Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư – là định hướng quan trọng, là sự cổ vũ, động viên to lớn đối đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình bứt phá, hội nhập toàn cầu trong kỷ nguyên số.
Văn hóa kinh doanh và sự sống còn của doanh nghiệp
Tại Diễn đàn thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp năm 2024, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định:
“Xây dựng văn hóa kinh doanh – giải pháp quan trọng để phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước đang nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời phát huy sức mạnh nội sinh”…
Yếu tố sống còn đầu tiên – phải khẳng định: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là để kinh doanh trong môi trường đa văn hóa.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: “Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh – là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước.
Khai thác tiềm năng, thế mạnh nguồn lực văn hóa, như là đòn bẩy hết sức quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, hình thành cộng đồng ngày càng đông đảo và lớn mạnh các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, tiến tới tiệm cận với tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh thế giới để đất nước ta hội nhập nhanh, mạnh, bền vững trong thời gian tới”.
Yếu tố sống còn thứ hai các doanh nghiệp cần phải xây dựng: Uy tín chất lượng sản phẩm để vươn ra thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), ông Hong Sun cho rằng: “Với kinh nghiệm đầu tư vào Việt Nam hơn 30 năm, sự thành công của Hàn Quốc, không phải ngẫu nhiên, mà là chiến lược của Chính phủ trước đó hàng chục năm. Chính phủ Hàn Quốc xác định vai trò văn hóa doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Mỗi doanh nghiệp có thể trở thành đại sứ văn hóa quảng bá đất nước, con người ra thế giới”.
Lấy ví dụ về thành công của Tập đoàn Samsung, ông Hong Sun chia sẻ về câu chuyện của những chiếc điện thoại Samsung thập niên 1990. Năm 1995, Chủ tịch Lee Kun-Hee của Samsung đã tập trung 2.000 nhân viên đứng trước cửa nhà máy Gumi và đốt cháy tổng cộng 150.000 chiếc điện thoại di động với lời khẳng định: “Nếu các anh vẫn còn tạo ra những sản phẩm kém cỏi như thế này, tôi sẽ quay lại đây và tôi sẽ đốt thêm một lần nữa”.
7 năm sau, model SCH-X430S trở thành mẫu điện thoại di động Samsung đầu tiên đạt doanh số 10 triệu chiếc. Sẽ chẳng có một mẫu điện thoại Samsung nào bán được 10 triệu chiếc, nếu như Chủ tịch Lee không thẳng thừng đốt điện thoại trước mặt nhân viên của mình.
Đó dường như là cam kết về chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn tốt nhất, trước khi đến tay người tiêu dùng, điều kiện cần để kinh doanh được trong môi trường đa văn hóa, đa quốc gia.
Ông Hong Sun nói: “Các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài, trước hết phải chú trọng chữ tín, cùng với đó là cần thêm sự tự tin để vươn ra biển lớn”.
Yếu tố “sống còn” thứ ba để các doanh nghiệp có thể kinh doanh trong môi trường đa văn hóa: Sự thấu hiểu bản sắc văn hóa mỗi quốc gia.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, một doanh nghiệp đã từng có cơ hội hợp tác với nhiều nước trên thế giới như Nga, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc…, Nguyễn Văn Hội đã có những chia sẻ về thực tế của mình:
“Trong quá trình hợp tác xây dựng các dự án, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn đến từ địa hình, khí hậu, sự khác nhau đến từ trình độ, văn hóa và môi trường kinh doanh. Chúng ta phải làm gì trong bối cảnh đa văn hóa như vậy?
Thời gian đầu, chúng tôi gần như là đấu tranh, chứ không phải hợp tác, vì trình độ của người lao động chúng ta rất thấp. Với các đối tác nước ngoài, khi làm việc, họ có kế hoạch rõ ràng, dài hạn, mạch lạc, thẳng thắn, đúng giờ giấc; nhưng ngược lại, với người Việt Nam, ít khi tuân thủ giờ giấc, các kế hoạch lập ra cũng có sự thay đổi nhanh chóng, thậm chí thay đổi hàng ngày, vì vậy có sự mâu thuẫn.
Yêu cầu bắt buộc là phải tìm ra cách hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao và cấp trung liên tục chia sẻ khó khăn, trao đổi trong công việc; thỉnh thoảng có những teambuilding (hoạt động trò chơi tập thể, tổng kết…) cấp cao cấp thấp, dần dần tháo gỡ khó khăn để công việc trở nên thuận lợi.
Thêm một ví dụ nữa là hợp tác với Nhật Bản, trong quá trình làm việc, chúng tôi đặt vấn đề phát động phong trào thi đua, thì họ không hiểu được thế nào là “phong trào thi đua” – bởi trong khái niệm của họ, không có từ phong trào thi đua, người ta chỉ làm việc theo đúng tiến độ hợp đồng, cam kết chất lượng và chi phí.
Sau một thời gian thuyết phục, chúng tôi tìm ra được một từ ngữ gần giống với phong trào thi đua và họ cũng hiểu rằng, đây là thứ phù hợp với lao động Việt Nam và họ đồng ý”.
Yếu tố “sống còn” thứ tư: Đào tạo nhân lực thích ứng với môi trường đa văn hóa.
Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Loan nhấn mạnh: “Nhân lực là hồn cốt, quyết định thành – bại của bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động trong môi trường đa văn hóa. Việc đào tạo nguồn lực này, đang là vấn đề đặt ra cấp thiết, đặc biệt chú trọng tính hòa nhập, toàn cầu.
Đào tạo ra nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội và thích ứng với môi trường đa văn hóa, cần phải có nhiều giải pháp khác nhau.
Trước hết là nhận thức đúng đắn về cơ hội, thách thức của đa văn hóa mang lại, từ đó có chiến lược dài hơi – hợp tác với các quốc gia để đào tạo nhân lực mang tính toàn cầu.
Tiếp theo là việc đào tạo kỹ năng như giao tiếp hiệu quả để tăng sự hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau; kỹ năng làm việc nhóm để tăng sự hòa hợp với nhau; kỹ năng quản lý – quản trị; kỹ năng thích ứng và quản trị sự thay đổi bởi môi trường đa văn hóa có nhiều yếu tố, biến động lớn như sự khác biệt về phong tục tập quán, lễ nghi, thói quen… tạo ra rào cản, xung đột, nếu không giải quyết được xung đột này, thì sự hòa nhập trong môi trường đa văn hóa sẽ khó khăn.
Cuối cùng là sự khác biệt về ngôn ngữ, đây là công cụ để chúng ta giao tiếp, thấu hiểu và chia sẻ trong môi trường đa văn hóa, bắt buộc phải được quan tâm và đầu tư, do đó, cần có sự hiểu biết, mở mang càng nhiều ngôn ngữ càng tốt”.
Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt
Tổng giám đốc Công ty CP Kết nối nhân tài Talent Corporation, Tiêu Yến Trinh phân tích về khái niệm văn hóa số:
“Văn hóa doanh nghiệp tập hợp các giá trị, niềm tin, hành vi, thái độ, chuẩn mực và cách hành xử chung của mọi thành viên trong một tổ chức doanh nghiệp.
Còn văn hóa số là áp dụng công nghệ trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ đó dẫn đến sự thay đổi. Trước hết là văn hóa đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm; quản trị không dựa vào con người, mà dựa vào dữ liệu và hệ thống, tự động hóa; nâng tầm quản trị minh bạch, chuẩn hóa quy trình. Như vậy, văn hóa số là phần mở rộng văn hóa doanh nghiệp, nhưng kích hoạt đổi mới sáng tạo dựa vào công nghệ.
Ứng dụng văn hóa số – hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt, dựa trên 5 trụ cột:
Thứ nhất, đặt khách hàng là trọng tâm, hiểu khách hàng muốn gì, từ đó ứng dụng các giải pháp công nghệ nâng trải nghiệm khách hang.
Thứ hai, đưa ra quyết định dựa vào các chỉ số, không dựa vào cảm xúc hay một cá nhân nào, quy về hệ thống hóa, chuẩn hóa quy trình, quyết định trên cơ sở dữ liệu công khai minh bạch, đòi hỏi người lãnh đạo phải hiểu và đi trước một bước.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả, hiệu suất doanh nghiệp, nhờ vào ứng dụng AI, kết hợp giữa con người và công nghệ – tạo ra giá trị lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp hiểu được nguyên lý: Những hoạt động liên quan đến trí tuệ, thì sử dụng cả công nghệ và con người; những hoạt động quá khó và liên quan đến trái tim cảm xúc, thì sử dụng con người, sẽ phân bổ được nguồn lực hợp lý và đạt hiệu suất cao.
Thứ tư, kích hoạt tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, thay đổi tư duy theo thị trường. Hành trình này, đòi hỏi người lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ là người dẫn dắt, truyền cảm hứng, mà phải đưa ra cách hành động cụ thể, các dự án ưu tiên, phân bổ nguồn nhân lực rõ ràng, có ngân sách tài chính đi đến cùng.
Thứ năm, mạnh dạn đầu tư chuyên gia chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nhau để có định hướng chiến lược, phối kết hợp các nguồn lực trong ngoài, đào tạo nhân viên phù hợp”…
Nói về sự khác biệt trong văn hòa số, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Misa, Đinh Thị Thúy chia sẻ: “Bản thân Misa, trải qua 30 năm hình thành và phát triển, với xu thế thay đổi, chúng tôi đã phát triển từ phần mềm kế toán cho đến phần mềm quản trị cho các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức…
Chúng tôi xác định, chuyển đổi số là sự thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của con người, với sự hỗ trợ của công nghệ, bởi công nghệ chỉ là công cụ.
Ứng dụng giải pháp chuyển đổi số, bắt buộc phải có sự nhất trí – đồng lòng cao độ để thay đổi quy trình làm việc, mô hình kinh doanh.
Ví dụ, việc ký tá giấy tờ, trước đây, chúng ta phải chờ đợi lãnh đạo đi công tác về mới trình ký, lâu ngày dồn thành cả chồng chứng từ, thậm chí mang về nhà cả tối làm việc. Nhưng hiện nay, công nghệ thay đổi, có thể ký ngay trên điện thoại, bắt buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải sử dụng được ứng dụng đó, để có thể ký tá, phê duyệt các văn bản ở mọi lúc, mọi nơi.
Hay như, việc ứng dụng công nghệ, giúp người lãnh đạo hoàn toàn đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu; ở dưới hệ thống phải nhập đầy đủ và chính xác dự liệu vào, người lãnh đạo không cần gọi trợ lý, thư ký cung cấp dữ liệu, mà xem dữ liệu đó trên chính điện thoại, máy tính bảng.
Người lãnh đạo thay đổi, thì chắc chắn cả hệ thống có sự thay đổi. Không còn là việc gặp trực tiếp mới giải quyết công việc, thông qua ứng dụng giải pháp công nghệ phát triển nền tảng số, tích hợp các nghiệp vụ trong một doanh nghiệp, từ dữ liệu về kế toán, nhân sự, bán hàng, quản trị điều hành doanh nghiệp thành hệ thống, giữa các bộ phận phòng, ban, phải thay đổi cách tương tác làm việc với nhau.
Hoặc việc doanh nghiệp tương tác với các cơ quan nhà nước như ngân hàng, thuế, bảo hiểm… qua các giải pháp công nghệ – chính là sự thay đổi tư duy, thói quen, cách làm, giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, tăng năng suất làm việc, tạo sự chuyên nghiệp trong công việc”.
Giám đốc Học viện Khoa học – Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), PGS. TS Vũ Văn Tích nhìn nhận: “Khi nói đến văn hóa số, văn hóa doanh nghiệp trong môi trường số, thứ cần thay đổi chính là lan tỏa văn hóa đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Muốn có sự bứt phá, thì buộc phải kích hoạt, chuyển đổi văn hóa đổi mới sáng tạo để có thể kịp thời nắm bắt xu thế mới của thế giới.
Văn hóa sáng tạo trong môi trường số – là việc chấp nhận văn hóa dám làm, dám chịu rủi ro, có sự khác biệt, đều dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ”…
Trong bối cảnh hội nhập, kinh doanh trong môi trường đa văn hóa, đa quốc gia – là xu hướng toàn cầu. Không chỉ phát triển trong nước, các doanh nghiệp lớn đều có chiến lược mở rộng thị trường sang quốc gia khác. Để làm được điều đó, ngoài chiến lược kinh doanh sản phẩm, các doanh nghiệp phải có sự thấu hiểu về văn hóa và con người bản địa của nhau, từ đó có sự thích ứng phù hợp, lâu dài.