Sự kiện - chuyên đề:

Xây dựng và phát triển Văn hóa, con người Bắc Ninh trong thời kỳ mới

VHDN: Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung đầu tư nguồn lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh toàn diện, trở thành mục tiêu, động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh bền vững.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị Văn hóa tỉnh Bắc Ninh năm 2022.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung, sau 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn được quan tâm.

Nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, con người đối với sự phát triển có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động, sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng; hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được đầu tư bảo tồn, tôn tạo khoa học, từng bước phát huy giá trị.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Sự phát triển văn hóa, con người chưa đồng bộ, chưa ngang tầm với vai trò và tương xứng với tăng trưởng kinh tế; chưa phát huy tối đa lợi thế nguồn lực văn hóa, con người trong phát triển đô thị, kinh tế – xã hội của tỉnh.

Vì vậy, việc ra đời Nghị quyết số 71-NQ/TU mới đây về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Nhằm tạo sự đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trong phát triển văn hóa, xây dựng con người, cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; đồng thời tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Bắc Ninh – Kinh Bắc trong thời kỳ mới.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cần tập trung đầu tư các thiết chế văn hóa hiện đại, đồng bộ hóa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, tăng nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích thành lập và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phát triển các thiết chế văn hóa ngoài công lập. Tỉnh xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ văn hóa, nghệ thuật phù hợp, có trình độ chuyên môn, năng lực, khắc phục triệt để tình trạng chắp vá, bố trí cán bộ không đúng sở trường chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa. Cùng với đó, tỉnh cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Bắc Ninh trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Theo đó, Bắc Ninh cần nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế với 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư trên địa bàn để chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, tăng cường giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh đến với bạn bè quốc tế; đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa của các nước, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Kinh Bắc.

Mai Hương

08:57:32 10-11-2022

VHDN: Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung đầu tư nguồn lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh toàn diện, trở thành mục tiêu, động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh bền vững. Theo […]

Đối tác của chúng tôi