Sự kiện - chuyên đề:

Vườn lan Phương Can (Thanh Ba-Phú Thọ): Nghĩ khác biệt, làm quyết liệt

VHDN: Mục tiêu hàng đầu của Chương tình xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập và mức sống của người dân. Mặc dù có trong tay tư liệu sản xuất quan trọng nhất là ruộng đất, nhưng bên cạnh những gia đình giàu lên từ trồng trọt, chăn nuôi; vẫn còn không ít hộ nông dân chưa thể thoát nghèo.

Vào lan – thành quả bước đầu là ngôi nhà khang trang.

Chị Nguyễn Thị Phương có vóc người đậm đà, lời nói mạch lạc, cử chỉ dứt khoát. Người mẹ của bốn đứa con luôn tất bật những công việc không tên trong nhà, ngoài đồng. Làm nghề nông nhưng với vài sào ruộng không thể cho một gia đình 6 nhân khẩu cuộc sống tạm gọi là no đủ. Thêm vào đó, đôi chân chị, do ngâm bùn, lội ruộng nên bị thấp khớp mãn tính. Những lý do đó khiến chị đi đến quyết định nhường ruộng cho người khác cấy, còn mình dựng cái quán bán hàng tạp hóa. Chỉ là những mặt hàng tiêu dùng thông thường, nhưng hơn chục năm qua, cái quán nhỏ ven tỉnh lộ 318 cùng với hoa lợi ruộng, vườn, chuồng trại đã giúp gia đình chị trang trải chi tiêu hàng ngày, bớt đi khó khăn trong việc nuôi bốn đứa con ăn học. Từ đôi bàn tay bố mẹ, các con chị đã lớn lên, đến nay đều có gia đình riêng, cuộc sống hạnh phúc.

Khoảng chục năm trở lại đây, ở tỉnh Phú Thọ có nhiều người trồng và kinh doanh lan phi điệp. Từ phi điệp thường, họ tìm đến các giống lan đột biến giá trị cao. Nhờ vậy, nhiều nhà vườn có thu nhập rất khá, có điều kiện tham gia một số hoạt động an sinh xã hội.

Chị Nguyễn Thị Phương – người phụ nữ dám “nghĩ khác biệt, làm quyết liệt”.

Nhận ra điều này, chị Phương mặc dù vẫn duy trì kinh doanh hàng tạp hóa nhưng đã lặng lẽ dồn tiền mua lan, khởi nghiệp đầu tư vào một lĩnh vực mà chị nhìn thấy nhiều triển vọng. Bắt đầu từ mấy chục kie 5 cánh trắng Phú Thọ, H.O… mua từ các nhà vườn uy tín như: Giang Khánh Đặng, An Phú, chị Phương đã chứng minh cho chồng thấy rõ hiệu quả của nghề mới.

Khi đã có sự “thuận vợ thuận chồng” về hướng đầu tư mới, anh Nguyễn Ngọc Can đồng ý để vợ nhượng bớt ruộng đất, bán cả bê lẫn bò mẹ, lấy vốn “vào lan”. “Vào lan” – đó là thuật ngữ nói về khởi sự việc chơi lan và kinh doanh lan phi điệp đột biến. Chị Phương đã “khởi sự” bằng nỗ lực và niềm tâm huyết, để đi tới thành công. Miệt mài ươm, nhân thêm giống, lại có duyên với cả việc mua vào lẫn bán ra, nên chỉ sau vài năm, vợ chồng anh chị Can Phương đã có một khu vườn đẹp, với hàng trăm giò lan quý, nhiều người ngưỡng mộ.

Sau mấy chục năm ở nhà cấp bốn, nhờ trồng lan mà anh chị đủ tiền xây được ngôi nhà hiện đại, khang trang, tiện nghi đầy đủ và mua được vài mảnh đất ở… Bằng kết quả thực tế của chính mình; chị Phương đã truyền cảm hứng, động lực, chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí còn là một bảo đảm để các con cùng “vào lan” một cách tự tin. Trong số 4 người con, cô gái đầu có công ty riêng tại Hà Nội, còn 3 người sống ở Bắc Giang, Phú Thọ. Bên cạnh một nghề mà bố mẹ cho ăn học, họ đều sớm đến với một “nghề phụ” nhưng lại cho “thu nhập chính” – đó là trồng và kinh doanh lan. Nhờ đó, các con chị đều đã sắm được ô – tô; có nhà và đất làm nhà, cuộc sống ổn định. Với chị và các con, mỗi giò lan quý đều gắn với một kế hoạch mua sắm, đầu tư cụ thể. Chẳng hạn, giò này để thêm tiền mua xe, giò kia để dành tiền xây nhà,…Trong giai đoạn hiện nay, “ly nông bất ly hương” đang là một xu thế để người nông dân tham gia quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Việt Nam đang là một trong số quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Nếu không tích tụ đủ ruộng đất để sản xuất hàng hóa thì người nông dân khó có thể làm giàu từ trồng trọt. Vậy nên, để không rơi vào “bất ổn”, phải đảm bảo sản xuất lương thực ở mức đủ tiêu dùng; tập trung đầu tư vào các lĩnh vực khác có hiệu quả hơn đang là sự lựa chọn của nhiều gia đình. Đi vào trồng lan đột biến như gia đình anh chị Can – Phương là sự lựa chọn như thế; tư duy đột phá để vừa có thu nhập cao hơn thuần nông, vừa tiếp cận công nghệ mới; vừa tạo cảnh quan “xanh, sạch, đẹp”… để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vợ chồng anh chị Can – Phương trao đổi kinh nghiệm trồng lan cùng chủ vườn An Phú.

Cọ và chè là hai cây đặc trưng cho vùng quê trung du. Giữa ngôi nhà và vườn lan, khi xây dựng, chị Phương vẫn giữ bằng được một cây cọ cao vút. Chớm lạnh, có đôi chim từ phương Bắc di trú về làm tổ tránh rét trong một bẹ cọ. Bất chợt nhìn thấy đôi chim chăm chỉ nhặt rác, tha mồi, tôi chợt liên tưởng đến chủ nhân ngôi nhà này cũng đã bao năm tần tảo nuôi con.

Bằng suy nghĩ khác biệt, vào cuộc quyết liệt, người phụ nữ ngoài năm mươi tuổi đã cùng chồng có thành công bước đầu, tạo được uy tín và thương hiệu cho “Vườn lan Phương Can” ở khu 1, xã nông thôn mới Đông Thành, huyện Thanh Ba. Đây cũng là địa chỉ tin cậy chia sẻ các giống lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ, H.O, Hồng Yên Thủy, Bạch Tuyết…cho những người cùng sở thích, để ai cũng có thể làm giàu…

Nguyễn Sản

15:14:07 09-12-2020

VHDN: Mục tiêu hàng đầu của Chương tình xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập và mức sống của người dân. Mặc dù có trong tay tư liệu sản xuất quan trọng nhất là ruộng đất, nhưng bên cạnh những gia đình giàu lên từ trồng trọt, chăn nuôi; vẫn còn không […]

Đối tác của chúng tôi