Sự kiện - chuyên đề:

Xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp

VHDN: Môi trường văn hóa trong doanh nghiệp là một trong những khái niệm cơ bản trong nghiên cứu và thực hành về môi trường văn hóa. Môi trường văn hóa trong doanh nghiệp là tổng thể hữu cơ các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể bao quanh con người của doanh nghiệp (chủ thể văn hóa), có quan hệ tương tác đối với con người của doanh nghiệp và tác động lẫn nhau.

Các yếu tố cấu thành môi trường văn hóa trong doanh nghiệp.

Các yếu tố cấu thành môi trường văn hóa trong doanh nghiệp

Hiện nay, cùng với môi trường sinh thái và môi trường xã hội, môi trường văn hóa giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Môi trường văn hóa lành mạnh sẽ là cơ sở để phát triển bền vững, đẩy lùi tiêu cực, góp phần gìn giữ môi trường tự nhiên, ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Các Nghị quyết của Đảng về văn hóa như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (2014) đều rất chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Nghị quyết Trung ương 9, khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (2014) đã nhấn mạnh mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Môi trường văn hóa phải được xây dựng đồng bộ, đó là việc tạo dựng môi trường văn hóa trong hệ thống chính trị, trong cộng đồng dân cư, ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN), trường học và mỗi gia đình. Như vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa nói chung bao hàm việc xây dựng môi trường văn hóa trong các doanh nghiệp.

Môi trường văn hóa trong doanh nghiệp là một trong những khái niệm cơ bản trong nghiên cứu và thực hành về môi trường văn hóa. Môi trường văn hóa trong doanh nghiệp là tổng thể hữu cơ các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể bao quanh con người của doanh nghiệp (chủ thể văn hóa), có quan hệ tương tác đối với con người của doanh nghiệp và tác động lẫn nhau. Môi trường văn hóa trong DN là môi trường chứa đựng những giá trị văn hoá và diễn ra các quan hệ văn hoá, các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hoá của DN. Các yếu tố cấu thành môi trường văn hóa trong DN bao gồm thiết chế và cảnh quan văn hóa của DN; các giá trị và chuẩn mực hành vi của DN; các hoạt động và sản phẩm văn hóa của DN.

Tầm quan trọng của xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp

Ngày nay, khi văn hoá đã trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của đời sống xã hội, vấn đề xây dựng môi trường văn hoá nói chung và môi trường văn hóa trong doanh nghiệp nói riêng là việc làm vô cùng quan trọng và bức thiết. Điều này càng được khẳng định mạnh mẽ khi mà doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt trong việc phát triển kinh tế đất nước. Môi trường văn hóa trong doanh nghiệp tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên trong doanh nghiệp.

Môi trường văn hóa trong DN tích cực tạo ra một bầu không khí lành mạnh, kích thích nguồn nhân lực của nó làm việc hiệu quả, ứng xử với nhau nhân văn và trung thành với các triết lý và giá trị của DN. Môi trường văn hóa trong doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ, hữu cơ với phương thức ứng xử, giao tiếp của DN với khách hàng và xã hội và góp phần không nhỏ vào việc đáp ứng các yêu cầu về mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững đã trở thành một xu hướng chủ đạo, chiến lược quan trọng trong định hướng phát triển của DN và cần được đào sâu nghiên cứu.

Tình hình và giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong DN của DN Việt Nam

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, việc xây dựng môi trường văn hóa trong DN đã được nhiều DN Việt Nam quan tâm và đã đạt nhiều kết quả. Nhiều DN đã quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa như nhà truyền thống, không gian sinh hoạt ngoài trời, phòng thể dục thể thao, trồng nhiều cây xanh, cấu trúc văn phòng thuận tiện cho làm việc. Một số DN đã chủ động xác lập và lồng ghép các giá trị văn hóa (tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi…) vào mọi hoạt động của DN. Rất nhiều DN đã có Bộ quy tắc ứng xử được sử dụng như cẩm nang hướng dẫn công việc cho người lao động; đã có chính sách chăm sóc sức khỏe khá tốt và tạo được sự bình đẳng trong môi trường lao động. Nhiều DN đã tổ chức hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng như teambuiding, các kỳ nghỉ, các chuyến dã ngoại và đã có các sản phẩm văn hóa như tập san DN….

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, công tác xây dựng môi trường văn hóa trong các DN Việt Nam nhìn chung mới đang ở mức bình thường và còn không ít hạn chế, yếu kém. Nhận thức về sự cần thiết phải xây dựng môi trường văn hóa trong DN của không ít lãnh đạo DN chưa sâu sắc; còn mắc bệnh hình thức, chạy theo thành tích, chưa chú ý đến chất lượng, hiệu quả; nội dung, hình thức tiến hành chậm đổi mới, thiếu linh hoạt, chưa bám sát thực tiễn, thiếu năng động, sáng tạo. Các thiết chế văn hóa ở đa số DN còn thiếu thốn, hiệu quả hoạt động thấp. Các hoạt động văn hóa, các sản phẩm văn hóa chủ yếu mang tính hình thức, chưa thật sự trở thành các yếu tố thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Việc xây dựng môi trường văn hóa trong DN của Việt Nam những năm qua chưa trở thành một hoạt động được quan tâm hàng đầu của DN; chưa trở thành một phong trào xã hội rộng lớn, mang lại hiệu ứng tốt cho DN.

Để xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp Việt Nam những năm tới đạt hiệu quả cao, cần chú ý một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho lãnh đạo DN và toàn thể người lao động của DN về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong doanh nghiệp. Phải tuyên truyền, giáo dục để mọi người thấy rằng đây là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển của DN.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đồng hành và làm gương của lãnh đạo DN trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá của DN.

Đây là giải pháp có tính chất quyết định tới việc nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa của DN. Để làm được điều đó, hằng năm, lãnh đạo các cấp cần xác định rõ mục tiêu, chủ trương, biện pháp lãnh đạo, xây dựng chương trình hành động sát đặc điểm, tình hình doanh nghiệp và cụ thể hóa bằng kế hoạch tổ chức thực hiện với những chỉ tiêu, biện pháp phù hợp, có tính khả thi.

Ba là, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa; tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hoạt động văn hóa trong xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú của DN. Trên cơ sở kế hoạch đã xác định, cần cụ thể hóa bằng những hoạt động văn hóa phong phú, lành mạnh, phù hợp với đặc thù của DN và thị hiếu của người lao động.

Bốn là, xây dựng và thực thi Bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong DN. Bộ tiêu chí sẽ góp phần đưa công tác xây dựng môi trường văn hóa trong DN đi vào chiều sâu, khắc phục được tồn tại và hạn chế về chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian vừa qua. Các tiêu chí, tiêu chuẩn về môi trường văn hóa trong DN phải dễ thuộc, dễ nhớ, dễ vận hành và thuận lợi trong kiểm tra, đánh giá.

PGS. TS DƯƠNG THỊ LIỄU

Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh

 

 

15:41:27 10-08-2022

VHDN: Môi trường văn hóa trong doanh nghiệp là một trong những khái niệm cơ bản trong nghiên cứu và thực hành về môi trường văn hóa. Môi trường văn hóa trong doanh nghiệp là tổng thể hữu cơ các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể bao quanh con người của […]

Đối tác của chúng tôi