Sự kiện - chuyên đề:

Xăng dầu giảm mạnh, CPI tháng 7 tăng thấp nhất trong hơn 1 năm

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, CPI tháng 7/2022 tăng nhẹ 0,4% (thấp nhất kể từ tháng 1/2021), dù 10/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Riêng nhóm giao thông giảm 2,85% do giá xăng dầu trong nước giảm, giảm đáng kể áp lực lên CPI.

So với tháng trước, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng mạnh nhất (+1,37%), theo sau là văn hóa, giải trí và du lịch (+0,79%), nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,49%), hàng hóa và dịch vụ khác (+0,43%)…

Trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thực phẩm tăng mạnh, tập trung ở một số mặt hàng như thịt lợn, gia cầm, hải sản, dầu ăn, rau xanh.

Cụ thể, thịt lợn có mức tăng mạnh nhất (+4,29% so với tháng trước), do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm. Tính đến ngày 25/7, giá thịt lợn hơi cả nước dao động khoảng 65.000-72.000 đồng/kg, tăng 3.000-10.000 đồng/kg so với tháng trước. Theo đó, giá thịt chế biến tăng 1,73% so với tháng trước, trong đó thịt quay, giò chả tăng 1,81%; thịt hộp tăng 1,02%; thịt chế biến khác tăng 0,49%.

Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 7/2022 tăng 1,28% so với tháng trước do giá nguyên liệu chế biến ở mức cao và tháng 7 là cao điểm du lịch. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng 7 tăng 0,79% so với tháng trước chủ yếu do giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 1,99%; du lịch ngoài nước tăng 0,32% và khách sạn, nhà khách tăng 0,76% khi nhu cầu du lịch nội địa tăng cao vào dịp hè.

Ở kỳ điều hành ngày 21/7, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 giảm còn 25.070 đồng (giảm 2.710 đồng), xăng RON 95 là 26.070 đồng (giảm 3.600 đồng). Mặt bằng giá xăng trong nước đã về ngang với hồi tháng 2 năm nay.

Giao thông là chỉ số giá duy nhất giảm trong tháng 7/2022. Mức giảm 2,85% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 1/7, 11/7 và 21/7. So với tháng trước, giá xăng đã giảm 8,68%, giá dầu diezen giảm 4,03%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7/2022 tăng 3,14%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2022 tăng 0,58% so với tháng trước, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Theo TPO

10:40:38 29-07-2022

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, CPI tháng 7/2022 tăng nhẹ 0,4% (thấp nhất kể từ tháng 1/2021), dù 10/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Riêng nhóm giao thông giảm 2,85% do giá xăng dầu trong nước giảm, giảm đáng kể áp lực lên CPI. So với tháng […]

Đối tác của chúng tôi