Sự kiện - chuyên đề:

Xây dựng và phát triển Văn hóa doanh nhân, Văn hóa doanh nghiệp

VHDN: Trong bối cảnh toàn cầu hoá, chuyển đổi số và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, văn hoá doanh nhân và văn hoá doanh nghiệp đã trở thành yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế quốc dân. Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp nhằm tập trung trí tuệ, thống nhất ý chí và sức mạnh của tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp để cùng phấn đấu cho những mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài, không ngừng hoàn thiện, phát huy bản sắc, sức mạnh văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp làm nền tảng và động lực cho doanh nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững và trường tồn.

 

1. Khái niệm và sự cần thiết phải xây dựng văn hoá doanh nhân, doanh nghiệp

Văn hoá doanh nhân là tập hợp các giá trị, chuẩn mực, niềm tin, phong cách sống và hành xử của doanh nhân trong hoạt động kinh doanh và trong đời sống xã hội. Đó là sự kết tinh giữa trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội và khát vọng cống hiến của doanh nhân.

Doanh nhân Nguyễn Đình Thắng

Trách nhiệm của doanh nhân đối với bản thân là không ngừng học hỏi, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện và giữ gìn sức khoẻ, cân bằng cuộc sống, phát triển bản lĩnh, trí tuệ. Trách nhiệm với gia đình là chỗ dựa tinh thần, vật chất, giữ gìn hạnh phúc, làm tấm gương cho thế hệ mai sau. Trách nhiệm với doanh nghiệp là lãnh đạo bằng tâm – tầm – tín – tài, truyền cảm hứng, khát vọng vươn lên, xây dựng môi trường làm việc nhân văn và phát triển bền vững. Trách nhiệm với xã hội là lòng trắc ẩn, yêu thương, chia sẻ với cộng đồng, bảo vệ môi trường, đóng góp cho sự phát triển chung, kiến tạo và lan toả giá trị nhân văn.

Văn hoá doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, niềm tin, truyền thống, cách ứng xử và phong cách làm việc được hình thành, duy trì và phát triển trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp là “linh hồn”, là bản sắc riêng biệt, tạo nên sức mạnh nội lực, sự gắn kết và động lực phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Xây dựng và phát triển văn hoá doanh nhân và doanh nghiệp giúp định hướng hành động, tạo niềm tin, uy tín với đối tác, khách hàng, xã hội; là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, thích ứng linh hoạt với biến động thị trường; góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao vị thế doanh nghiệp và quốc gia trên trường quốc tế.

2. Văn hoá doanh nhân và văn hoá doanh nghiệp có mối quan hệ biện chứng, gắn bó chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau

Doanh nhân chính là “người khởi nguồn”, “người gieo hạt” cho văn hoá doanh nghiệp. Phẩm chất, tư duy, khát vọng, giá trị sống của doanh nhân sẽ định hình, lan toả, tạo nên văn hoá của doanh nghiệp mình. Một doanh nhân có tầm nhìn, khát vọng, đạo đức, sáng tạo sẽ xây dựng nên một doanh nghiệp có bản sắc mạnh và phát triển bền vững.

Doanh nhân Nguyễn Đình Thắng – Thành viên sáng lập, Phó Chủ tịch mạng lưới Cựu Sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân toàn quốc, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập mạng lưới.

Ngược lại, văn hoá doanh nghiệp chính là “mảnh đất” nuôi dưỡng doanh nhân. Môi trường doanh nghiệp với các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp sẽ giúp doanh nhân phát huy tối đa năng lực, sáng tạo, truyền cảm hứng cho tập thể cán bộ nhân viên của doanh nghiệp.

Văn hoá doanh nhân và doanh nghiệp có tác động biện chứng, tương hỗ hai chiều. Văn hoá doanh nhân chuẩn mực, nhân văn sẽ tạo ra văn hoá doanh nghiệp chuẩn mực, nhân văn, phát triển bền vững, và ngược lại, một doanh nghiệp có văn hoá tốt sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, phát triển những doanh nhân xuất sắc cho xã hội.

3. Quá trình định hướng, xây dựng văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp

Định hướng xây dựng văn hoá doanh nhân cần đặt con người, đạo đức, trách nhiệm xã hội làm trung tâm. Cần tạo nên và duy trì phong trào thi đua sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khuyến khích mọi người không ngừng học hỏi, phát triển bản thân, nắm bắt cơ hội và thích ứng với thay đổi.

Doanh nhân được vinh danh là người đóng góp cho CNTT Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024) tại Tp. HCM.

Xây dựng văn hoá doanh nghiệp cần phải xác định tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức, môi trường làm việc nhân văn, công bằng. Khuyến khích chia sẻ, hợp tác, sáng tạo trong toàn doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo, truyền thông, lan toả giá trị văn hoá tới từng thành viên trong doanh nghiệp. Ví dụ thực tiễn điển hình về văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam: (i) Vinamilk: Xây dựng văn hoá “Vươn cao Việt Nam”, lấy chất lượng, sáng tạo, trách nhiệm xã hội làm nền tảng. Các chương trình tặng sữa cho trẻ em nghèo, phát triển sản phẩm dinh dưỡng phù hợp từng lứa tuổi, vùng miền. (ii) FPT: Văn hoá “Tôn đổi đồng” – tôn trọng cá nhân, đổi mới sáng tạo, đồng đội gắn kết. FPT khuyến khích nhân viên đề xuất ý tưởng mới, tổ chức các cuộc thi sáng tạo, xây dựng môi trường làm việc mở, thân thiện.

4. Văn hoá ứng xử của doanh nhân và doanh nghiệp

Ứng xử là biểu hiện cụ thể của văn hoá doanh nhân và doanh nghiệp trong các mối quan hệ nội bộ và bên ngoài. (i) Với nhân viên là sự tôn trọng, lắng nghe, ghi nhận, tạo cơ hội phát triển, đối xử công bằng. (ii) Với khách hàng là sự trung thực, tận tâm, lấy khách hàng làm trung tâm, cam kết chất lượng sản phẩm, dịch vụ. (iii) Với đối tác là hợp tác trên tinh thần cùng có lợi, minh bạch, giữ chữ tín. (iiii) Với xã hội là trách nhiệm cộng đồng, bảo vệ môi trường, đóng góp cho sự phát triển chung. (iiii) Với bản thân là khát vọng vươn lên, tinh thần phấn đấu, không ngừng học hỏi, giữ gìn đạo đức, bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Doanh nhân Nguyễn Đình Thắng tham gia toạ đàm “Xây dựng Văn hoá Doanh nghiệp” tại Hội Doanh nghiệp tỉnh Bình dương, 8/2023.

5. Giá trị cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp và xã hội nói chung

Vào tháng 2/2022, tôi và người học trò của tôi – Michelle Nguyễn, đã ra mắt, phát hành sách “AI trong kỷ nguyên khai sáng toàn cầu” do tôi định hướng về giá trị cốt lõi và nội dung chính. Trong cuốn sách này, tôi đã viết về giá trị cốt lõi: “Mọi giá trị do con người tạo ra nhằm phục vụ hạnh phúc của con người” và nền tảng để phát triển bền vững là: “Sáng tạo – Kết nối – Chia sẻ”. Cuốn sách song ngữ Việt – Anh này đã được Tổ chức AIWS Thế giới và Diễn đàn Toàn cầu Boston – Mỹ nhận xét: “Cuốn sách AI trong kỷ nguyên khai sáng toàn cầu sẽ góp phần tích cực vào công cuộc tái định hình thế giới, tạo dựng kỷ nguyên khai sáng toàn cầu – mục tiêu của Sáng kiến Liên Hợp Quốc 100 năm (UN100)”.

Doanh nhân Nguyễn Đình Thắng tại Lễ kỷ niệm 249 năm Ngày Độc lập của nước Mỹ.

Triết lý “Mọi giá trị do con người tạo ra nhằm phục vụ hạnh phúc của con người”, có thể coi là giá trị cốt lõi cho mọi hoạt động sáng tạo, đổi mới trong doanh nghiệp và xã hội. Sáng tạo không chỉ để tối đa hoá lợi nhuận, mà phải hướng tới nâng cao chất lượng sống, mang lại niềm vui, sự phát triển toàn diện cho con người và thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mọi sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, quy trình sáng tạo… đều phải trả lời được câu hỏi: “Có thực sự phục vụ hạnh phúc của con người không?” Doanh nghiệp cần lấy sự hài lòng, hạnh phúc của nhân viên, khách hàng, cộng đồng làm thước đo thành công của mình.

6. Xây dựng văn hoá để phát triển bền vững Doanh nghiệp

Theo tôi, “Sáng tạo – Kết nối – Chia sẻ” chính là kim chỉ nam, là phương châm xây dựng văn hoá để phát triển bền vững của doanh nghiệp. (i) Sáng tạo là động lực phát triển, giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh, tạo ra giá trị mới, khác biệt. (ii) Kết nối là xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên, giữa doanh nghiệp với khách hàng, đối tác, cộng đồng. Kết nối là nền tảng của sức mạnh tập thể. (iii) Chia sẻ là chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, cơ hội, nguồn lực, thành quả và trách nhiệm xã hội. Chia sẻ giúp lan toả giá trị, tạo sự đồng thuận, phát triển bền vững. Các doanh nghiệp như Google, Microsoft, Apple, FPT, Vinamilk… đều xây dựng văn hoá khuyến khích sáng tạo, kết nối mở, chia sẻ ý tưởng, kiến thức, thành quả giữa các phòng ban, cá nhân và cộng đồng xã hội.

Doanh nhân Nguyễn Đình Thắng tham gia Talkshow do Hội Kỷ lục gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

7. Văn hoá doanh nghiệp trong kỷ nguyên AI

Kỷ nguyên AI mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về văn hoá doanh nghiệp. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng AI vào nghiên cứu khoa học, quản trị, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… giúp nâng cao hiệu quả, sáng tạo, kết nối toàn cầu. Để thích ứng, doanh nghiệp cần giữ vững giá trị nhân văn, lấy con người làm trung tâm; đào tạo nhân viên kỹ năng số, kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác – những năng lực mà AI khó có thể thay thế con người; cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử AI minh bạch, công bằng, an toàn, tôn trọng quyền riêng tư, trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp cần kết hợp hài hoà giữa công nghệ và giá trị nhân văn để phát triển bền vững.

Doanh nhân Nguyễn Đình Thắng tại Lễ ra mắt Cộng đồng Bách gia tinh hoa toàn cầu, tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh, ngày 4/7/2025.

Xây dựng văn hoá doanh nhân và văn hoá doanh nghiệp không chỉ là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số, mà còn là nền tảng cốt lõi để doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo dựng uy tín, niềm tin với khách hàng, đối tác và xã hội. Văn hoá doanh nhân là nguồn cảm hứng, là “người gieo hạt” cho văn hoá doanh nghiệp, còn văn hoá doanh nghiệp là “mảnh đất” nuôi dưỡng, phát triển những giá trị tốt đẹp của doanh nhân và tập thể cán bộ nhân viên. Trong kỷ nguyên mới, khi công nghệ, đặc biệt là AI ngày càng phát triển, doanh nghiệp càng cần giữ vững giá trị nhân văn, lấy con người làm trung tâm cho mọi sáng tạo, đổi mới. Với giá trị cốt lõi: “Mọi giá trị do con người tạo ra nhằm phục vụ hạnh phúc của con người” và phương châm “Sáng tạo – Kết nối – Chia sẻ” sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ thích ứng với thay đổi mà còn lan tỏa giá trị tích cực, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng, gìn giữ và phát huy văn hoá của mình, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, từ trách nhiệm với bản thân, gia đình, tổ chức đến cộng đồng. Mặt khác cần phải gắn kết với bản sắc văn hóa của dân tộc, kế thừa phát huy được bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán ưu việt của dân tộc Việt Nam và đáp ứng các chuẩn mực trong ứng xử và kinh doanh quốc tế. Đó chính là con đường vững chắc để doanh nghiệp Việt Nam vươn xa, hội nhập thành công và phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

 

NGUYỄN ĐÌNH THẮNG (Chủ tịch Hồng Cơ Group – Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam – Thành viên Hội đồng Đại học Kinh tế Quốc dân)

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2025)

10:46:39 07-07-2025

VHDN: Trong bối cảnh toàn cầu hoá, chuyển đổi số và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, văn hoá doanh nhân và văn hoá doanh nghiệp đã trở thành yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế […]

Đối tác của chúng tôi