Sự kiện - chuyên đề:

Đền voi phục

VHDN: Đền Voi Phục là nơi thờ thần Linh Lang Đại Vương – vị thần giúp nhà vua coi sóc an bình phía tây Hoàng Thành. Đền được xem là một trong những nơi linh thiêng bậc nhất của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

 Cổng vào đền Voi Phục(ảnh minh họa nguồn internet)

Linh Lang là hoàng tử con thứ tư của vua Lý Thánh Tông. Mẹ là Cảo Nương người làng Bồng Lai, huyện Đan Phượng, Hà Tây cùng gia đình ra Thị Trại (Trại Chợ) sinh sống. Là một thiếu nữ xinh đẹp, nhan sắc hơn người. Vua Lý Thánh Tông gặp gỡ và đem lòng yêu mến, nhà vua mang 100 lạng vàng đến sính lễ, rước về làm cung phi.

Ngày 13-12 năm Giáp Thìn, nàng sinh hạ được hoàng tử – vua mừng rỡ đặt tên con là Hoàng Chân.

Năm 1076 nhà Tống sai Triệu Tiết, Quách Quỳ thống lĩnh phối hợp với quân Chiêm sang xâm lược nước ta. Hoàng tử xin vua cha một ngọn cờ hồng, một cây giáo dài, một thớt voi đực thống lĩnh hơn 10 vạn quân cùng 121 binh sĩ Thị Trại. Hoàng tử vươn vai vụt cao 9 thước và hô lớn “Ta là Thiên tướng” con voi vội quỳ phục xuống (Đền mang tên đền Voi Phục), chàng nhảy lên lưng voi xông ra trận tuyến. Quân giặc Tống xâm lăng bị đánh tan tác phải rút chạy về nước.

Vua cha muốn nhường ngôi cho Hoàng Chân nhưng chàng từ chối xin vua cha được trở về Thị Trại. Ít lâu sau chàng mang bệnh nặng, Hoàng Chân tâu với vua: “Con không phải là người trần thế, giờ con được lệnh phải ra đi”. Hoàng tử hóa thành giao long dài 10m trườn mình xuống hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) biến mất.

Với hình thức văn hóa dân gian, nhân dân đã thần thánh hóa hình tượng Hoàng Chân (chàng trai con vua) vô cùng linh thiêng và cung kính đặt tên Linh Lang Đại Vương để tỏ lòng tôn thờ, biết ơn vị thần đầy quyền uy canh giữ phía Tây kinh thành Thăng Long chống giặc ngoại xâm.

Sách “Hà Thành linh tích cổ lục” trang 497 có ghi “Thần Linh Lang vốn là con thứ năm của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đến triều Lý Thánh Tông, đất nước lâm nguy trước nạn giặc ngoại xâm, thần giáng sinh làm con vua Lý Thái Tông và cung phi Hạo Nương”.

Đền Voi Phục hiện ở trên đường Cầu Giấy, Kim Mã thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền được xây trên gò Long Thủ (đầu rồng) vào năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) đời vua Lý Thánh Tông.

Đường vào đền có 9 cây muỗm cổ thụ đã 900 tuổi cao lớn, xanh tốt trồng vòng quanh đền cùng thời điểm xây dựng ngôi đền (số 9 là con số hạnh phúc tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn). Chung quanh đền những rặng sị, lau, cây hoa lan vàng anh… rợp bóng mát, ngát hương thơm. Sau đền là rừng nứa, di tích một khu rừng cổ mang cảnh quan thiên nhiên một thời xa xưa của kinh thành hoa lệ.

Hình tượng voi phục ở đền Voi Phục. 

Vùng đất Thị Trại được vua sắc phong lập đền thờ Linh Lang Đại vương. Người dân Thị Trại được miễn những khoản phu phen tạp dịch để chuyên phục dịch cúng lễ Linh Lang Đại vương.

Thị Trại đổi tên là Thủ Lệ (nơi gìn giữ tục lệ hương khói đền Voi Phục” thờ phụng Hoàng tử Linh Lang. Vị Hoàng tử luôn cống hiến sức mình để bảo vệ bờ cõi giữ ấm no cho nước Việt.

Khi nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông, nhà Lê Tiễu trừ Mạc thị, các vị tướng xuất trận đều tới đền thờ Linh Lang Đại vương cầu đảo và đều giành thắng lợi vẻ vang. Vua Trần Thái Tông hàm ơn sắc phong thêm 5 chữ.

“BÌNH MÔNG VƯƠNG THƯƠNG ĐẲNG”

Triều Lê Trung Hưng phong thêm 8 chữ:

“PHỐI ĐỒNG THIÊN ĐỊA – VẠN CỔ LƯU TRUYỀN”

Trải qua các triều đại từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn sau này đều phong ngài là “Thượng Đẳng Thần”. Khi quân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất ngày 21-12-1873, nghĩa quân ta đã phục kích ở cổng đền Voi Phục, diệt gọn một toán quân Pháp, trong đó có tên chỉ huy là Behny. Cùng ngày ở đường Giảng Võ, chủ tướng của chúng là Francis – Garnier cũng phải đền tội.

Ngày 19/5/1883 tại ngôi đền Voi Phục, Tôn Thất Thuyết cùng Lưu Vĩnh Phúc đã đóng quân tại đền mai phục giết chết 2 tên quan năm là Villers và Hăng ri Rivie cùng hàng trăm tên lính Pháp bỏ mạng dọc con phố.

Đền Voi Phục, ngôi đền lưu giữ sự tích một anh hùng có công đánh giặc ngoại xâm thời kỳ đất nước mới giành độc lập.

Đền thờ có câu đối:

Đông Cung phút chốc cưỡi rồng bay, vẫn đây truyền thắng tích,

Trấn Tây mãi mãi có VOI PHỤC. Muôn thuở vững miếu thờ.

Lê Nhật Tăng

14:35:01 08-11-2017

VHDN: Đền Voi Phục là nơi thờ thần Linh Lang Đại Vương – vị thần giúp nhà vua coi sóc an bình phía tây Hoàng Thành. Đền được xem là một trong những nơi linh thiêng bậc nhất của Thủ đô ngàn năm văn hiến.  Cổng vào đền Voi Phục(ảnh minh họa nguồn internet) Linh […]

Đối tác của chúng tôi