Sự kiện - chuyên đề:

Xây dựng VHDN tiêu chí đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử cho các DN hiện nay

VHDN: Văn hóa doanh nghiệp được coi là tài sản tinh thần, là “phần hồn” giúp tạo dựng thương hiệu, bản sắc, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tiêu chí đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

1 Có khá nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về khái niệm văn hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về cơ bản, các ý kiến thống nhất cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị do doanh nghiệp sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động kinh doanh, là tổng thể các truyền thống, cấu trúc, phương thức kinh doanh, quản lý điều hành nhằm xác lập quy tắc ứng xử của một doanh nghiệp, từ đó chi phối hoạt động của mọi thành viên và tạo ra bản sắc kinh doanh riêng có của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp chính là bầu không khí làm việc do các thành viên trong doanh nghiệp, trước hết là ban lãnh đạo tạo ra, ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, thái độ lao động của mỗi thành viên và lòng trung thành của họ đối với doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ tạo ra môi trường làm việc tốt, khơi gợi cảm hứng khiến cho các cá nhân cố gắng phấn đấu vì mục tiêu chung. Văn hóa doanh nghiệp có quan hệ sâu sắc với động cơ hoạt động của doanh nghiệp, tạo nên định hướng mang tính chiến lược cho doanh nghiệp, điều chỉnh hành vi của các nhân viên. Do vậy, văn hóa doanh nghiệp trở thành động lực tinh thần giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đạo đức kinh doanh gồm những nguyên tắc và chuẩn mực có tác dụng hướng dẫn hành vi trong mối quan hệ kinh doanh, chúng được những người hữu quan (như người đầu tư, khách hàng, người quản lý, người lao động, đại diện cơ quan pháp lý, cộng đồng dân cư, đối tác, đối thủ…) sử dụng để phán xét một hành động cụ thể là đúng hay sai, hợp đạo đức hay phi đạo đức. Cho dù các đối tượng hữu quan không phải lúc nào cũng đúng, nhưng những phán xét của họ luôn tác động đến sự chấp thuận của xã hội đối với doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong thực tế, đạo đức kinh doanh liên quan đến các tiêu chí đạo đức và quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức có tác dụng chi phối định hướng hành vi, quyết định của cá nhân hay tập thể trong mối quan hệ kinh doanh. Trong đó, tiêu chí đạo đức kinh doanh được xác định là tính chất, dấu hiệu làm căn cứ để các doanh nghiệp nhận biết, đánh giá các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động của doanh nghiệp. Còn quy tắc ứng xử của doanh nghiệp là các khuôn mẫu, chuẩn mực có khả năng điều chỉnh thái độ, hành vi ứng xử của các thành viên doanh nghiệp theo các định hướng giá trị mang tính bền vững trong hoạt động kinh doanh.

2. Việc xây dựng tiêu chí đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử trong văn hóa doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp, cụ thể là:

Thứ nhất, tạo phong cách, bản sắc của doanh nghiệp.

Các yếu tố của văn hóa doanh nghiệp, như giá trị cốt lõi, quan điểm kinh doanh, các chính sách, các tập tục, lễ nghi, thói quen, cách ứng xử giữa cấp trên và cấp dưới, giữa đồng nghiệp với nhau, giữa công ty và các đối tác, cách thiết kế văn phòng, lô-gô, đồng phục, cách thức giao tiếp… tạo nên phong cách riêng biệt của từng doanh nghiệp, phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Các yếu tố này được định hình qua quá trình hoạt động của doanh nghiệp, chúng tạo nên hình ảnh, giá trị riêng cho doanh nghiệp, chúng tạo nên nét độc đáo trong lối kinh doanh do đó tạo nên bản sắc riêng của doanh nghiệp. Phong cách và bản sắc riêng của doanh nghiệp được bảo tồn, được truyền lại tạo khả năng phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó, văn hóa doanh nghiệp còn được ví như “bộ gen” của doanh nghiệp.

Thứ hai, tạo dựng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp tạo dựng được môi trường làm việc lành mạnh với các mối quan hệ tốt đẹp và chế độ đãi ngộ hợp lý thì người lao động trong doanh nghiệp đó cảm thấy phấn khởi, hăng hái lao động và muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, họ tự hào vì mình là thành viên của doanh nghiệp, muốn cống hiến sức lực cho doanh nghiệp và đây chính là những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Thực tế đã cho thấy ở những doanh nghiệp chú trọng đến việc xây dựng tiêu chí, thực hiện các quy tắc ứng xử thì tác phong làm việc của cán bộ nhân viên khá năng động, chuyên nghiệp, họ có ý thức trách nhiệm với công việc, gắn bó với tổ chức. Tiêu chí, quy tắc ứng xử quy tụ được sức mạnh của toàn doanh nghiệp, làm cho mọi thành viên thống nhất về nhận thức, về cách thức hành động và tự giác làm việc một cách có hiệu quả.

Thứ ba, thu hút nhân tài và nâng cao lòng trung thành của nhân viên.

Văn hóa doanh nghiệp phát triển giúp doanh nghiệp thu hút và giữ được nhân tài, củng cố lòng trung thành của nhân viên với doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, người lao động có trình độ quan tâm nhiều đến môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến bên cạnh các yếu tố lương bổng và phúc lợi khi lựa chọn công việc. Tri thức ngày càng phát triển khiến cho những đòi hỏi của con người về tính nhân văn trong các hoạt động sống, đặc biệt là hoạt động lao động cũng ngày càng tăng lên. Đa số người lao động đều thích được làm việc trong các môi trường mà ở đó các tiêu chí mang tính nhân văn, lòng nhân ái được đề cao.

Thứ tư, tăng tính sáng tạo của người lao động.

Môi trường làm việc thân thiện, hài hòa, sáng tạo chính là điều kiện quan trọng để các ý tưởng sáng tạo nảy sinh và phát triển bởi vì theo tâm lý thông thường, con người chỉ có thể sáng tạo khi ở trong tâm trạng dễ chịu, vui vẻ. Trong những doanh nghiệp có môi trường văn hóa làm việc tốt, mọi nhân viên luôn luôn được khuyến khích đưa ra sáng kiến, ý tưởng… Nhân viên trở nên năng động, sáng tạo hơn, gắn bó với doanh nghiệp hơn, làm tăng cường sức mạnh của doanh nghiệp.

Thứ năm, góp phần duy trì, phát triển mối quan hệ với khách hàng, đối tác.

Tiêu chí kinh doanh, chuẩn mực đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử doanh nghiệp làm tăng tính nhân văn không chỉ trong các hoạt động nội bộ doanh nghiệp mà còn trong các hoạt động giao dịch với khách hàng, với đối tác. Khi chất lượng các dịch vụ trong và sau bán hàng được nâng cao thì doanh nghiệp sẽ làm hài lòng khách hàng, thu hút được nhiều khách hàng hơn. Tính nhân văn được chú trọng trong các giao dịch, hợp tác với các đối tác của doanh nghiệp sẽ làm tăng uy tín của doanh nghiệp. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh và vị thế của doanh nghiệp trên thương trường.

Thứ sáu, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

Khi xây dựng thương hiệu theo các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức kinh doanh mang tính bền vững, doanh nghiệp sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh. Mặt khác, sự giao thoa văn hóa cho thấy nếu doanh nghiệp không khẳng định được bản sắc riêng của mình thì sẽ bị hòa tan, không trụ vững được trên thị trường. Có thể khẳng định rằng xây dựng thương hiệu dựa trên các tiên chí, chuẩn mực đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử chính là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Thứ bảy, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của doanh nghiệp.

Thông qua tiêu chí, chuẩn mực đạo đức kinh doanh và quy tắc ứng xử nhà quản trị thực hiện công việc quản lý của mình. Song, các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử này cũng có những ảnh hưởng nhất định đến quyết định của người quản lý cũng như định hình phong cách lãnh đạo của họ. Trong một môi trường tổ chức mà mọi người đều có ý thức hợp tác, chia sẻ thì gánh nặng của các nhà quản lý sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều và do đó hiệu quả hoạt động từ quản trị chiến lược, quản trị nhân lực, quản trị chất lượng, quản trị sản xuất, quản trị tài chính, marketing… đều nâng cao đáng kể.

3.Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng tiêu chí, quy tắc ứng xử trong hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp thành công trên thế giới như Intel, Apple (Mỹ), Sonny, Toyoata (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc) đã không ngừng xây dựng các chuẩn mực đạo đức mang tính định hướng giá trị cho doanh nghiệp. Chính những tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử trong hoạt động kinh doanh, giá trị cốt lõi của một số doanh nghiệp thành công trên thế giới có thể đem lại các các bài học kinh nghiệm quốc tế quý báu có các doanh nghiệp Việt Nam như:

Thứ nhất, kinh nghiệm xây dựng các tiêu chí đạo đức kinh doanh.\

Các tiêu chí đạo đức kinh doanh thể hiện văn hóa doanh nghiệp đều được các công ty, tập đoàn soạn thảo rất kỹ lưỡng và có tác dụng như kim chỉ nam định hướng cho việc xây dựng các bộ quy tắc ứng xử, đồng thời việc xác định tiêu chí, chuẩn mực đạo đức kinh doanh có thể giúp doanh nghiệp định dạng được những lĩnh vực rủi ro đối với tổ chức; các tiêu chí ứng xử đạo đức hầu hết định hướng doanh nghiệp phát triển dựa trên các chuẩn mực, như tôn trọng nhân quyền, tôn trọng pháp luật, cam kết quốc tế; tôn trọng, tôn vinh khách hàng; tôn trọng văn hóa của các quốc gia sở tại; coi trọng việc quản lý môi trường vật chất và tinh thần của doanh nghiệp; coi trọng vai trò của các thành viên doanh nghiệp; có trách nhiệm với cộng đồng; bảo vệ môi trường.

Thứ hai, kinh nghiệm xây dựng bộ quy tắc ứng xử.

Phải xác định được các tiêu chuẩn hành vi có thể giúp làm rõ các chuẩn mực và có khả năng thực sự để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phân công lãnh đạo và một số cá nhân có sự am hiểu về luật và tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp tham gia xây dựng hoặc giám sát việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử.

Thứ ba, kinh nghiệm triển khai bộ quy tắc ứng xử.

Phải tiến hành tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn việc áp dụng các tiêu chí, bộ quy tắc ứng xử thông qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng đến tất cả mọi người trong doanh nghiệp, đại diện, đối tác; phải nhất quán và kiên trì trong thực hiện, triển khai bộ quy tắc ứng xử; phải hỗ trợ cán bộ, nhân viên trong việc quán triệt và vận dụng nội dung của các quy tắc ứng xử; chỉ định vị trí quản lý chịu trách nhiệm thi hành; thông báo toàn bộ doanh nghiệp về nghĩa vụ phải nghiên cứu, quát triệt các chuẩn mực và mục đích của việc ban hành bộ quy tắc ứng xử; thiết lập hệ thống giám sát, thanh tra và báo cáo về các hành vi vi phạm các chuẩn mực được quy định trong bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp.

PGS, TS. NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

Chia sẻ
15:58:57 19-06-2019

VHDN: Văn hóa doanh nghiệp được coi là tài sản tinh thần, là “phần hồn” giúp tạo dựng thương hiệu, bản sắc, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi