Chủ nhân của Vườn lan là Điêu Việt Hải. Nhìn chàng trai 29 tuổi thông minh, lịch thiệp bây giờ, ít ai biết rằng, cu cậu mồ côi bố từ lúc lên 7. Ký ức tuổi thơ của Hải cùng đứa em trai kém mình 2 tuổi ở với mẹ là nỗi đói ăn, thiếu mặc, túng bí nhiều bề. Cực chẳng đã, người mẹ đành gửi lại 2 con nhỏ nhờ ông bà nội trông nom để đi học, rồi đi làm ở tỉnh xa. Khi ông bà nội quy tiên, Hải thay mẹ “đứng mũi chịu sào”, tự lo liệu hạnh phúc cho mình và vun vén cho em.
Từ những năm cuối cấp THPT đến khi là sinh viên Trường cao đẳng Y tế Phú Thọ, anh em Hải đã sớm có niềm yêu lan. Chỉ bằng sự ham mê cảm tính, Hải không tiếc thời gian tìm kiếm, lượm lặt các loại lan rừng về gá vào thân cây vườn nhà. Dần dà, niềm ham thích cảm tính trở thành nỗi đam mê khó cưỡng, đủ để định hình một hướng đi. Chú tâm vào lan, Hải rành rẽ các loại lan thường, lan đột biến; tường tận đời sống sinh học của loài hoa vương giả. Cái nghèo không giam cầm được nỗi đam mê. Sau khi cưới vợ, Hải mang toàn bộ số tiền mừng nhỏ nhoi năm chục triệu đồng đi mua một giỏ lan về khởi nghiệp! Từ vốn liếng ban đầu ấy, Điêu Việt Hải vừa miệt mài chăm sóc giữ gốc, vừa tách mầm, sản xuất cây con. Khi đã có tiền nhượng bán lan, Hải lại tìm mua các giống cao cấp hơn; rồi lại chăm gốc, tách mầm, sản xuất cây giống…. Cứ thế, mới sau gần 4 năm lao động miệt mài, thành quả mà Hải có được là khu nhà vườn rộng 350 m2 hội tụ nhiều loài lan quý; từ Năm cánh trắng Phú Thọ, HO, Hải Dương, Phù Mỹ, Thế Hồng Hạc đến Bảo Duy, Bạch Tuyết, Hồng Minh Châu, Người đẹp không tên… Trong đó, một số loài có giá vô cùng đắt đỏ, như Bạch Tuyết, Người đẹp không tên, mỗi centimet trị giá bằng mấy cây vàng và hơn thế.
Với các giống lan quý hiếm, nhà vườn tính số lượng bằng từng centimet, còn ở Hải Hà, nó được tính bằng mét. Cùng tôi đến thăm vườn lan của Hải, ông Toan, ông Bình, ông Bảo – chủ nhân mấy vườn lan có tiếng ở Lâm Thao, Thanh Sơn, thị xã Phú Thọ không ngớt trầm trồ, ngưỡng mộ. Đều là những người chơi lan có thâm niên nhưng họ vẫn mến phục Hải ở sự cầu thị, hiểu biết tập tính và kỹ thuật chăm sóc từng loài để cây khỏe, sinh trưởng tốt cũng như cách tách gốc, ươm kie hiệu quả.
Cô vợ trẻ của Điêu Việt Hải là Đỗ Thị Thu Hà – từng là sinh viên Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ. Trong 5 năm tính từ khi ra trường, Thu Hà đã làm được 4 việc lớn của đời người, là lấy chồng, rồi sinh con; trúng tuyển biên chế viên chức y tế, có việc làm ổn định và chung tay với chồng gây dựng cơ nghiệp, có được một vườn lan giá trị hàng trăm tỷ đồng. Thuộc tuýp phụ nữ “vượng phu, ích tử”, tính cách cởi mở, chan hòa, Thu Hà “tròn vai” cả công việc và gia đình, để chồng chuyên tâm với vườn lan.
Phải thừa nhận rằng, đôi vợ chồng trẻ được cha mẹ đặt tên rất đẹp và khi kết đôi trở thành khái niệm nhiều ý nghĩa. Hải Hà là biển rộng, họ đã lấy hai chữ này để đặt tên cho vườn lan của mình, gửi gắm vào đó cả niềm đam mê, khát vọng. Khi mang tiền mừng đám cưới đi mua lan, Hải chỉ mong muốn có ngày mình được sở hữu 1tỷ đồng. Trời không phụ người siêng năng, đến giờ, ước mơ của 5 năm trước đã trở nên quá nhỏ bé. Từ lan mà đôi vợ chồng trẻ có thu nhập để sắm được ô tô, mua được đất và chi tiêu hàng ngày không phải thắt bóp như xưa. Giờ, họ đang mong mỏi người mẹ đang công tác ở tỉnh xa đủ thời gian tham gia BHXH để được hưu trí, cho gia đình đoàn tụ.
Tôi có đọc một cuốn sách, ở đó người xưa truyền rằng, tuổi Tân Mùi và Ất Hợi, thiếu thời thường không mấy nhàn hạ, nhưng sớm có chí khí, quyết tâm; khi trưởng thành thì làm ăn hưng thịnh, phát đạt. Đó cũng là tuổi dễ sinh nhiều con trai! Chỉ riêng điều này, nghiệm với chủ vườn lan Hải Hà, thấy chẳng sai. Con trai đầu tên là Hải Đăng; tháng trước, họ sinh đôi hai bé trai, đặt tên là Hải Anh và Hải Quân!
Đúng như câu nói của người xưa: “Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”, dù ở nơi hẻo lánh nhưng vườn lan Hải Hà luôn đông người lui tới. Rời nhà vườn, ngược con đường bê-tông có nhiều khúc quanh, ông chủ vườn lan Trang Hùng ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, chia sẻ thực lòng: Rất khâm phục hai em. Lần đầu đến với Vườn lan Hải Hà, tôi như được “kết nối đam mê, dẫn lối thành công”. Các em đã cho tôi và nhiều anh em thêm động lực, niềm tin để gắn bó với lan!
Nguyễn Sản
Nhánh đường bê-tông từ Quốc lộ 32C vào Gò Vải – khu 3 Hùng Đô, xã Lam Sơn, huyện Tam Nông vốn không rộng lại lắm khúc cua. Con đường như chật chội hơn khi ngày nào cũng có hàng chục lượt ô-tô, hàng trăm lượt xe máy vào ra. Phần đông chủ nhân của […]