mối ăn ruỗng hết hai phần ba thân, anh em định cắt bỏ nhưng Bác đã hướng dẫn cách chữa bệnh cho cây: cạo bỏ hết phần bị mối ăn, lấy rơm và vôi cho vào thân cây để diệt côn trùng và tạo thân giả, sau đó lấy xi măng trát kín bên ngoài để nước mưa không ngấm vào làm hỏng cây, một thời gian sau, cây lại phát triển bình thường. Kể lại câu chuyện trong một hội nghị cán bộ, Người căn dặn: “Cây cối giống như con người, trồng bao nhiêu năm mới được, cứ thấy cây bị bệnh mà chặt đi thì phí công, phí của, nên cây bị bệnh thì phải tìm cách cứu chữa; người mắc khuyết điểm thì phê bình, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm để tiến bộ chứ không nên gạt bỏ”.
Nhiều cây trong vườn không những mang ý nghĩa văn hóa đặc trưng của nhiều miền quê trên đất nước mà còn gắn với tình bè bạn, tình hữu nghị quốc tế. Cạnh nhà sàn có loài cây lá xanh quanh năm được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa về trồng sau một chuyến đi thăm Trung Quốc. Đấy là mùa đông năm 1957, trời lạnh, nhiều cây lá rụng trơ cành nhưng riêng loài cây này lá vẫn xanh tươi. Nghĩ đến anh chị em làm vệ sinh ở các đường phố vất vả sớm khuya, nhất là vào mùa lá rụng, Người nói với anh em trong đoàn tìm một số giống cây loại này mang về, trồng thử trong vườn, nếu phù hợp với khí hậu Việt Nam sẽ đem trồng rộng rãi trên các đường phố để công nhân vệ sinh đỡ vất vả.
Tháng 2/1959, trong chuyến thăm Indonesia, nhân dân đất nước vạn đảo đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh hai cây dừa và Người đã trân trọng đưa về trồng hai bên cầu ao trước nhà sàn. Bác lại cho trồng hai cây y lan cạnh nhau dọc đường ven ao dẫn vào ngôi nhà sàn và đặt tên là cây vũ trụ nhân dịp Liên Xô phóng thành công hai tàu vũ trụ Phương Đông 5 và Phương Đông 6. Tháng 5/1966, khi đi thăm đảo Hải Nam, Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy ở đây có loại cây cọ lấy quả ép dầu làm thực phẩm. Nghĩ đến đời sống của đồng bào vẫn còn quá nhiều khó khăn, Người xin giống cây cọ dầu về trồng thử để nếu cây phát triển tốt, sẽ đề nghị ngành nông nghiệp nhân giống để lấy quả ép dầu cho nhân dân dùng…
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cải tạo, chăm sóc vườn cây trong khu vực Phủ Chủ tịch, “thổi hồn” vào thiên nhiên, làm cho cảnh quan thêm đẹp, môi trường sống trong lành. Khi rảnh việc, Người thường tham gia trồng cây, làm vườn với anh em phục vụ và nhắc: “Các chú các cô trồng cây phải biết để dành đất trồng rau”.
Trong khu vườn Phủ Chủ tịch còn có rất nhiều loài hoa, mỗi loài hoa mang một nét đẹp riêng, gợi nhớ những kỷ niệm về Bác. Trước nhà sàn và dọc theo con đường quanh ao cá có hàng râm bụt đỏ, gợi nhớ làng Sen quê Người. Trước nhà sàn, những khóm mộc, sói, nhài, dạ hương, mẫu đơn đỏ, vàng được trồng trong các ô đất nhỏ làm cho không gian xung quanh nhà sàn luôn phảng phất hương thơm. Hoa phong lan khoe sắc màu tinh khiết. Hoa bưởi, hoa cam tỏa hương thơm ngát. Những cây hoa ban màu trắng, tím, hồng. Ven ao cá, hoa phượng đỏ thắm, hoa chàm liễu đỏ tươi buông sát mặt nước. Những gốc hoàng lan, ngọc lan hương thơm dịu ngọt. Giàn ti gôn đua sắc tím, hồng…
Vườn cây Bác Hồ mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc, không chỉ thể hiện tình yêu thiên nhiên, cách ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống, mà còn thấm đẫm tình yêu thương con người và tình cảm Bác dành cho mọi miền quê trên đất nước Việt Nam. Dù Bác đã đi xa nhưng dưới bàn tay chăm sóc của cán bộ, nhân viên Khu Di tích, vườn cây của Bác vẫn bốn mùa xanh tươi; vườn cây, ao cá, nhà sàn và quần thể Di tích là điểm tham quan ý nghĩa của các đoàn khách quốc tế, đặc biệt, là địa chỉ vô cùng thân thương mà mỗi người con đất Việt luôn ao ước được tới thăm.
Theo Báo Tài nguyên & Môi trường
Khu vực Phủ Toàn quyền Đông Dương cũ, nay là Khu Phủ Chủ tịch – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc từ tháng 12/1954, trước đây không có nhiều loại cây như hiện nay. Từ khi Người về, những khoảng đất trống, um tùm cỏ dại dần dần được cải […]